Vũ khí Nhật khiến Trung Quốc “dựng tóc gáy”?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhật Bản hôm qua (17/12) thông báo, nước này sẽ sắm một loạt chiến đấu cơ tàng hình, máy bay không người lái và tàu ngầm tối tân như một phần của kế hoạch tăng cường vũ khí hạng nặng cho quân đội để bảo vệ những quần đảo ở xa. Bước đi này của Tokyo được tin là hành động nhằm trực diện vào Bắc Kinh trong bối cảnh hai nước đang tranh giành nhau quyết liệt một quần đảo ở biển Hoa Đông.
Vũ khí Nhật khiến Trung Quốc “dựng tóc gáy”?
Nội các của Thủ tướng Abe đã thông qua khoản ngân sách lớn cho việc mua sắm vũ khí mới nhằm đối phó với Trung Quốc

Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua đã nhất trí đầu tư một khoản ngân sách trị giá 24,7 nghìn tỉ Yên (khoảng 240 tỉ USD) cho lực lượng vũ trang trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2019. Như vậy, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản đã tăng lên 5% từ mức 23,5 nghìn tỉ Yên trong 5 năm tính đến tháng 3 năm 2014 lên mức 24,7 nghìn tỉ Yên Nhật. Con số này được cho là còn có thể tăng thêm 700 tỉ Yên nếu Bộ Quốc phòng có thể tiết kiệm và tăng cường tính hiệu quả trong sử dụng ngân sách.

 

Nguồn ngân sách mới sẽ được chi vào việc mua sắm một loạt vũ khí tối tân và thiện chiến bao gồm 3 máy bay không người lái, 52 tàu đổ bộ, 17 máy bay Osprey và 5 tàu ngầm. Tất cả gói vũ khí này đều được thiết kế để tăng cường các hoạt động do thám hàng hải và củng cố năng lực bảo vệ các quần đảo ở xa của Nhật Bản.

 

Khoản tiền mới cũng sẽ được đầu tư vào việc sắm hai chiếc tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu chống tên lửa tối tân Aegis và 28 máy bay chiến đấu tàng hình hàng đầu của Mỹ là F-35 – một loại chiến đấu cơ ưu việt hơn rất nhiều so với những chiếc F-15 mà Nhật Bản đang sở hữu.

 

Giới phân tích nhận định, phần lớn gói vũ khí trên sẽ thay thế cho những vũ khí lỗi thời mà Nhật Bản đang sử dụng nhưng điều rõ ràng nhất mà người ta thấy ở đây là sự thay đổi hoàn toàn trong ưu tiên quân sự của chính quyền Tokyo.

 

"Kế hoạch trên đã cho thấy sự chuyển biến rõ ràng trong trọng tâm quốc phòng của Nhật Bản. Theo đó, Tokyo đang hướng vào việc bảo vệ các quần đảo ở biển Hoa Đông”, ông Hideshi Takesada – một chuyên gia về an ninh khu vực ở trường Đại học Takushoku ở thủ đô Tokyo, cho biết.

 

Trong thời chiến tranh Lạnh, quân đội Nhật Bản phần lớn được đặt trong trạng thái tĩnh với đa số các nguồn lực được dồn về phía bắc và phía đông để bảo vệ họ chống lại một cuộc tấn công từ Nga. Tuy nhiên, hiện nay, với sự thay đổi của thế giới, đặc biệt là sự nổi lên của nước láng giềng Trung Quốc với mức chi tiêu quốc phòng hàng năm liên tục tăng ở mức hai con số, Lực lượng Vũ trang Nhật Bản nhận thấy họ cần phải chuyển trọng tâm về phía nam và cần củng cố sức mạnh để có thể triển khai tới những quần đảo ở xa của đất nước.

 

"Những định hướng mới cho thấy Nhật Bản đã sẵn sàng phòng vệ nếu Trung Quốc thẳng thừng quay sang dùng đến hành động quân sự thực sự”, chuyên gia Takesada nhận định.

 

Những vũ khí mà Nhật Bản lên kế hoạch mua sắm là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm “bình thường hóa” quân đội của nước này sau một thời gian dài phát triển theo hiến pháp hòa bình kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Trong suốt thời gian qua, quân đội được trang bị vũ khí thiện chiến và có độ chuyên nghiệp cao của Nhật Bản chỉ giới hạn ở vai trò phòng vệ hạn chế. Tuy nhiên, sau khi cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày một trở nên nóng bỏng và quyết liệt, chính quyền ở Tokyo đã có sự thay đổi. Nhật Bản đang hướng đến mục tiêu xây dựng một lực lượng quốc phòng năng động hơn mà ông Abe gọi là dựa trên “chủ nghĩa hòa bình tích cực. Theo đó, Nhật Bản vừa có thể tăng cường khả năng phòng vệ vừa có thể chia sẻ trách nhiệm an ninh lớn hơn trên toàn cầu.

 

Phản ứng của Trung Quốc

 

Bước đi mới nhất của Nhật Bản đã khiến Trung Quốc sôi sùng sục vì tức giận. Ngay sau khi thông tin về việc Tokyo thông qua việc tăng chi tiêu quốc phòng và chuẩn bị mua sắm một loạt vũ khí tối tân mới, Bắc Kinh đã lên tiếng kêu gọi Nhật Bản quan tâm đến những quan ngại “hợp lý và công bằng” về an ninh của các nước trong khu vực.

 

"Các chính sách của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự và an ninh có liên quan đến định hướng phát triển quốc gia và sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết tại cuộc họp báo định kỳ ngày hôm qua.

 

Bà Hua cho rằng, “với những hoạt động tiêu cực của Nhật Bản trong vấn đề lịch sử, các nước Châu Á, trong đó có Trung Quốc, và cộng đồng quốc tế nên cảnh giác cao độ trước hành động của Nhật Bản”.

 

"Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản đối diện và nhìn nhận chân thành về lịch sử, theo đuổi con đường phát triển hòa bình và hợp tác cùng có lợi, quan tâm đến những quan ngại hợp lý và công bằng của các nước về vấn đề an ninh”, bà Hua nói thêm.

 

Tiếp lời bà Hua, sáng nay (18/12), tờ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận hàng đầu của Trung Quốc, cũng có bài viết chỉ trích gay gắt Nhật Bản và Thủ tướng Abe. Tờ báo này cho rằng, Nhật Bản đang ngày một “hiếu chiến” và đi ngược lại với con đường phát triển hòa bình trước đây.

 

“Để che giấu tham vọng của Nhật Bản trong việc trở thành một cường quốc quân sự, Thủ tướng Abe đã vạch ra một kế hoạch an ninh dưới vỏ bọc được miêu tả là nhằm đưa Nhật Bản trở thành một lực lượng đóng góp chủ động và tích cực cho hòa bình”, tờ Tân Hoa Xã đã viết như vậy.

 

Tờ báo của Trung Quốc nhấn mạnh đến từ “chủ động” mà Nhật Bản dùng đến trong chính sách quốc phòng của nước này. Theo Tân Hoa xã, từ “chủ động” có nghĩa là hành động một cách tích cực và thậm chí là có thể tung ra đòn tấn công phủ đầu.

 

Những phát biểu trên cho thấy, Bắc Kinh thực sự đang lo lắng “phát sốt” trước những bước đi của nước láng giềng Nhật Bản trong thời gian qua. Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc cũng khiến các nước láng giềng lo ngại khi liên tiếp tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số trong nhiều năm qua và không ngừng củng cố sức mạnh quân sự của họ.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 5037
  1. Hàng loạt báo Nhật lên kịch bản chiến tranh với Trung Quốc
  2. Trung Quốc muốn “thúc đẩy quan hệ quân sự” với Mỹ
  3. Lầu Năm Góc chỉ trích Trung Quốc về biển Đông
  4. Mỹ: Trung Quốc “vô trách nhiệm” ở Biển Đông
  5. Chiến lược của Trung Quốc ở Đông Bắc Á: Hòa Hàn, ép Nhật
  6. ‘Trung Quốc vô trách nhiệm khi ngăn tàu Mỹ trên Biển Đông’
  7. Nhật mua hơn 100 chiếc F-35 quyết đè bẹp không quân Trung Quốc
  8. Trung Quốc lớn tiếng đe dọa Mỹ ở Biển Đông
  9. Kerry: ‘Trung Quốc không nên lập ADIZ ở Biển Đông’
  10. Trung Quốc điều 40 tiêm kích J-10 tới Biển Đông
  11. Trung Quốc không nên áp đặt ADIZ trên Biển Đông
  12. Mỹ mong muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng hòa bình
  13. Mỹ cảnh cáo Trung Quốc chớ áp đặt ADIZ ở Biển Đông
  14. Ngăn Trung Quốc, Nhật Bản tăng cường thắt chặt quan hệ với châu Á
  15. Senkaku/Điếu Ngư căng thẳng, Trung Quốc sản xuất tàu cung ứng mới
  16. Hàn Quốc: Vùng phòng không mới mở rộng chính thức có hiệu lực
  17. Nhật Bản-Việt Nam hợp tác an toàn hàng không Hoa Đông, Biển Đông
  18. Vì sao Trung Quốc suýt đâm tàu chiến Mỹ?
  19. Tần suất đối đầu chiến hạm Trung - Mỹ trên Biển Đông sẽ gia tăng
  20. Trung Quốc bác bỏ chỉ trích của Thủ tướng Nhật về ADIZ
  21. Tàu Trung Quốc lao vào tàu Mỹ: trả đũa B-52 vào ADIZ?
Video và Bài nổi bật