Kinh nghiệm của tôi khi gặp phải đồng nghiệp xấu tính

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ hơn 1 năm đầu sau khi ra trường, tôi đã phải chuyển rất nhiều công ty chỉ vì bị đồng nghiệp chơi xấu nhưng giờ bài học tôi rút ra là...
Kinh nghiệm của tôi khi gặp phải đồng nghiệp xấu tính
Tôi đã rút ra bài học: Phải bật lại đồng nghiệp xấu khi thích hợp, và không nên nghỉ việc chỉ vì những điều nhỏ nhặt ấy vì tránh vỏ dưa gặp vỏ dừ
Khi còn đang học phổ thông thì bạn bè trong lớp ganh tị nói xấu nhau, so sánh nhau điểm hơn điểm kém… Đến khi vào đại học cũng không hết những trò đố kị của sinh viên. Đâu phải cứ nói đến sinh viên là nói đến sự thoải mái, vô tư và đầy nhiệt huyết. Phía sau giảng đường cũng có nhiều điều bất cập lắm. Những ai từng là sinh viên xuất sắc thì càng thấm thía hơn sự ganh tị nhau đến từng 0.01 điểm phẩy. Nghĩ lại thời ấy, tôi thấy hoảng sợ.

Chỉ trong hơn 1 năm đầu sau khi ra trường, tôi đã chuyển công ty không biết bao nhiêu lần. Tôi có năng lực làm việc nhưng khả năng giao tiếp lại không tốt thành ra tôi đã không tỉnh táo và khéo léo để đối phó với đồng nghiệp xấu tính. Mỗi một công ty tôi đều bị những vố lừa… để đời. Tuy nhiên, bây giờ sau những gì gặp phải tôi đã rút ra được bài học cho mình và đã ổn định công việc.

Vừa chân ướt chân ráo ra trường, tôi xin vào biên tập ở một nhà sách khá nổi tiếng. Họ nhìn thấy hồ sơ của tôi rất đẹp (bằng giỏi, bảng điểm cao...) nên họ cũng muốn nhận tôi vào làm ngay. Thế là tôi đến làm việc. Ngày đầu tôi đến làm thì chưa được bố trí công việc gì cả, vì chị trưởng phòng đi vắng. Tôi ngồi đợi suốt cả ngày mà không thấy chị ấy đâu. Hóa ra chị ấy đang làm việc ở nhà (công ty này thường giao số lượng đầu sách nhất định để cho các nhân viên biên tập, họ có thể mang về nhà hoặc đến làm ở công ty). Tôi hỏi một bạn đồng nghiệp đã làm ở đó khá lâu, bạn ấy bảo tôi cứ ngồi đợi, khi nào chị ấy đến giao việc thì làm, không thì thôi, làm ở đây là thế. Tôi hỏi bạn ấy về địa chỉ và số điện thoại của trưởng phòng thì bạn ấy bảo không biết. Thế là tôi chán nản, ngày đầu đi làm thật sui sẻo vì chẳng làm được việc gì.

Ngày thứ hai đi làm chỗ mới thì thật đen đủi. Chị trưởng phòng đến và giao việc cho tôi, chị ấy trách tôi không nhanh nhẹn liên lạc với chị ấy, một ngày tôi đến chơi như ngày hôm qua sẽ bị trừ vào lương. Tôi buồn quá vì hôm qua mình có chủ động hỏi về công việc nhưng cũng đành im lặng chấp nhận khi bị chị trách như thế. Tôi tự an ủi mình mới ra trường, còn ngu ngơ, lần sau sẽ khôn ra hơn. Tôi được chị giao cho một cái máy vi tính để làm việc khi cần thiết. Thực ra tôi cũng không cần đến cái máy ấy lắm, vì công việc của tôi hôm nay là sửa morat (sửa bản cứng của các tác phẩm văn học đã dịch rồi). Nhưng sau khi tôi ra khỏi cái máy tính 10 phút để đi WC thì lúc quay lại máy tính đã bị nhiễm virut cứ khởi động lại máy liên tục. Hóa ra một đồng nghiệp đã cắm usb của bạn ấy vào máy tính của tôi, usb của bạn ấy có virut, bạn ấy có chủ ý hại tôi. Sếp thấy tôi loay hoay mãi với cái máy vi tính thế là mắng tôi không biết dùng máy tính, thế thì sửa file mềm làm sao? Vậy là kết thúc hai ngày làm việc buồn tẻ.

