Đại sứ Việt Nam đăng đàn trên báo Indonesia phản pháo luận điệu của Trung Quốc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Nguyễn Xuân Thủy - Đại sứ Việt Nam tại Indonesia đã đăng đàn trên nhật báo Bưu điện Jakarta của Indonesia, vạch trần những luận điệu sai trái của Trung Quốc.
Đại sứ Việt Nam đăng đàn trên báo Indonesia phản pháo luận điệu của Trung Quốc
Ông Nguyễn Xuân Thủy – Đại sứ Việt Nam tại Indonesia.
Trước bài viết “Những hành động nguy hiểm của Việt Nam” của ông Liu Hongyang, thường vụ viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia với những lời lẽ xuyên tạc, võ đoán về chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa, ông Nguyễn Xuân Thủy – Đại sứ Việt Nam tại Indonesia đã đăng đàn trên nhật báo Bưu điện Jakarta nước này, vạch trần những luận điệu sai trái của Trung Quốc.
Dưới đây toàn bộ bài viết của ông Nguyễn Xuân Thủy đăng trên Bưu điện Jakarta ngày 27/5:
"Trong bài viết 'Những hành động nguy hiểm của Việt Nam', ông Liu Hongyang, thường vụ viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia, đã cho rằng quần đảo Hoàng Sa là ‘lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc’.
‘Cộng đồng quốc tế đã công nhận điều này từ Thế chiến II, trong khi cố Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã công khai công nhận quần đảo này và những quần đảo khác là lãnh thổ của Trung Quốc vào ngày 14/9/1958’, ông Liu nói.
Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm đưa ra những luận điểm sau để chấn chỉnh lại thông tin cho chính xác.
Đầu tiên, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Rõ ràng các tài liệu lịch sử chính thức đều cho thấy Việt Nam đã thực thi chủ quyền một cách hòa bình và liên tục với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ít nhất từ thế kỷ 17, khi những lãnh thổ này vẫn còn được xem là đất vô chủ.
Một minh chứng rõ ràng cho thấy nỗ lực của các vị vua Việt Nam để củng cố chủ quyền đối với các lãnh thổ trên là việc vua Minh Mạng cho xây dựng một ngôi chùa vào năm 1835 và đặt một bức tượng đá kỷ niệm trên quần đảo Hoàng Sa.
Về phần mình, Trung Quốc không bày tỏ ý định khẳng định chủ với Hoàng Sa và Trường Sa. Ngược lại, rất nhiều bản đồ xác định lãnh thổ của Trung Quốc dưới triều đại nhà Thanh đều đánh dấu cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Một trong những bản đồ đó đã được Thủ tướng Angela Merkel tặng Chủ tịch Tập Cận Bình làm quà trong chuyến công du của ông sang Đức hồi tháng 3/2014.
Khi Pháp thiết lập sự bảo hộ đối với Việt Nam vào năm 1884, Pháp đã thu về quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhân danh Việt Nam.
Thêm vào đó, chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được công nhận trong Hội nghị Hòa bình San Francisco tổ chức vào tháng 9/1951, có sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia, nhằm mục đích giải quyết các vấn đề lãnh thổ thời hậu Thế chiến II.
Tại hội nghị này, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam – ông Trần Văn Hữu - người giữ chức Thủ tướng thời bấy giờ dưới chính quyền vua Bảo Đại - đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo  Hoàng Sa và Trường Sa mà không vấp phải sự phản đối nào từ 50 đoàn đại biểu tham dự còn lại.
Một điểm thú vị đáng lưu ý là cũng tại hội nghị San Francisco này, đề xuất sửa đổi đối với Hiệp ước Hòa bình San Francisco công nhận chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị bác bỏ bởi 46 trong số 51 quốc gia tham dự.
Thêm vào đó, các đoàn tham gia Hội nghị Geneva năm 1954 về khôi phục hòa bình ở Đông Dương – bao gồm cả Trung Quốc - đã xác nhận sự công nhận và tôn trọng độc lập và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Là một nước tham gia hội nghị, Pháp tuân thủ hiệp ước San Francisco và rút lực lượng ra khỏi Việt Nam năm 1956. Sau đợt rút quân của Pháp, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản hai quần đảo trên, triển khai nhiều hành động và đưa ra nhiều tuyên bố để khẳng định chủ quyền với chúng.
Có một sự thật không thể bác bỏ là vào năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa. hành vi xâ‌m lượ‌c này vi phạm quy tắc tiên quyết của luật quốc tế về việc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế theo Điều 2 (khoản 4) của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Xuất phát từ sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, việc Trung Quốc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa hiện nay không mang lại giá trị pháp lý cho nước này, bất chấp người Trung Quốc đã ở đó bao nhiêu lâu và họ đã dùng những biện pháp gì để thực thi sự quản lý của mình.
Bản thân Trung Quốc đã phê duyệt nguyên tắc này trong một bản ghi nhớ vào ngày 12/5/1988 qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chính bộ này đã tuyên bố rằng chủ quyền không bao giờ được thiết lập bằng sự xâ‌m lượ‌c. Từ góc độ pháp lý và lịch sử, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa là vô căn cứ. Vì vậy, việc ông Liu khăng khăng cho rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc là một luận điểm sai lầm.
Thứ hai, ông Liu đã cố tình trích dẫn sai công thư ngày 14/9/1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, dùng đó như sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa.
Trong công thư, cố thủ tướng không hề đề cập đến đến vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, càng không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông chỉ ghi nhận và tán thành tuyên bố của Trung Quốc về vùng lãnh hải 12 hải lý. Bên cạnh đó, việc ông không đề cập đến hai quần đảo cũng phù hợp với thực tế thời bấy giờ: Hai quần đảo vẫn nằm dưới quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1956, như đã đề cập ở trên.
Trung Quốc, một nước tham gia Hiệp định Geneva, chắc chắn biết rõ thực tế rằng phạm vi địa lý hành chính của Việt Nam được chia cắt tại vĩ tuyến 17, như đã nêu trong Hiệp định Geneve 1954 về Việt Nam.
Hơn nữa, phát ngôn của Trung Quốc cho rằng không có tranh chấp ở Hoàng Sa là trái với những gì mà các lãnh đạo nước này đã công nhận. Ví dụ, vào tháng 9/1975, ông Đặng Tiểu Bình - phó thủ tướng Trung Quốc khi đó đã nói với bí thư thứ nhất đảng Lao động Việt Nam – ông Lê Duẩn, rằng hai bên (Việt Nam và Trung Quốc) có quan điểm khác nhau về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vấn đề cần được giải quyết thông qua đàm phán. Tuyên bố này đã được ghi lại trong bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988.
Tuy nhiên, có một điểm mà ông Liu nói đúng, đó là "chúng ta không nên nghe chuyện từ một phía". Tôi coi luận điểm này như một cơ hội để mang đến cho các độc giả câu chuyện từ phía của tôi”.
Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 5509
  1. Kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền
  2. Toàn cảnh vụ tàu TQ đâm thủng 4 lỗ, làm gãy 7 đoạn lan can tàu VN
  3. Trơ trẽn tuyên bố đưa giàn khoan đến Trường Sa: “Xử” Trung Quốc thế nào?
  4. “Chủ quyền lịch sử” không phải để chứng minh chủ quyền
  5. Tướng Phùng Quang Thanh gặp BT Quốc phòng Mỹ, Anh, Pháp
  6. Luận điệu tởm lợm xuất hiện: Nhật xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa
  7. Bộ trưởng Quốc phòng VN gặp song phương đồng cấp Mỹ, Pháp
  8. Giàn khoan 981: Trung Quốc hành động ‘lạ’, thêm trò vu khống
  9. Video:Tàu Trung Quốc cản phá trái phép tàu kiểm ngư Việt Nam
  10. Chuyện chưa biết về tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003
  11. Phóng viên CNN: Tàu Trung Quốc như ‘chó căng xích’ lao vào tàu Việt Nam
  12. Nóng sáng 29/5: Sau ‘981’ Trung Quốc sẽ làm gì?
  13. Việt Nam kêu gọi hội nghị MNA ủng hộ hòa bình Biển Đông
  14. Bốn máy bay chiến đấu Trung Quốc bay sát giàn khoan Hải Dương 981
  15. Cảnh sát biển Việt Nam và 10 lời thề thiêng liêng ở Hoàng Sa
  16. Chưa có dấu hiệu giàn khoan 981 tiếp tục di chuyển
  17. Việt Nam sẽ triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
  18. Nhật Bản muốn đẩy nhanh cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam
  19. Nếu cần, sẽ có ‘Điện Biên Phủ trên biển’
  20. Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Triệu đại sứ Trung Quốc trao công hàm là cần thiết
  21. Video:Cận cảnh tàu và trực thăng Trung Quốc xâm phạm biển Việt Nam
Video và Bài nổi bật