“Vụ án“ ly kỳ: Không “ma quỷ“ vẫn liên minh!

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong cuộc sống, các thám tử đã giúp cho những người thân tránh được sự nghi ngờ lẫn nhau, bảo toàn hạnh phúc gia đình. Còn trong kinh doanh – “thương trường như chiến trường” với hàng ngàn những mánh khóe, mưu ma chước quỷ, các thám tử đã tham gia xác minh và phát hiện các dấu hiệu kinh doanh không lành mạnh, giúp thân chủ phòng ngừa từ xa các vụ kinh doanh với dụng ý xấu. Các ngón nghề gian lận trong thời đại kinh doanh bùng nổ đã bị các Sherlock Holmes thời hiện đại bóc mẽ như thế nào?
“Vụ án“ ly kỳ: Không “ma quỷ“ vẫn liên minh!
Với các thám tử, lĩnh vực liên quan đến kinh tế bao giờ cũng là những vụ "khó nhằn" nhất!
Ông Sơn là trợ lý Tổng giám đốc văn phòng đại diện của một công ty Nhật Bản nổi tiếng tại Tp. Hồ Chí Minh. Một ngày, ông từ Tp. Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội gặp thám tử Bình tại văn phòng Công ty Hoàng Nhân. Do được người quen giới thiệu nên ông Sơn rất tin cậy, đặt vấn đề ngay sau khi chào hỏi: “Tôi có 2 vấn đề cần được tư vấn xử lý, nếu giúp được, nhờ thám tử giúp ngay một việc tại Hà Nội và một tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Thứ nhất, công ty của ông Sơn sẽ nhập khẩu một ít sản phẩm máy ảnh kỹ thuật số đời mới về bán ở Việt Nam. Đây là dòng sản phẩm được bày bán tại châu Á trước 6 tháng so với thị trường Âu Mỹ. Với kế hoạch đó, sản phẩm sẽ có mặt tại thị trường Hà Nội và Tp. HCM. Việc giới thiệu sản phẩm này ở Việt Nam sẽ được thực hiện thông qua một đối tác làm đại lý ở Việt Nam. Lô hàng này có giá trị khoảng 500.000 USD. Đối tác lựa chọn là anh Trần Sang – Giám đốc một công ty chuyên tổ chức sự kiện và có chuỗi showroom kha khá tại Hà Nội. Trần Sang có hai biệt thự lớn và một resort tại Hà Tây.

Theo ông Sơ,  với quan hệ, hệ thống cửa hàng và kinh nghiệm của Trần Sang, lô hàng trên sẽ đến được với thị trường phía Bắc sau một thời gian ngắn. Ban đầu hai bên định mở LC để bảo đảm thủ tục tài chính, nhưng đến phút cuối, Sang lại đề nghị không thanh toán theo phương thức LC nữa vì đang kẹt vốn ở resort Hà Tây. Anh ta đề nghị chuyển hàng trước và sau ba tháng sẽ chuyển tiền. Việc này đẩy ông Sơn và cộng sự người Nhật bên Trung Quốc (nơi có hàng) lúng túng bởi sự đã rồi, 20 ngày nữa là phải ra sản phẩm theo đúng kế hoạch.

 

Nếu dừng, công ty sẽ mất 20.000 USD chuẩn bị và kế hoạch kinh doanh sai hỏng do lại phải làm lại từ đầu. Nếu liều lĩnh giao hàng cho Sang thì thiệt hại còn cao hơn trong trường hợp Sang thua lỗ, chậm trả…Quan trọng hơn là uy tín của ông với đồng nghiệp và lãnh đạo của công ty mẹ sẽ bị giảm sút.

 

Thứ hai, xác minh lại năng lực, tư cách, đặc biệt là quá trình công việc của giám đốc bộ phận môi trường của công ty ông đang làm việc là cô Minh Hạnh –người giới thiệu Trần Sang với ông Sơn. Không hiểu lý do gì mà Minh Hạnh rất tích cực đề cử Sang. Đến khi Sang thay đổi phương thức thanh toán, Minh Hạnh có thái độ lo lắng (một cách giả tạo và gượng ép) vì đề nghị này. Cô ta con người thật thế nào? Có quan hệ gì với Sang. Một năm nay kể từ khi cô Minh Hạnh vào làm viêc, tỏ ra có uy tín và quan hệ tốt, rất được anh em, cộng sự tin tưởng.

 

Cuộc hội ý của các thám tử diễn ra nhanh chóng và nghiêm túc. Phương án cơ bản được thám tử Bình vạch ra. Khách hàng cho thám tử được quyền chủ động xử lý khi tới địa bàn, yêu cầu 10 ngày có kết quả. Thám t‌ử th‌iện và nữ thám tử Huyền lập tức bay vào Tp. Hồ Chí Minh để xác minh thông tin về cô Minh Hạnh. Mũi thứ hai do thám tử Thanh và thám tử Quyến chia nhau một người xác minh ông Trần Sang, một người đi kiểm tra tài sản theo thông tin là của ông ta để tìm ra thực chất của vấn đề. Công việc hết sức khẩn trương. Điều đáng lo là 2 trong 4 thám tử mới vào nghề, họ chỉ có tâm huyết và mới được trang bị những kỹ năng cơ bản. Thám tử Bình có phần lo lắng bởi diện xác minh quá rộng trong khi đó thời gian lại quá gấp. Tuy nhiên, các thám tử có thể nhận thấy, khách hàng đang lo lắng đến mức nào vì đây là uy tín của ông với lãnh đạo công ty tại Việt Nam và Nhật Bản. Con người 55 tuổi đời đi khắp thế giới đã lấm tấm mồ hôi khi ngồi trước mặt thám tử Bình. Ông tâm sự rằng bởi ông quá tin cô Minh Hạnh nên dẫn đến tình thế này. Lẽ đó làm cho anh em càng phải quyết tâm hơn. Ông Sơn cũng bay vào Tp. Hồ Chí Minh ngay hôm đó.

 

 

 

Ba ngày đầu, tin báo ra khá thất vọng. Thiện và Huyền tiếp cận Minh Hạnh 3 ngày mà vẫn không có kết quả. Cả hai công ty đa quốc gia mà Hạnh làm liên quan đến lĩnh vực môi trường đều xác nhận thông tin về cô đúng như CV đã mô tả cả về quá trình làm việc, năng lực và sự thăng tiến. Đặc biệt, trước đây, cô chưa từng để xảy ra sự cố đáng tiếc nào khi đương chức. Khả năng diễn xuất, nhập vai để tiếp cận các công ty trên để có được những thông tin khách quan về Hạnh rất vất vả. Những người đã làm cùng Minh Hạnh cho biết cô là người có năng lực và hay nhảy việc, rời bỏ công ty cũ ngay cả khi có nhưng cơ hội thăng tiến tốt. Để có được những thông tin đó, thám tử phải đóng vai nhân viên của một công ty “săn đầu người” đang đi tìm người giỏi, sự dí dỏm và khéo léo khiến những cán bộ người Việt ở đây vui vẻ dành thời gian cho anh. Lúc này, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến họ gọi ngay điện cho Minh Hạnh báo tin có người “quan tâm”, và như thế sẽ có nguy cơ hỏng việc.

Đang mỏi mệt và mất phương hướng, Huyền chợt phát hiện ra một manh mối. Tờ báo trong phòng nơi cô ngồi nghỉ tại công ty đa quốc gia này có vạch đỏ: Một vụ bê bối rác thải công nghiệp của họ cách đây hơn một năm bị báo chí lên tiếng, rác công nghiệp xử lý không theo quy trình, bị tư thương bán khắp nơi, gây ô nhiếm. Các công ty nước ngoài rất nghiêm ngặt trong quá trình xử lý rác thải. Nếu như họ bị phát hiện xử lý rác thải sai quy trình, khách hàng nơi họ xuất khẩu sản phẩm sẽ tẩy chay hàng của họ. Linh cảm nghề nghiệp ập đến bởi Minh Hạnh lúc đó làm ở bộ phận môi trường công ty này. Theo tìm hiểu của các thám tử, sự việc này xảy ra 1 tháng sau khi Hạnh nghỉ việc. Hợp đồng này do bộ phận khác ký kết. Lập tức phương án mới được đưa ra, căn cứ rất mơ hồ (hai ngày sau khi âm thầm làm việc, các thám tử mới dám báo cáo với văn phòng vì nó khá cảm tính. Nếu họ dự cảm sai, anh em cười, chưa nói là có thể bị kỷ luật).

 

Thiện và Huyền hôm trước còn bóng bẩy trong vai trí thức thì giờ đã là những tay lái lụa, ăn mặc như dân giang hồ lặng lẽ bám sát các xe rác thải chở ra từ công ty ông Sơn. Việc này được giữ kín và ông Sơn cũng không biết. Sau hai ngày bám sát và ăn bụi bởi phải bám xe, bám đường, họ đã phát hiện ra kho tập kết rác thải. Từ đây rác được phân loại rồi đưa đến các xưởng nhỏ. Thám tử tiếp cận ngay người chủ của kho này là Chiến “mù u”. Theo công nhân làm việc ở kho, biệt danh “mù u” của Chiến có từ thời anh ta còn tham gia xã hội đen. Biết được Chiến móc ngoặc với Minh Hạnh, để có được hợp đồng béo bở thu mua phế liệu của công ty ông Sơn với giá rẻ. Đặc biệt, sau khi xác minh, các thám tử phát hiện Chiến “mù u” chính là anh ruột của Sang. Bám chặt Chiến ngay đêm đó, thám tử đã phát hiện Minh Hạnh và Chiến gặp nhau tại một quán bar nhỏ ở quận 1. Trong câu chuyện bập bõm giữa tiếng nhạc chát chúa, họ có nhắc đến máy ảnh và một kế hoạch chiếm dụng vốn nào đó. Sau đó, hai người ôm riết lấy nhau, vừa uống vừa cười nói. Giữa đêm, họ rời bar và đi tới một khách sạn hạng sang. Manh mối lớn đầu tiên đã dần dần lộ diện. Ngay lập tức, các thám tử gửi báo cáo khẩn cấp ra Hà Nội.

 

Sau mấy ngày làm việc vất vả, các thám tử đã phát hiện ra mối quan hệ giữa Minh Hạnh, Chiến “mù u” và Trần Sang. Việc Minh Hạnh “cặp” với anh trai của Trần Sang là một tình tiết mà ông Sơn không biết. Trong khi giới thiệu Trần Sang cho ông Sơn, Minh Hạnh chỉ nói rằng ông ta là đối tác quen chứ tuyệt nhiên không nói gì đến mối quan hệ kia. Đây là sự thiếu trung thực, biểu hiện của lối làm ăn chụp giật. Hành động nói dối của Minh Hạnh với ông Sơn không phù hợp với kế hoạch làm ăn lâu dài mà Sang và ông Sơn đang triển khai.

 

Thứ hai, Minh Hạnh và Chiến câu kết với nhau “ăn” rác thải của công ty ông Sơn làm sai lệch giá trị thực và tổn hại đến uy tín của công ty đa quốc gia. Lật lại tờ báo tại phòng truyền thống của công ty cũ mà Hạnh đã làm việc, các thám tử suy đoán Hạnh chính là chủ mưu của vụ bán rác thải của công ty đó. Cô ta đã bán và xử lý rác thải sai hợp đồng, sai quy trình, gây ô nhiễm làm tổn hại uy tín của công ty cũ với công ty đa quốc gia, một việc làm vô cùng tệ hại. Có thể đó là nguyên nhân Hạnh đã xin nghỉ việc sớm và không bị phát giác do có người thế vào đó. Giờ đây, công ty ông Sơn cũng đang đối mặt với chuyện đó. Nhà kho tập kết phế thải của Chiến hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn của một công ty xử lý rác thải chuyên nghiệp, không có lò xử lý đủ đáp ứng với những yêu cầu mà công ty ông Sơn đưa ra. Hành động của Minh Hạnh không khác gì đẩy công ty vào một vụ bê bối tiếp theo.

 

Thứ ba là vụ máy ảnh mà Trần Sang đang làm việc với công ty ông Sơn. Minh Hạnh và Chiến “mù u” nắm rất rõ. Dường như việc hoãn tiền và vẫn xin nhận hàng nằm trong kế hoạch họ đã vạch ra từ trước.

 

Thông tin tổng hợp từ Tp. Hồ Chí Minh tới tấp bay về. Ở Hà Nội, thám tử Quyến một mình một mũi xác minh. Sau 4 ngày xác định rõ Trần Sang chẳng hề có resort nào ở Hà Tây như anh ta đã “quảng cáo”. Ngay cả địa chỉ Sang cung cấp cũng do người khác đứng tên. Trong dự án này, bố của Trần Sang mới là người nắm giữ 10% cổ phần và dự án mới đang giai đoạn đầu. Hệ thống showroom máy ảnh, máy quay có giá trị hàng chục tỷ như mô tả của Trần Sang và Minh Hạnh (ông Sơn đã đến thăm) thực chất là của người khác (chú họ của Sang) mà anh ta chỉ có vai trò giám đốc điều hành trong vòng một năm. Tuy nhiên, do làm ăn kiểu mafia và có nhiều dấu hiệu bất minh về tài chính, ông chú họ cũng chuẩn bị cho nghỉ. Ngay cả hai căn biệt thự Sang đang ở là cũng của bố mẹ, chưa chia cho 4 anh em. Do đó không thể tin cậy.

 

Dấu hiệu chưa đến mức lừa đảo, nhưng ít nhất có sự thiếu minh bạch. Đột ngột mũi xác minh của thám tử Thanh phát hiện Trần Sang đến một Đại sứ quán một nước châu Âu. Khi trở ra, Sang vào một quán nước trên đường Tông Đản với bộ hồ sơ. Anh ta không ngờ người đi ngang qua nơi anh ta ngồi đã xác định nội dung làm thủ tục sang nước ngoài 3 năm có bảo lãnh.

 

Hồ sơ đã được khép lại đúng vào ngày thứ 10. Thám tử bay vào Tp. Hồ Chí Minh gặp ông Sơn (do ông bận việc không thể ra được) để thông báo kết quả. Cả hai bên đã thống nhất việc như thế là quá đủ. rủi ro kinh doanh là có, nhưng đã sớm được ngăn chặn và phòng ngừa. Vụ rác thải tuy không có trong hợp đồng với Công ty Hoàng Nhân nhưng lại là thứ khiến cho ông Sơn sởn gai ốc – đó là thông tin quý giá, cứu cho một thương hiệu lớn như công ty ông Sơn và tập đoàn của ông một bàn thua trông thấy. Hơn nữa, đó lại là bảo bối để ông khôi phục uy tín của mình với lãnh đạo công ty, tập đoàn. Ông cũng đã cứu tập đoàn một pha đẹp mắt trước khi việc rác thải không bị đẩy đi quá xa, vì hợp đồng này mới ký được một tháng. Sau khi vụ việc thành công tốt đẹp ngoài dự kiến, thân chủ muốn thưởng cho các thám tử xuất xắc, nhưng ông không bao giờ được gặp họ, bởi đó là nguyên tắc. Và đương nhiên, họ cũng không biết ông là ai, họ làm việc của mình chuyên nghiệp và không quan tâm đến điều đó. Khi ông Sơn đã “ngủ ngon giấc” vì nhận được sự khen ngợi từ phía tập đoàn thì những thám tử lại đang nhận một nhiệm vụ khác.

 

Câu chuyện này đến được với độc giả là lúc mọi việc đã qua đi. Phi vụ chiếm dụng vốn, trả chậm bất thành. Và đương nhiên, sau vụ này, Hoàng Nhân đã cũng cố thêm uy tín của mình với khách hàng, nhất là những doanh nhân chân chính – những người luôn có yêu cầu về sự chính xác và trung thực tuyệt đối trong công việc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật