Tin liên quan
Ngày 1/4, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, HĐXX đã cho đại diện viện Kiểm sát đối đáp lại nội dung bào chữa của các luật sư, bị cáo và những người liên quan.
Đại diện viện Kiểm sát tại phiên tòa. Ảnh: Duy Anh.
Về bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), tại phiên tòa, viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên tử hình chung cho 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh "Tham ô tài sản”.
Đối đáp lại luật sư, đại diện viện Kiểm sát cho rằng, bà Lan sở hữu 91% vốn điều lệ của SCB, điều hành mọi hoạt động của SCB. Các tài liệu thể hiện bà Trương Mỹ Lan là người bố trí, sắp xếp nhân sự của SCB. Theo đại diện viện Kiểm sát, đây là thủ đoạn, phương thức phạm tội của bà Trương Mỹ Lan trong quá trình rút tiền ra khỏi SCB. Các bị cáo chủ chốt tại SCB đều khai nhận, khi được bổ nhiệm đến lúc xin nghỉ đều phải thông qua Trương Mỹ Lan…
Từ đó, đại diện viện Kiểm sát khẳng định, hành vi của bà Trương Mỹ Lan đã đủ yếu tố để cấu thành tội “Tham ô tài sản”. Do đó, viện Kiểm sát truy tố về tội danh “Tham ô tài sản” đối với bà Trương Mỹ Lan là có căn cứ.
Về đề nghị xem xét lại tính pháp lý của chứng thư thẩm định của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân, đại diện viện Kiểm sát khẳng định viện không căn cứ vào kết luận định giá của Công ty Hoàng Quân mà áp dụng các biện pháp điều tra khác để xác định thiệt hại của vụ án.
viện Kiểm sát đã áp dụng cách tính tổng dư nợ trừ đi giá trị các tài sản đảm bảo theo định giá của Công ty Hoàng Quân. Tính như thế là đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.
Về đề nghị HĐXX xem xét lại thiệt hại của vụ án, viện Kiểm sát cho rằng, hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan thực hiện xuyên suốt từ năm 2012. Về bản chất, bà Lan coi SCB như một công cụ tài chính, khi cần tiền thì bà Lan chỉ đạo các bị cáo khác rút tiền ra khỏi SCB. Việc đưa tài sản đảm bảo cho các khoản vay chỉ là phương thức, thủ đoạn phạm tội. Các tài sản này có thể rút ra, thay thế bằng tài sản khác không đủ điều kiện pháp lý dẫn đến các khoản vay không có khả năng thu hồi vốn.