Ngày thứ ba tôi đến công ty và xin nghỉ việc ngay lập tức. Thế đấy! Tôi không thể chịu nổi sự khởi đầu đầy tệ hại như vậy.

Tôi chuyển đến công ty thứ hai để làm việc. Lần này tôi làm biên tập viên cho một website. Kĩ năng vi tính của tôi thì thật là tệ hại, nhưng sếp nhận tôi vào làm vì thành tích học tập của tôi khá cao và cũng vì tôi là dân văn, biết cách viết bài, viết tin tức để đưa lên website. Mấy ngày đầu hì hục mãi tôi viết bài nhưng không hiểu sao cứ lưu bài vào folder riêng của mình rồi thì đến ngày hôm sau lại mất hết. Tôi không có usb lại chẳng có email và cũng không biết cách lưu tài liệu vào email để tránh tình trạnh bị ai đó xóa mất. Đến giờ sếp duyệt bài để đăng lên web thì tôi đã không có bài để trình sếp. Vậy là tôi không biết làm cách nào để thanh minh với sếp cả. Tôi đành nhận lỗi đã không hoàn thành công việc, rồi lại ngồi hì hục đánh máy lại. Văn chương chứ có phải môn toán đâu mà làm đi làm lại lần nào cũng cho ra đáp án và cách giải như nhau? Tôi viết trong tâm trạng lo âu và chán nản thành ra bài viết không được thành công lắm, sếp chê lên chê xuống.

Một thời gian sau, bạn thân tư vấn cho tôi cách lập hòm thư và lưu tài liệu, tôi đã yên tâm hơn. Lại một sơ xuất nữa xảy ra! Tôi được sếp giao cho một account riêng để tự đăng nhập, tự up bài, tự duyệt bài chứ không phải chỉ viết bài rồi đưa sếp duyệt như mấy tuần đầu. Tôi ghi account và password ra quyển sổ của tôi. Thật không ngờ có người biết được. Vậy là họ đăng nhập vào làm rối loạn cả website. Tôi không tài nào thanh minh được việc đó không phải do tôi vì rõ rang trên hệ thống vẫn lưu tên đăng nhập của tôi. Tôi bị sếp mắng cho một trận. Ngày hôm sau tôi xin nghỉ việc.

Đến công ty thứ ba, tôi vẫn bị đồng nghiệp chơi xấu. Sếp giao cho tôi và một đồng nghiệp nữa cùng viết bài PR giới thiệu website của công ty để gửi đi các báo khác, nhưng vì sáng hôm đó tôi có việc riêng nên đến muộn, sếp cũng vội nên nói với bạn đồng nghiệp kia là bảo tôi cùng viết bài PR với bạn ấy, mỗi người một bản, bản nào tốt hơn thì sẽ được sếp duyệt. Thế nhưng bạn ấy đã không hề nói gì với tôi. Đến khi sếp về hỏi tôi bài PR đâu thì tôi bảo tôi không thấy sếp nói gì, bạn đồng nghiệp thì bảo đã nói với tôi rồi. Chẳng lẽ khi ấy tôi lại cãi nhau với bạn ấy ư? Toàn chuyện nhỏ nhặt thôi nhưng tôi thấy ức chế vô cùng.

Có lẽ nếu tôi kể tiếp ra đây thì có đến vài trang giấy cũng không hết những chuyện tôi bị đồng nghiệp chơi xấu. Lần nào tôi cũng tự nhủ là mình phải cố gắng hơn nhưng lần nào tôi cũng bị mắc những sai lầm ấy. Mỗi đồng nghiệp xấu có một chiêu riêng mà tôi thì quá thật thà nên không kịp trở tay. Nhưng giờ tôi đã rút ra bài học: Phải bật lại đồng nghiệp xấu khi thích hợp, và không nên nghỉ việc chỉ vì những điều nhỏ nhặt ấy vì tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Tôi phải học cách chung sống với những đồng nghiệp xấu. Thành phố lớn mà, sự cạnh tranh khốc liệt khiến người ta nhiều khi nhỏ nhen và ti tiện hơn.

aFamily

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật