Bản án “truy lĩnh” và bí mật dai dẳng cuối cùng của yêu

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đã hai lần lĩnh án với tổng số 6 năm bóc lịch trong nhà tù, Hiệp biết rõ sẽ tới một ngày Phương phải trả nợ bản án 5 năm tù giam mà tòa đã tuyên về tội buôn bán ma túy đối với cô. Trong thâm tâm, Hiệp cầu mong sự “tạm thời lãng quên” của pháp luật để đến khi Hiệp hết án thì Phương hãy vào trại mà nhận lấy những tuổi tù. Nếu được thế, Hiệp sẽ thay vợ nuôi con và làm lụng thăm nuôi, tiếp tế cho Phương
Bản án “truy lĩnh” và bí mật dai dẳng cuối cùng của yêu
Ảnh minh họa
Sau ba tuần không thấy Phương vào thăm nuôi mà tin tức về người vợ “thân gái dặm trường” của mình cũng “bặt vô âm tín”, Hiệp linh tính điều đáng sợ đã xảy ra. Nằm trong trại giam, đêm Hiệp không thể ngủ khi hình dung cảnh Phương phải khóa tay dẫn độ trên chặng đường hàng ngàn cây số ra miền Bắc; cảnh chia ly trong nước mắt của hai mẹ con Phương – Trang. Có hôm đang lao đồng trồng rau, Hiệp cuốc cả vào chân mà không thấy đau. Đến khi bạn tù thấy chân Hiệp tóe máu mới chạy lại băng bó cho anh.

 

Một tháng sau, Hiệp chính thức nhận được tin Phương bị bắt dẫn độ về miền Bắc thi hành án. Trời đất như đổ ập xuống đầu, Hiệp khóc như mưa như gió. Vừa khóc Hiệp vừa chạy như điên như dại quanh vườn rau. Trên 50 phạm nhân đội rau hôm đó cùng ngưng tay và đứng ngây như trời trồng. Trong số họ không ít người đã khóc cùng Hiệp. Tiếp theo là những đêm không ngủ, ngày bỏ cơm, Hiệp suy sụp. Tình trạng này kéo dài hàng tháng làm mắt Hiệp mờ đi và cái tên Hiệp mù ra đời từ đó.

 

Chết thì không chết được mà sống thì không thể khổ hơn, từ đó Hiệp trấn tĩnh lại và bắt đầu tìm cách sớm được ra khỏi trại giam để làm cái việc mà Phương đã thay mình trong suốt thời gian qua. Bao nhiêu khổ đau mà Hiệp mang lại cho Phương thì lúc này Hiệp thống kê trong đầu. Không nhẽ nào tình yêu của Phương chỉ được đáp lại bằng khổ đau?

 

Lá thư đầu tiên gửi cho vợ khi Phương đã về thụ án tại trại Tạm giam Hòa Bình được Hiệp viết trong nước mắt với tất cả sự ân hận mong Phương tha thứ. Hiệp ước nếu pháp luật cho phép, anh sẽ nhận những năm tù thay vợ. Hiệp hứa tới một ngày, Hiệp sẽ làm tất cả những gì mang lại hạnh phúc bình dị cho vợ con.

 

Đáp lại thư Hiệp, Phương nói mình đã chịu khổ đau quá nhiều do lỗi lầm của mình gây ra. Nhưng có một thứ không bao giờ là lỗi lầm thì vẫn còn và ngày càng thắm thiết, đó là tình yêu. Phương còn phải nằm trong nhà giam thời gian dài hơn Hiệp. Phương ngày đêm cầu mong Hiệp sau khi ra tù thì việc đầu tiên là phải từ bỏ ma túy. Theo Phương, chỉ có con đường đó thì họ mới có cơ may làm lại cuộc đời.

 

Vẫn lời của Phương: Nếu chúng ta trở về làm một con người bình thường thì dù khó khăn đến mấy chúng ta cũng sẽ được hạnh phúc bên nhau. Hàng ngày dù em đi rửa bát thuê, anh chạy xe ôm cũng kiếm được vài chục nghìn mà sống mà nuôi con. Nhưng nếu anh còn nghiện ma túy thì núi đau khổ đè lên chúng ta sẽ ghê gớm hơn thế này nhiều lần.

 

Tâm tình trong nước mắt của người vợ khổ đau – người tù chính là những liều thuốc đặc hiệu giúp Hiệp vững vàng trở lại. Sự quyết tâm của Hiệp cộng với sự quan tâm giúp đỡ của quản giáo và các bạn tù thể hiện rất rõ trong kết quả cải tạo của anh. Tháng 10/2001, Hiệp được ra trại sớm hơn so với bản án 9 tháng do được 2 lần ân xá giảm án.

 

Cầm tờ giấy ra trại trong tay, Hiệp vui mừng không tả, anh ước gì mình mọc đôi cánh để bay về miền Bắc - nơi Thu Trang – con gái bé bỏng đang phải xa cả bố lẫn mẹ; ở đó có gia đình nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi anh sẽ được gặp để chắp tay “ lễ sống” người vợ đau khổ vì hết lòng yêu anh hiện đang thi hành án trong trại giam. Sau bốn ngày đường, Hiệp ào vào con gái nhỏ, vào bố mẹ già như cơn gió lạc lõng ào vào rừng cây.

 

Đón đứa con từ cõi chết trở về cả nhà Hiệp vui mừng không để đâu cho hết. Tuy vậy, niềm vui chỉ thoáng qua còn nỗi lo thì thường trực. Vì giữa thành phố Hoà Bình – nơi được coi là điểm nóng về tệ nạn ma tuý, nhìn ra cửa là thấy “thằng nghiện”, đi ra đường là gặp “nghiện”, ngay hôm Hiệp về cũng đã có không ít bạn nghiện đến chơi … Nhiều người thở dài ngao ngán: Liệu có được nổi ba bẩy hai mươi mốt ngày?.

 

Đã có người nghiện sang lao động ở một nước theo đạo Hồi 5 năm rồi về nước trong niềm vui “ không ma tuý”. Thế mà chưa đầy 20 ngày sau, anh ta lại tìm cách tái xuất khẩu lao động vì nếu ở nhà thì chắc chắn lại không thoát khỏi vòng tay ma tuý. Không đâu xa, người ấy lại là hàng xóm của Hiệp, ai mà chả biết.


Bố mẹ Hiệp: Em nó được thế này, vợ chồng tôi sống thêm hàng chục tuổi!


 

Là người cha có đứa con nghiện mà lâm vòng tù tội, ông Vũ Văn Xuân từng nói: Nếu nó (Hiệp) có là cả tấn vàng thì tôi cũng chất lên bè mà đẩy ra biển cho thoát nợ. Khổ nỗi, nó không phải là vàng mà nó là con người, là con tôi nên tôi không thể bỏ nó. Chính vì thế mà cảnh thân già bẩy mươi tuổi lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần duy nhất ông lên đường vào nam thăm con trong nỗi cô đơn tủi phận. Từ đó, ông Xuân lên sẵn phương án kéo Hiệp trở về với gia đình ngay từ ngày đầu Hiệp hết án về nhà.

 

Ngày Hiệp về, đêm thứ hai, ông Vũ Văn Xuân chuẩn bị sẵn hai phích nước sôi, hai lạng chè Thái, 2 bao thuốc lá Vinataba để đón khách của con. Để cho chúng nó hỏi thăm nhau xong, ông Xuân mới có ý kiến: Các cháu đến chơi mừng em nó còn sống trở về thế là gia đình bác cám ơn. Bây giờ bác đề nghị từ nay, các cháu không đến nữa, vì trong các cháu có đứa còn nghiện, đến sẽ lại rủ rê thằng Hiệp quay lại con đường cũ thì gia đình bác không thể cứu vãn nổi.

 

Từ đó, ông Xuân trực tiếp cắt tóc cho khách tại nhà để quản lý Hiệp. Ông hô các con góp nhau được 3 triệu đồng để mua một máy bơm hơi, dụng cụ rửa xe máy cho Hiệp lao động tại nhà ngay bên cạnh ông và trong tầm kiểm soát của ông. Vừa cắt tóc cho khách, ông vừa qua sát những kẻ lai vãng quanh Hiệp. Ông rất chú ý đến những vị khách rửa xe có dấu hiệu nghi vấn để kịp thời “sinh sự” đuổi họ ra khỏi vòng ảnh hưởng tới con trai mình.

 

Một hôm, vợ chồng ông Xuân choáng váng khi Hiệp đưa cho ông một tép hêrôin. Còn Hiệp thì từ tốn nói: Con biết bố mẹ và cả nhà rất thương và lo cho con. Đã gần 4 năm nay ở trong trại con đã xa ma tuý. Từ ngày về với bố mẹ đến nay là ba tháng con quyết tâm đoạn tuyệt với ma tuý. Đây là một tép hêrôin đứa bạn nghiện đưa cho, con nhận lấy để kiểm tra mình và vượt qua nó, con đưa lại để bố mẹ tin con.

 

Từ đó trở đi, tuy vẫn quản lý Hiệp gắt gao nhưng vợ chồng ông Xuân đã cho phép Hiệp được làm thêm một số việc như đào đất thuê, bốc vác, kể cả rửa bát thuê. Một thời gian dài, không ít người ở thành phố Hoà Bình thấy một người mẹ tóc bạc ngồi trông con mình xúc đất thuê lên xe công nông. Nhiều lúc thấy con vất vả quá, bà bảo con nghỉ đi, nhưng Hiệp giải thích cho mẹ biết là anh đang cần có việc làm, đang cần lao động để phục hồi c‌ơ th‌ể, để quên đi ma tuý. Mục tiêu lớn nhất của Hiệp là vượt qua ma tuý để nuôi dạy đứa con gái thiệt thòi. Lao động để sống và thăm gặp động viên vợ yên tâm cải tạo sớm đoàn tụ gia đình.


Hai bố con Hiệp - Trang


 

Sau một thời gian rửa xe, xúc đất thuê, Hiệp gặp lại một người bạn từng buôn bè với anh một thủa. Không những thế người ấy cũng đã từng vào tù 5 năm về tội cố ý gây thương tích với hậu quả nghiêm trọng, đó là Đoàn Duy Thiều. Ra trại trước Hiệp, Thiều mở mang sản xuất, kinh doanh hết sửa chữa đại tu ô tô đến vận tải và dịch vụ du lịch. Biết Hiệp đang quyết tâm làm lại cuộc đời, Thiều đã bố trí cho Hiệp làm bảo vệ công ty ban đêm cho mình.

 

Việc Thiều nhận một người nghiện vào làm bảo vệ đã có không ít ý kiến phản đối, Thiều giải thích: Xin lỗi các vị, xin lỗi các kỹ sư, tôi không so sánh các kỹ sư với người nghiện ma tuý mà tôi thấy rằng tìm được một người quyết tâm và từ bỏ được ma tuý theo tôi còn khó hơn tìm một kỹ sư. Nếu các vị thấy ai cai nghiện được rồi thì cứ giới thiệu, tôi sẽ nhận ngay.

 

Là chỗ quen biết Thiều từ khi Thiều đang thụ án, có lần tôi đã hỏi về chuyện này thì Thiều nói rất gọn: Người cai nghiện ma túy được là người có nghị lực nên tôi rất tin ở họ.

 

Sau hai năm, ngày rửa xe máy tối làm bảo vệ, Hiệp xin thôi việc chỗ Đoàn Duy Thiều về tập trung vào làm việc tại nhà. Ngày 20/5/2003, Phương hết án. Thế là sau gần 10 năm chia ly trong điều kiện hết sức chớ trêu, họ mới được đoàn tụ. Hàng ngày Hiệp rửa xe, Phương đi làm may, Thu Trang đi học…mọi người, ai cũng mừng cho họ.

 

Tháng 10 năm 2007, sau 5 năm Hiệp trở về với gia đình và xã hội ( xin lỗi Hiệp vì tôi nhắc lại chuyện buồn của bạn là để có mốc tính thời gian bạn từ bỏ ma túy) tôi tìm đến ngôi nhà của Phương Hiệp ở phường Phương Lâm thành phố Hòa Bình. Mục đích của tôi vừa là thăm họ nhưng điều tôi rất quan tâm xem Hiệp có thực sự từ bỏ được ma túy hay không. Và cuộc sống của họ giờ ra sao?

 

Gặp tôi ở cửa, cụ Xuân – bố hiệp năm nay đã 78 tuổi cười rạng rỡ và kéo bằng được tôi vào nhà: Vào đây với lão già cái đã rồi sang thằng Hiệp sau! Hai ông bà vui mừng chỉ tay sang nhà Hiệp: Đấy anh xem, em nó đầu tư vốn mở cửa hàng sửa chữa, tân trang xe máy đấy. Từ sáng đến tối cứ là luôn chân, luôn tay. Em nó được như ngày nay, vợ chồng tôi có lẽ sống thêm hàng chục tuổi.

 

Đầu năm 2007, Hiệp quyết định Hiệp đi học sửa chữa xe máy để chuẩn bị mở mang công việc. Cảm mến trước nghị lực và lòng quyết tâm của Hiệp, anh Phong - chủ hiệu sửa chữa xe máy ở phường Đồng Tiến - nơi Hiệp đến học tỏ ra không giấu giếm điều gì mà tận tình chỉ bảo Hiệp. Sau một thời gian ngắn học việc, Hiệp về mở cửa hàng tại nhà và thuê ngay thợ đến làm. Hiệp kể: Em còn khó khăn. Vừa mất tiền học lại không có thu nhập gì. Suy đi tính lại, em quyết định thuê thợ. Tiền công trả cho thợ là 800.000đ/ tháng và cơm nuôi còn thấp hơn tiền em đi học. Nhưng quan trọng là em học ngay người em thuê, học ngay tại nhà mà vẫn có thu nhập do cửa hàng mình sửa chữa xe cho khách.

 

Nhìn gian nhà hơn chục chiếc xe máy và người thợ trẻ đang cùng Hiệp bổ máy, tôi thực sự xúc động và mừng cho anh. Hiệp khoe, có mấy người thợ nữa đến xin việc, nhưng em nói thật với họ là cửa hàng mới mở nên công việc còn ít, khi nào có thể bố trí được sẽ mời họ vào làm.

 

Trong câu chuyện với tôi, Hiệp thoáng buồn kể: Em trai ruột của Phương ở Nam Định với ông bà ngoại cũng bị nghiện ma túy. Gia đình đưa cậu ấy lên đây nhờ em giúp đỡ việc cai nghiện. Suy từ bản thân ra, em nhận lời nhưng khuyên ông ngoại hãy đưa cậu ấy vào trung tâm cai nghiện trước đã. Sau khi cai cắt cơn thì mới tính công việc quản lý sau cai. Nói thật với anh, em bỏ ma túy đến nay đã hơn 9 năm, em không phải là người hay rượu, thế mà mỗi khi có việc gì phải uống một hai ly rượu là vẫn ngáp đến mấy cái. Em biết đó là những cái ngáp do tàn dư của ma túy vẫn còn trong người. Cho nên, nếu không làm chủ được bản thân thì khó cai lắm!

 

Đang nói chuyện với Hiệp thì Thu Trang đi học về. Ồ, bé con ngày nào bà bế vào trại giam Hòa Bình thăm mẹ giờ đã là cô học sinh lớp 6 trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng. Hiệp nói nhỏ với tôi: Được cái cháu ngoan và chịu khó học lắm. Từ lớp một đến lớp năm cháu đều là học sinh giỏi đấy. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên khi Trang vừa cất cặp sách là vào ngay bếp thổi cơm, Hiệp giải thích: Em phải rèn cháu lao động ngay từ nhỏ. Ông bà, các bác ở cạnh nhận việc cơm nước giúp bố con em, nhưng em không đồng ý mà để cháu nó phải làm, làm cho quen.

 

- Thế mẹ cháu đâu?

 

- Ồ! em quên chưa thông báo với bác là nhà em đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan được gần hai năm rồi!

 

- Thế vợ chồng định xa nhau mãi hay sao?

 

- Nói thật với bác, chúng em lấy nhau đến nay là 16 năm, tính ra mới được gần nhau tổng cộng chưa đầy 3 năm. Xa nhau buồn lắm, nhưng lần này là nằm trong kế hoạch của bọ em, chứ không phải xa nhau để cùng vào tù như trước kia đâu! Việc bàn bạc cho nhà em đi xuất khẩu lao động cũng là “ lấy ngắn nuôi dài” đấy bác ạ!

 

- Chuyện làm ăn thì tôi cũng mừng cho cô chú, nhưng tôi muốn cô chú nhanh nhanh mà đoàn tụ cho bõ những ngày xa cách nhé!

 

Chứng kiến số phận chìm nổi của đôi vợ chồng Phương – Hiệp, tôi càng nghĩ cuộc đời này sao mà lắm chông gai. Và, trong đó không ít chông gai do chính mình rải ra để bẫy mình. Và cũng qua câu chuyện, chúng ta càng tin rằng trong cuộc đời này còn nhiều người tốt. Nếu không có những chị Thơ, anh bạn lái xe và các bạn của anh (trong thời gian Phương được hoãn thi hành án)… thì vợ chồng Hiệp và cháu Thu Trang liệu có vượt qua những cơn sóng gió? Trong câu chuyện này, chúng ta càng thấy vai trò của gia đình bao giờ cũng quan trọng. Và, quan trọng hơn là nghị lực của mỗi con người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật