Cá mập voi, còn gọi là cá nhám voi (Rhincodon typus) là loài cá mập lớn nhất còn tồn tại nhất trên thế giới. Những con cá mập voi trưởng thành có thể dài từ 12 - 18m, hơn cả một chiếc xe buýt cỡ lớn. Chúng chỉ ăn các loại sinh vật phù du, tảo, động vật thân mềm và cá nhỏ, được hút vào qua cái miệng rộng ngoác của mình. Chúng cũng có mặt trong Sách Đỏ của Việt Nam.
Nghêu khổng lồ phương Nam (Tridacna derasa), còn được gọi là trai tượng, là một trong những loài động vật thân mềm lớn nhất thế giới với kích thước cơ thể đạt đến 60 cm chiều dài. Chúng sinh sống chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới ở Đông Nam châu Á và phía Nam Australia, trong đó có khu vực Biển Đông của Việt Nam. Nghêu khổng lồ phương Nam đã được đưa vào danh mục những loài sinh vật biển quý hiếm, được bảo vệ đặc biệt ở Việt Nam.
Với nhiếu đặc điểm độc nhất vô nhị, cá mặt trăng (Mola mola) được coi là một trong những loài cá lạ lùng nhất trên thế giới. Chúng có thân hình tròn, dẹp và ngắn ngủn, nhìn từ xa sinh vật này trông giống như một cái đầu khổng lồ đang di chuyển vật vờ trong đại dương. Cá trưởng thành có thể dài tới 5,5 m, nặng 1400 kg. Địa bàn sinh sống chủ yếu của cá mặt trăng là các vùng biển nhiệt đới, trong đó có Biển Đông của Việt Nam. Theo Sách Đỏ Việt Nam, đây là một loài cá quý hiếm, cần phải được bảo vệ đặc biệt.
Cá nhà táng (Physeter macrocephalus) là một loài động vật có vú trong môi trường nước biển thuộc bộ cá voi. Chúng tồn tại trong các đại dương và là động vật có răng lớn nhất hành tinh. Chiều dài của những con trưởng thành có thể lên tới hơn 20m, nặng 60 tấn. Tại Việt Nam, đôi khi xác cá nhà táng dạt vào bờ biển và được ngư dân chôn cất.
Cá mập trắng lớn (Carcharodon carcharias) là loài cá ăn thịt lớn nhất thế giới vi chiều dài 6m, nặng hơn 2 tấn. Loài cá này được coi là một kẻ săn mồi đáng sợ, đã gây ra cái chết của rất nhiều người. Tại Việt Nam, cá mập trắng là nghi phạm số một của hàng loạt vụ cá mập tấn công người trên vùng biển Quy Nhơn những năm gần đây.
Cá voi xanh (Balaenoptera musculus) là một loài động vật có vú sinh sống trong tất cả các đại dương trên thế giới. Với chiều dài lên tới 30m và trọng lượng trên 170 tấn, chúng được biết đến là loài động vật to lớn nhất đang sống trên trái đất. Ngư dân Việt Nam gọi cá voi xanh là cá ông và coi chúng như một vị thần hộ mệnh trên biển cả.
Một loài cá có thân mỏng dẹt và dài tới nhiều mét, da lốm đốm, vây đỏ tươi, trên đỉnh đầu có mào tua tủa, đó chính là cá mái chèo (oarfish) thuộc họ cá Regalecidae, được ghi nhận là loài cá dài nhất thế giới còn tồn tại. Kỷ lục từng được Sách Guinnes ghi nhận về chiều dài của loài cá này là 17m. Chiều dài khủng khiếp cùng hình thù kì dị khiến chúng thường được mô tả trong các tài liệu thời xưa như một loài quái vật biển.
Cua huỳnh đế (Ranina ranina) là loài cua biển khổng lồ xuất hiện ở một số vùng biển phía Nam của Việt Nam. Khắc với phần lớn các họ hàng của mình, loài cua này có thân mình khum tròn như mai rùa và cả một chiếc “đuôi”, thực chất là phần thân sau đã thoái hóa. Những con cua huỳnh đế sống tại vùng biển nước sâu có thể nặng hơn 1kg.
Ốc anh vũ (Nautilus pompilus) được giới khoa học coi là một “hóa thạch sống” trong thiên nhiên, vì chúng thay đổi rất ít so với tổ tiên cách đây 400-500 triệu năm. Mặc dù được gọi là ốc, sinh vật này lại thuộc lớp động vật chân đầu giống như mực và bạch tuộc. Tại Việt Nam, sinh vật này được ghi nhận tại vùng biển Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Do bị khai thác để làm mặt hàng mỹ nghệ, số lượng ốc anh vũ ngày càng trở nên hiếm hoi.
Xuất hiện tại các vùng biển của Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, rùa da (Dermochelys coriacea) được coi là loài rùa lớn nhất còn sinh sống trên thế giới. Những con rùa da trưởng thành có thể dài đến 3m, nặng 600 kg. Ở Việt Nam, chúng đã gần như bị xóa sổ do ngư dân săn bắt bừa bãi.