Theo Sci-News, loài thủy quái mới được đặt tên là Marambionectes molinai - gợi nhớ đến tên đảo Marambio thuộc quần đảo James Ross của Bán đảo Nam Cực.
Con thủy quái này đã giúp xác định không chỉ một loài mà cả một chi hoàn toàn mới của Elasmosauridae - họ thằn lằn cổ rắn có lịch sử lâu đời từ kỷ Tam Điệp đến kỷ Phấn Trắng.
Từ kích thước trên dưới 3 m của kỷ Tam Điệp, dòng họ bò sát biển này ngày một phát triển trong kỷ Jura tiếp theo rồi bước vào thời hoàng kim của kỷ Phấn Trắng sau đó, với các đại diện lớn nhất dài trên 10 m.
Chúng hoàn toàn thích nghi với lối sống dưới nước và có sơ đồ cơ thể đặc biệt, bao gồm cơ thể thon gọn, các chi giống như mái chèo và chiếc cổ rất dài với 75 đốt sống riêng lẻ.
Một nhà cổ sinh vật học khai quật các mẩu xương của con thủy quái - Ảnh: Journal of Systematic Palaeontology
Hiện chưa xác định được chính xác kích cỡ con thủy quái ở Nam Cực, nhưng nó cũng là một sinh vật vĩ đại của đại dương kỷ Phấn Trắng.
Hài cốt hóa thạch của nó có niên đại 67 triệu năm, tức cuối kỷ Phấn Trắng, được phát hiện lần đầu vào năm 2018 từ Hệ tầng López de Bertodano.
Nhà cổ sinh vật học José O’Gorman và các đồng nghiệp từ Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia (CONICET - Argentina) cho biết các phần hài cốt này bao gồm thân và một phần đuôi, các chi, cổ, hộp sọ, cũng như sỏi dạ dày gọi là gastroliths dùng để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn.
Dù gặp nhiều khó khăn trong chiến dịch khai quật kéo dài nhiều tháng, bị gián đoạn bởi bão tuyết và việc phân tích, đối chiếu để xác định loài phức tạp, cuối cùng họ cũng đã hé lộ bí mật về con thủy quái.
Tình trạng bảo quản chung của mẫu vật rất tốt, giúp công việc thêm phần thuận lợi.
"Mẫu vật có những đặc điểm đặc biệt, cho phép chúng tôi xác định nó là một dạng chuyển tiếp giữa hai nhóm sinh sống ở bán cầu Nam, làm sáng tỏ quá trình tiến hóa và mối liên hệ giữa các chi khác được tìm thấy ở Chile, New Zealand và Tây Nam Cực" - các tác giả viết trên tạp chí khoa học Journal of Systematic Palaeontology.