29 năm tìm cha và điệp vụ thám tử bí ẩn

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khoảng trung tuần tháng 3/2007, có hai cô gái còn khá trẻ, tên là Khương Thị Chung và Khương Thị Thành, đến Công ty Điều tra và Bảo vệ - V.
29 năm tìm cha và điệp vụ thám tử bí ẩn
Chị Lương Thị Thủy kể chuyện đời mình với phóng viên

Đó là câu chuyện buồn và xúc động của một phụ nữ - một thân phận đặc biệt, đầy bi thương. Chị đã trải qua một tuổi thơ hãi hùng và giờ đây vẫn sống trong nghèo túng. Phải vật lộn với cuộc sống nhọc nhằn, những tưởng người phụ nữ ấy không đủ thời gian để nghĩ về người cha bí ẩn của mình, nhưng thật kỳ lạ, tình phụ tử trong chị chưa bao giờ tắt… Chị là Lương Thị Thủy - “Bút Đa”, sinh ngày 17/7/1971. Chị là kết quả của một mối tình éo le, trắc trở. Có thể vì thế mà số phận chị cũng đầy trắc trở… Những người giúp Bút Đa tìm cha đã áp dụng những biện pháp "tìm kiếm" kỳ lạ nhất, không theo lôgíc thông thường, không theo tâm lý và sự biến thông thường. Chính điều này đã khiến cuộc kiếm tìm dài dằng dặc thấm đượm một màn huyền hoặc, không thể giải thích nổi nhưng cũng đầy những chi tiết hoa dã. Và nếu như bạn biết rằng, những thám tử bí ẩn này đã tìm cha cho Bút Đa hoàn toàn miễn phí thì bạn sẽ càng tò mò muốn biết về họ... Những thám tử đó bạn sẽ gặp lại ở các phần sau của câu chuyện cảm động, li kỳ này. Bây giờ, chúng ta hãy tạm biệt họ, tạm biệt những thám tử bí ẩn mà chính chúng ta chưa biết để quay về với khởi đầu của câu chuyện này.

Câu chuyện thứ nhất

 

Khoảng trung tuần tháng 3/2007, có hai cô gái còn khá trẻ, tên là Khương Thị Chung và Khương Thị Thành, đến Công ty Điều tra và Bảo vệ - V. Họ tự giới thiệu là hai chị em, sau khi đọc một loạt bài về nghề thám tử ở báo ANTG, họ biết về công ty và đến đề nghị được giúp đỡ. Họ mang theo vài thứ giấy tờ rồi kể một câu chuyện rất buồn về người chị gái đã mất tích rất lâu của họ.
Đó là vào khoảng năm 1998, trong lúc dọn nhà, Khương Thị Thành nhặt được một lá thư có nội dung khá lạ. Sau khi đọc bức thư, Thành giật mình vì biết đó là thư của người chị gái, có tên là Thủy đã lưu lạc khoảng 20 năm về trước. Đây là người chị gái cùng cùng mẹ khác cha mà, thời còn rất bé, Thành có nhìn thấy vài lần và lờ mờ nghe người ta kể về chị. Cũng từ đó trở đi Thành chưa bao giờ có một thông tin về chị. Hôm nay nhặt được lá thư đã rách nát, úa màu ở góc bếp, Thành đoán rằng cha và mẹ kế đã không muốn họ biết về người chị này.

 

Đọc lá thư, Thành khóc rất lâu. Rồi trong tiềm thức xa thẳm hình ảnh người chị đã được khôi phục trong Thành. Hồi ấy, khu tập thể Xí nghiệp may Đáp Cầu (Hà Bắc cũ) còn rất hoang sơ, ngoài những thửa ruộng chỉ có vài khu nhà tập thể của công nhân. Đang ở trong nhà, Thành thấy người ta xôn xao ngoài ngõ, Thành chạy ra và thấy một cô bé gầy gò rách rưới đứng ôm cây chuối nhìn vào nhà mình. Rồi có bà hàng xóm chạy ra kêu lên mày có phải cái Thủy con mẹ Thức không? Cô bé ấy run rẩy gật đầu. Lúc đó Thành mới biết người kia là chị gái mình đã bỏ nhà ra đi từ vài năm trước.

 

Đêm đó, cả ba chị em Chung, Thành và Thủy được đoàn tụ và khóc hết nước mắt. Những tưởng từ đây ba chị em họ sẽ được sống với nhau. Nhưng sự đời lại không đơn giản như thế. Chỉ vài ngày sau, Thủy lại lặng lẽ bỏ nhà ra đi. Cũng từ cái đêm đoàn tụ hiếm hoi đó, Thủy thổ lộ với hai em về thân phận đặc biệt của mình và khát khao tìm được người bố đẻ.

 

Câu chuyện thứ hai

 

Khoảng tháng 7 năm 1970, có một nhóm học viên người Lào sang học tập tại Trường Sĩ quan Công binh, thuộc Bộ tư lệnh Công binh Hà Bắc (sau này trường chuyển vào Bình Dương). Trong số đó có một học viên tên là Bun Thăm. Anh khoảng 25 - 26 tuổi, thấp đậm, cười rất tươi, khi nói thường nhếch một bên mép phải, dân tộc Lự, nhà ở tỉnh Luông Pha Băng. Do trường ở gần Xí nghiệp may Đáp Cầu nên họ thường sang giao lưu với công nhân ở đó. Bun Thăm có làm quen rồi yêu một cô gái tên là Lương Thị Thức. Đó là một cô gái khá xinh đẹp, con nuôi của ông giám đốc xí nghiệp. Hồi ấy chuyện yêu đương rất khắt khe, đặc biệt với người nước ngoài. Nhưng vì quá say mê nhau nên họ đã có thai. Khi mọi việc đã đi quá xa, Bun Thăm xin cưới cô Thức nhưng ông bố nuôi không cho vì hai nước chưa có quy định việc kết hôn.

 

Sự cấm đoán của bố nuôi cùng những lời bàn tán của mọi người khiến họ hoang mang lo sợ. Rồi họ đi đến một quyết định - bỏ trốn. Bun Thăm bí mật đưa người yêu về Lào. Hai người xuống Hà Nội, rồi trốn trên một chiếc xe chở xăng đến Thanh Hóa, rồi đi bộ vào biên giới. Nhưng đến trạm kiểm soát Nà Mèo, Bun Thăm có giấy tờ nên được đi tiếp, còn cô Thức bị giữ lại. Không còn cách nào khác, họ chia tay để chờ đợi cơ hội khác. Trước khi đi, chàng trai người Lào thề rằng nếu không lấy được nhau sẽ t‌ּự vẫ‌ּn. Khi ấy cái thai trong bụng cô Thức đã được bốn tháng, Bun Thăm có dặn nếu sinh con thì đặt tên là Bút Đa. Vài ngày sau, xí nghiệp cử người xuống đón cô Thức về.

 

Sau lần trốn chạy đó, tinh thần cô Thức hoảng loạn, vài lần t‌ּự t‌ּử nhưng không thành; có lúc cô đã muốn bỏ cái thai đi. Cũng may có bạn bè và ông bố nuôi tốt bụng, hết sức động viên nên cô qua được cơn sốc đó. Thời gian sau, có một người đàn ông đến xin cưới cô Thức. Thực ra đó là một người bạn, anh ta cũng biết chuyện tình của Thức và cả cái thai trong bụng cô nhưng vẫn xin cưới. Được bố nuôi, bạn bè động viên, rồi cũng chẳng hy vọng vào người yêu cũ, lại thêm chiến tranh liên miên nên cô Thức đã đồng ý lấy chống.

 

Ngày 17/7/1971, cô Thức sinh con đặt tên là Lương Thị Thủy. Và còn một cái tên theo ý nguyện của người yêu là Bút Đa. Đến năm 1973, Bun Thăm đột ngột quay về, anh rất buồn vì biết Thức đã lấy chồng. Anh bàn bạc với gia đình Thức về nguyện vọng đưa con mình về Lào. Ban đầu Thức đồng ý, nhưng khi Bun Thăm bế con đi, đột nhiên Thức sợ hãi đuổi theo đòi lại. Trước sự kiên quyết của Thức, Bun Thăm đành phải trả lại con, buồn bã quay về Lào. Cũng từ đó hai người bặt tin nhau.

 

Với người chồng hiện tại, Thức sinh thêm hai đứa con gái chính là Chung và Thành. Cuộc sống của Thức chỉ êm đềm cho đến khi người bố nuôi mất. Từ đó nhiều bi kịch gia đình đổ xuống đầu cô. Đến năm 1979, cô mất vì trọng bệnh và câu chuyện đau buồn của cuộc đời đứa con lai bắt đầu…

 

Câu chuyện thứ ba

 

 


Cây cầu "kỳ lạ" trên đường vào nhà chị Thủy


Nếu gặp người phụ nữ này, bất cứ ai cũng cảm nhận được sự vất vả trên gương mặt của chị: da ngăm đen, lông mày rậm, gò má cao, đặc biệt là đôi mắt đượm buồn... Chị xoa bàn tay thô vụng, chai sần và ngồi bệt xuống hè nhà, kể một cách tức tưởi về tuổi thơ cơ cực của mình.

 

Chị nhớ như in cái ngày mẹ mất, đó là vào khoảng tháng 12 năm 1979. Lúc hấp hối, mẹ chị có dặn rằng, sau khi mẹ mất con sang ở với dì Dị (người em kết nghĩa với mẹ chị)… Rồi bà tắt thở. Tang lễ xong, người cha dượng gọi chị lại và nói rằng: tao không phải là bố đẻ của mày, bố mày ở mãi bên Lào, bây giờ mày muốn đi đâu thì đi. Và chỉ hai tháng sau, ông ấy đã đi bước nữa.

 

Điều làm Thủy nhớ mãi, trong đám tang của mẹ có một người đàn ông đến thắp hương rồi đưa cho Thủy hai gói kẹo, nhưng ngay lập tức ông bố dượng giật lấy hai gói kẹo vứt đi rồi tát cho Thủy một cái rất đau. Khi đó Thủy mới 8 tuổi nên chẳng hiểu gì cả và cũng chẳng kịp nhìn kỹ mặt người đàn ông đó.

 

Theo lời mẹ dặn Thủy sang sống với dì Dị, nhưng cuộc sống chẳng được yên vì người mẹ kế lại đến và đòi Thủy về. Người ta vẫn tưởng họ đón Thủy về vì trách nhiệm và tình thương, nhưng sự thật lại không phải thế… Kể đến đây, chị khóc - những giọt nước mắt cứ rơi lã chã trên khuôn mặt quá già so với tuổi của chị. Không chịu được cuộc sống với bố dượng và mẹ kế, một đêm Thủy lẳng lặng bỏ nhà ra đi, Thủy ra đi với ý định tìm về quê mẹ. Trong hình dung nhạt nhòa về quê ngoại, Thủy chỉ nhớ ra ga tàu rồi đi, đến khi nào nhìn thấy một cây đa là đến. Với suy nghĩ của một đứa trẻ 8 tuổi thì điều đó sẽ giải thoát được cuộc sống nhọc nhằn ở nơi này. Thủy chỉ vơ vội vài bộ quần áo, hai quyển sách giáo khoa, nhìn hai em lần cuối và lặng lẽ ra đi. Và cuộc sống lang thang bắt đầu từ đó.

 

Trên tàu, Thủy đã không thể nào nhìn thấy cây đa trong tiềm thức. Con tàu cứ lắc lư đưa Thủy đi. Rất nhiều ngày rong ruổi trên tàu nhưng chẳng bao giờ Thủy thấy cây đa cả. Đói quá, Thủy bắt đầu xin ăn, và gặp bất cứ đứa trẻ nào Thủy cũng chìa hai quyển sách giáo khoa ra và nói: “Chúng mày biết quê mẹ tao ở đâu không? Chỉ cho tao thì tao cho hai quyển sách này…”. Những đứa trẻ nhìn Thủy một cách kỳ lạ, làm sao chúng nó biết quê mẹ của Thủy ở đâu. Trước mắt chúng là đứa bé gái 8 tuổi còm nhom, rách rưới và bẩn thỉu, chúng sợ hãi rồi bỏ chạy…

 

Kể đến đây chị lại khóc, giọng nói bị nghẹn lại, hình như những ngày tháng cực nhọc đó đang hiện về trong tiềm thức của chị. Chúng tôi phải động viên chị và lảng tránh bằng những câu chuyện khác. Phải rất lâu sau chị mới đủ bình tĩnh để nhớ lại.

 

Đến một hôm Thủy không xin được gì. Mệt quá, Thủy tìm một góc trên tàu rồi nằm co ro ở đó. Thủy nhớ đã nằm như thế khoảng 6 ngày, lúc tỉnh lúc mê, có những lúc thấy đau rát ở lưng thò tay xuống thì ôi thôi toàn rận, chúng bò nhung nhúc cắn vãi cả máu. Thủy chỉ nhớ lờ mờ rằng hình như có ai đó nói: “… chúng mày ơi con bé này sắp chết rồi, vứt nó xuống tàu thôi…”. Tiếng xì xầm làm Thủy sợ hãi cố hé mắt nhìn lên, và thật bất ngờ, cạnh đó có một bà đang ngồi, trong túi bà ta có một cái bánh chưng. Đói quá, Thủy thò tay nhón lấy cái bánh, khi tàu dừng người đàn bà ấy xuống, Thủy đã ăn ngấu nghiến…

 

Chị lại khóc - nức nở khóc! Chị nói: “Các anh biết đấy, lúc đói quá mà ăn no thì thế nào… Tôi nhớ lúc đó thật kinh khủng, bụng muốn vỡ tung…”. Đôi mắt chị lúc này đã hết nước mắt. Chúng tôi không thể hình dung nổi người phụ nữ nhỏ bé này lại chịu nổi những ngày hãi hùng đó. Bây giờ người chị như sắt lại, hình như, cái khổ, cái cực đã giày vò chị quá nhiều nên trông chị khổ và tội đến nao lòng. Rồi bất ngờ chị đề nghị chúng tôi gọi chồng chị ra. Theo chị, câu chuyện này cần được người chồng nghe vì lâu nay chị vẫn chưa thể chứng minh với gia đình chồng rằng chị có mẹ, có bố và có quê hương chứ không phải bờ bụi như người ta vẫn đồn đại.

 

… Cuộc sống ăn xin của chị vẫn tiếp diễn. Có những lúc nhớ hai em quá, Thủy lỉnh về nhà đứng nhìn chúng một lúc rồi lại lên tàu ăn xin. Có đói, có khổ, Thủy cũng không dám quay về vì những trận đòn mà người ta “ban tặng” vẫn là nỗi khiếp sợ của Thủy. Rồi một lần, có người đàn bà người dân tộc thiểu số bán thuốc nam trên tàu cho Thủy đi theo. Lúc đó, được cưu mang là niềm hạnh phúc rất lớn. Thủy đã theo bà đi hái thuốc rồi lên tàu rao bán. Có lúc đi sang cả Trung Quốc, cứ theo đường tàu mà bước, tối đâu ngủ đấy, suốt cả mùa đông chỉ mặc mỗi cái áo len cũ. Cho đến ngày gặp gia đình anh Hùng ở ga Khúc Rồng (Thái Nguyên) mới dừng lại và làm người giúp việc ở đó. Đây là gia đình đầu tiên đối xử tốt với Thủy. Cũng từ đây kết thúc chuỗi ngày ăn xin lang bạt, năm đó, Thủy vừa tròn 11 tuổi.

 

Thủy sống ở nhà anh Hùng cho đến khi trở thành con gái. Những tưởng cuộc sống sẽ khá hơn vì chị chuẩn bị lấy chồng - một người đàn ông dân tộc Chại. Nhưng sự việc lại không đơn giản như vậy. Trong thời gian làm người giúp việc cho gia đình anh Hùng, vì tần tảo chịu thương chịu khó nên ông Thìn hàng xóm để ý rồi nhận làm con nuôi, ông này đã có ý giữ Thủy làm con dâu vì gia đình có con trai. Nhưng ở lứa tuổi ấy, tình yêu không thể sắp đặt, cô đã đem lòng yêu người khác. Biết Thủy không muốn làm con dâu mình, ông Thìn rất giận dữ luôn tìm cách cản trở tình yêu của Thủy. Ông luôn mắng chị là người không cha, không mẹ… Quá buồn bã, một lần nữa, Thủy lại bỏ đi.

 

Những lúc như thế, hình ảnh người cha đẻ lại hiện về, nó thôi thúc Thủy cần phải tìm cha, cần phải liên lạc với hai em gái của mình. Vào năm 1988, bỗng nhiên ông bố dượng ở đâu tìm đến gia đình anh Hùng và nhắn rằng bố đẻ đang tìm về gấp. Cái tin đó là một niềm hy vọng mãnh liệt, Thủy mừng rỡ về nhà bố dượng mặc dù rất sợ hãi.

 

Thế rồi Thủy tìm về Trường Đảng (Học viện Nguyễn Ái Quốc bây giờ) và gặp hai người đàn ông Lào. Họ tự nhận là bạn của bố Thủy và cho địa chỉ rồi dặn rằng nếu muốn tìm bố đẻ cứ việc theo địa chỉ này. Nhưng cái địa chỉ đó đã bị thất lạc.

 

Thủy tuyệt vọng, trở lại nhà anh Hùng và khóc. Sự tuyệt vọng làm chị suy sụp, cùng lúc đó, người em gái anh Hùng về chơi, thấy Thủy buồn quá nên rủ về nhà của mình ở xóm Đoàn Kết, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) chơi cho đỡ buồn. Ở đây Thủy đã gặp anh Lê Văn Chính, họ kết hôn và sống ở đó.

 

Kể đến đây, chị nói: “… Mình đã quen sống trong nghèo khổ, nếu có nghèo nữa cũng chẳng sợ gì. Điều làm mình day dứt nhất chính là việc muốn biết cha mình là ai? Liệu ông còn sống không? Và muốn cho mọi người biết mình có cha, có mẹ...”. Rồi chị lại khóc...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật