Ngăn Trung Quốc, Nhật Bản tăng cường thắt chặt quan hệ với châu Á

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong những năm tới, Nhật Bản sẽ tăng cường chi tiền cho lĩnh vực quân sự để mua các máy bay cảnh báo sớm, thiết bị tấn công đường biển và máy bay vận chuyển binh sĩ đồng thời thắt chặt mối quan hệ với các đối tác châu Á nhằm ngăn chặn đội quân thiện chiến của Trung Quốc.
Ngăn Trung Quốc, Nhật Bản tăng cường thắt chặt quan hệ với châu Á
Tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trở thành điểm nóng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc

Hôm nay (17/12), Nhật Bản đã công bố kế hoạch tăng thêm 2,6% chi tiêu quân sự trong 5 năm. Đây là một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất của Thủ tướng Shinzo Abe kể từ thời điểm nhậm chức cách đây một năm rằng ông muốn xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh hơn cho Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp chủ quyền các quần đảo với một số cường quốc châu Á ngày càng leo thang.

Ngoài ra, ông Abe còn cam kết tăng cường lực lượng quân sự Nhật Bản và thiết lập chiến lược an ninh để đối phó với tốc độ xây dựng lực lượng quân đội nhanh chóng của Trung Quốc cũng như những hành động đe dọa tới chủ quyền quần đảo nằm dưới quyền kiểm soát của Tokyo trên biển Hoa Đông – Senkaku/Điếu Ngư.

"Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng việc tăng cường cả lực lượng không quân và hải quân trên Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như nhiều khu vực khác. Hành động này không phù hợp với việc thiết lập một trật tự trên thế giới. Các chính sách an ninh quốc gia và quân sự của Trung Quốc thiếu tính minh bạch, khiến Nhật Bản và cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại và buộc phải tăng cường giám sát chặt chẽ hơn", một trong ba chiến lược an ninh quốc gia được Nhật Bản thông qua vào hôm nay viết.

Điểm nổi bật là chính quyền của Thủ tướng Abe đã quyết tâm tái thiết ngành xuất khẩu vũ khí vốn bị cấm tại Nhật Bản – một động thái có thể tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt cho các nhà thầu quốc phòng nội địa như Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi và Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki.

Những chính sách được Nhật Bản thông qua bao gồm kế hoạch xây dựng quân đội trong 5 năm và bản hướng dẫn quốc phòng 10 năm. Các chính sách này đều kêu gọi tăng cường năng lực giám sát hàng hải và hàng không đồng thời cải thiện khả năng bảo vệ chủ quyền các quần đảo xa xôi thông qua việc xây dựng một đơn vị hải quân chuyên biệt, mua các máy bay không người lái trinh thám và đưa đơn vị máy bay cảnh báo sớm E-2C tới hòn đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản. Theo đó, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản trong 5 năm tới sẽ là 23,97 ngàn tỷ Yên (232 tỷ USD).

Trong 10 năm qua, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản đã giảm mạnh cho tới khi ông Abe quyết định tăng ngân sách quốc phòng thêm 0,8% trong năm nay. Bộ Quốc phòng Nhật Nản hiện đang nỗ lực tăng mức chi tiêu quốc phòng thêm 3% trong giai đoạn từ năm nay tới tháng Tư năm sau – mức tăng lớn nhất trong 22 năm qua.

Trong 20 năm qua tính tới năm 2012, mức chi tiêu quốc phòng cho Nhật Bản xếp vị trí số 6 trên thế giới. Trái lại, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc lại bùng nổ nhanh chóng và tăng gấp 5 lần, đưa quốc gia này từ vị trí số 7 nhảy lên vị trí số 2 trong danh sách các cường quốc chi tiêu quốc phòng.

Tuy nhiên, kế hoạch tăng mức chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản hiện đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.

"Trung Quốc đang theo dõi sát sao chiến lược an ninh và chủ trương chính sách của Nhật Bản. Nhật Bản đang chỉ trích vô cớ về các hoạt động hàng hải thông thường của Trung Quốc và hành động coi Bắc Kinh là mối đe dọa ẩn chứa một động cơ chính trị", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hồng Lỗi phát biểu hôm 12/12.

