Các nhà nghiên cứu đang đi tìm đáp án cho câu hỏi "cúm gia cầm có phải là nguyên nhân khiến hàng nghìn con chim cánh cụt chết ở Nam Cực không?" sau khi trong chuyến thám hiểm tháng trước, họ phát hiện ít nhất 532 con chim cánh cụt Adelie chết, thậm chí con số thực tế có thể lên tới hàng nghìn.
Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại virus cúm gia cầm H5N1 có thể giết chết các loài chim cánh cụt đang bị đe dọa và các loài động vật khác ở Nam Cực xa xôi.
Virus này đã lây lan nhanh chóng ở động vật hoang dã kể từ khi xuất hiện ở Nam Mỹ vào năm 2022 và nhanh chóng lan đến Nam Cực với ca nhiễm đầu tiên ghi nhận vào tháng 2 năm nay.
Nhà sinh vật học hoang dã Meagan Dewar thuộc Đại học Liên bang Australia, người tham gia chuyến thám hiểm trên, cho rằng, điều này có thể tác động lớn đến động vật hoang dã vốn đang chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu và các áp lực môi trường khác.
Theo bà Dewar, những con chim cánh cụt Adelie chết được tìm thấy trên đảo Heroina trong tình trạng đông cứng ở nhiệt độ âm dưới 0 độ C và bị tuyết bao phủ.
Bà Dewar và nhóm nghiên cứu không thể đếm tất cả xác chim cánh cụt trên hòn đảo lớn như vậy, đồng thời ước tính có thể có thêm vài nghìn con đã chết sau chuyến thám hiểm của họ.
Đảo Heroina có khoảng 280.000 con chim cánh cụt Adelie sinh sản mỗi năm.
Đoàn thám hiểm của bà Dewar đã phát hiện chủng cúm gia cầm H5 ở chim biển skua - loài chim săn mồi ăn trứng và chim cánh cụt con, tại bán đảo Nam Cực và 3 hòn đảo gần đó.
Theo Cơ quan khảo sát Nam Cực của Anh, mỗi năm tại vùng cực này có khoảng 20 triệu cặp chim cánh cụt sinh sản, trong đó có loài chim cánh cụt hoàng đế mà các nhà khoa học lo ngại gần như sẽ tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu khiến băng tan chảy.
Tình trạng băng tan chảy đã khiến hàng nghìn con chim cánh cụt hoàng đế con chết đuối vào năm 2022.
Bà Dewar cho rằng, chim cánh cụt hoàng đế hiện có nguy cơ phải đối mặt với mối đe dọa gia tăng từ virus cúm gia cầm và mối đe dọa này có thể hiện hữu vào mùa Xuân năm sau.