Trong quá khứ, chiểu theo Hiến pháp thời hậu chiến, chính phủ Nhật Bản thường giới hạn hoạt động quân sự đồng thời công bố Tokyo sẽ không bao giờ có quân đội và hải quân. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã tiến một bước xa hơn khi gỡ bỏ cả lệnh cấm đưa quân ra nước ngoài chiến đấu và liên kết với các đồng minh trong trường hợp bị tấn công.

Chi tiêu quốc phòng

Trung Quốc cáo buộc sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương khiến tình hình quân sự trong khu vực thêm căng thẳng

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng căng thẳng xung quanh cuộc chiến tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tình hình quân sự giữa hai nước tiếp tục dậy sóng vào hồi tháng trước khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập "Vùng nhận diện phòng không" bao gồm không phận quần đảo đang tranh chấp, làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ Tokyo, Washington và Seoul, đồng thời khiến giới chuyên gia lo ngại về một cuộc xung đột sẽ sớm xảy ra tại khu vực này.

Tuy nhiên, tình trạng thù địch giữa nền kinh tế lớn thứ 2 và 3 trên thế giới lại càng trầm trọng hơn khi Mỹ - cường quốc kinh tế số 1, nhấn mạnh ủng hộ Nhật Bản trong bối cảnh không may xảy ra xung đột.

Tuyên bố tăng mức chi tiêu quốc phòng của ông Abe đã giúp giới nhà thầu Mỹ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ bao gồm nhà sản xuất máy bay trực thăng V22 Osprey của Tập đoàn Boeing, nhà sản xuất tiêm kích F-35 Lockheed Martin, tên lửa của Tập đoàn Raytheon và Tập đoàn Northrop Grumman sản xuất máy bay không người lái Global Hawk.

Quyết định tăng mức chi tiêu quốc phòng cho thấy Thủ tướng Abe đã sẵn sàng rót tiền hỗ trợ các chính sách đề ra mặc dù hiện nay nợ công của Nhật Bản đang ở mức cao gấp đôi so với quy mô nền kinh tế.

Trong khi mức chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng trưởng 2 con số hàng năm, Nhật Bản sẽ phải dựa chủ yếu vào mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với đồng minh thân thiết – Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực để giữ nguyên hiện trạng.

"Không có các đối tác, Nhật Bản sẽ không còn cách nào để kiểm soát Trung Quốc và ngăn chặn quốc gia này thêm hung hăng", Narushige Michishita – chuyên gia an ninh tại viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản nói.

Thật vậy, chiến lược an ninh quốc gia của Thủ tướng Abe không chỉ nâng tầm hợp tác với Mỹ mà còn tăng cường mối quan hệ với các đối tác chiến lược như Hàn Quốc, Australia, các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ.

Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Tokyo vào hồi tuần trước, Thủ tướng Abe cùng lãnh đạo của các quốc gia Đông Nam Á đã kêu gọi sự tự do hàng hải và hàng không, nhằm ám chỉ tới Trung Quốc – quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với một số nước thuộc khối ASEAN.

Tuy nhiên, kế hoạch chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ cắt giảm số xe tăng từ 400 chiếc xuống còn 300 chiếc trong 10 năm. Song, Tokyo sẽ tăng cường các thiết bị chiến đấu linh hoạt hơn và di chuyển nhanh hơn triển khai nhiệm vụ trên không và đổ bộ lên các quần đảo.

Chính sách quốc phòng mới cũng kêu gọi Nhật Bản tăng cường khả năng chiến đấu với các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, phòng ngừa người hàng xóm khó đoán – Triều Tiên. Tokyo cũng sẽ thành lập một đơn vị đổ bộ nhằm ngăn chặn các cuộc xâm chiếm đảo. Theo đó, Thủ tướng Abe có kế hoạch tăng số máy bay chiến đấu tuần tra tới quần đảo Okinawa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật