Kiếp nạn trời định (14)

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi lại một lần nữa chợt tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa. Từ khi tôi bắt đầu nhớ được chuyện, tôi thường xuyên nằm mơ thấy giấc mơ này, nó không giống với những giấc mơ bình thường khác, không hề mơ hồ chút nào, giống y xì như lúc mở mắt ra, tôi thậm chí nghi ngờ rằng khi mình đang nằm mơ, thực ra là đang tỉnh.
Kiếp nạn trời định (14)
Ảnh minh họa

Thượng Quan Ngọ Dạ -

Cũng bởi vì giấc mơ này quá thường xuyên, hơn nữa mỗi lần đều giống y như nhau, khiến cho giấc mơ này dường như không còn đơn thuần chỉ là giấc mơ nữa.

Tôi không biết người phụ nữ bị gẫy cánh tay và người phụ nữ mặc áo trắng ở đồng hoang trong giấc mơ có phải là một người hay không, cũng không biết có phải là Đỗ Xảo Nguyệt hay không. Đã không chỉ một lần tôi hỏi bà nội tôi trên cánh tay cô ấy có hình hồ điệp hay không, bà nội rõ ràng không muốn nhắc đến Đỗ Xảo Nguyệt, luôn chuyển sang đề tài khác, hỏi quá nhiều, bà bèn nghi ngờ là tôi đã trúng tà, về sau, tôi không hỏi nữa.

Sau khi tỉnh giấc mơ, tôi thường kê đầu lên thành cửa sổ ngẩn người nhìn cái giếng ở sân sau, sau khi ông thầy bói nói số tôi mang theo kiếp nạn, bà nội bèn lấp kín cái giếng đó, mặc cho bố tôi phản đối, bên trên còn đắp lên một đống đất dày, từ xa nhìn lại, trông giống như một nấm mộ. Bà nội nói Đỗ Xảo Nguyệt lại ra được rồi, cho nên lúc rảnh rỗi tôi cứ nhìn chằm chằm vào nó, tôi thậm chí còn hy vọng Đỗ Xảo Nguyệt có thể bò ra khỏi cái giếng, tôi rất muốn nhìn xem rốt cuộc có phải cô là người phụ nữ trong giấc mơ của tôi hay không. Cô ta nói: “Đưa tôi ra ngoài…”

Đưa cô ta từ đâu ra ngoài? Rồi lại đưa cô ta đến đâu đây?

Cả quãng thời gian tuổi thơ của tôi đều trải qua trong việc nghiên cứu cái giếng đó, và cả giấc mơ đó nữa.

Cuộc sống vẫn tiếp tục. Cuộc sống gia đình tôi càng lúc càng khó khăn, chẳng bao lâu, bố tôi theo người ta ra thành phố làm việc, nghe nói học lái xe, rồi lái xe cho một công xưởng sản xuất xi măng, hai năm sau cũng đón mẹ tôi ra theo. Bố vốn dĩ cũng định đón luôn cả tôi và bà nội, nhưng bà nội nhất định không chịu rời khỏi đây, cũng không chịu để cho bố mẹ đưa tôi đi. Trong lòng bà vẫn luôn ghi nhớ lời nói của ông thầy bói đó, bố mẹ không khuyên được bà, đành phải để tôi và bà nội ở lại trong thôn nghèo nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này.

Thoắt cái đã đến lúc tôi đến tuổi đi học, bà nội mỗi ngày đều đưa tôi đến tận cổng trường, nhìn thấy tôi bước vào trường học, bà mới quay về, lúc tan học, bà lại đến trước cổng trường đợi tôi, cho đến tận khi tôi lên cấp hai.

Bởi vì trong thôn không có cấp hai, phải ra thị trấn đi học, bà nội bèn tiết kiệm chi tiêu để góp tiền mua cho tôi một chiếc xe đạp. Bà nội thực sự rất yêu thương tôi, thứ sáu hàng tuần bà đều đi bộ từ nhà đến trường tôi, sau đó ngồi sau xe đạp của tôi về nhà. Chủ nhật bà lại tự mình đưa tôi đến trường, rồi lại đi bộ về nhà, tuần nào cũng đều như vậy. Ngày nối ngày, năm nối năm, mặc cho mưa sa bão táp, bà không bao giờ để tôi đi một mình. Quãng đường từ nhà đến trường khoảng mười km, lần nào bà cũng đi bộ, tôi rất xót xa, đã nhiều lần khuyên bà, nhưng bà không nghe, cười nói: “Chỉ cần Tiểu Yên không xảy ra việc gì, cho dù bà nội có đi đến tận tỉnh thành cũng vẫn vui.”

Tôi lớn dần lên trong yên bình, còn bà nội thì ngày một già hơn, lưng còng dần, tôi rất lo lắng sau khi tôi học đại học, bà nội sẽ sao đây?

Đợt nghỉ hè năm nay, mẹ tôi quay về, tóc uốn quăn, còn nhuộm màu hạt dẻ, trang điểm giống như người dân thành thị, rất hợp thời trang. Trước khi về, mẹ đã viết thư cho tôi, trong thư nói, khi tôi nghỉ hè mẹ sẽ quay về đón tôi, hơn nữa, trong thư còn kể về tình hình cuộc sống hiện tại của bố mẹ tôi. Họ đã dọn đến thành phố S, trong thư mẹ than phiền rất nhiều, mẹ nói cũng không biết vì sao, bố mẹ tôi đã cố gắng làm việc bao năm, không những không kiếm được tiền, mà lại còn nợ tiền người khác, cuộc sống của họ rất khó khăn, bố vẫn đang lái xe cho người ta, còn mẹ thì thuê một cửa hàng nhỏ mở dịch vụ điện thoại công cộng, còn đặt mấy cái bàn để đánh mạt chược, tiện thể kiếm thêm chút tiền.

Việc mẹ về đón tôi, tôi cũng chẳng thấy có gì đáng vui, bao năm nay họ vẫn sống ở bên ngoài, khó khăn lắm đến tết mới về một lần, tôi đã quen với cuộc sống này, cũng đã quen với cuộc sống không có bố mẹ ở bên cạnh.

Thế nhưng bà nội vẫn không chịu, nói thế nào bà cũng không để cho mẹ đưa tôi đi, mẹ tôi có vẻ không vui, hồi đó tôi còn nhỏ, để lại sống cùng bà thì mẹ không phản đối, nhưng giờ tôi đã lớn rồi, sao lại vẫn không để mẹ đưa tôi đi? Mẹ nói: “Mẹ à, mẹ đừng có nghĩ đến lời của ông thầy bói đó, bao nhiêu năm đã trôi qua, Tiểu Yên chẳng phải vẫn ổn cả sao?”

“Đúng là nó vẫn tốt, đó là bởi vì nó chưa từng rời khỏi đây…”

“Nó chưa từng rời khỏi đây?” Mẹ ngắt lời bà nội, “Hồi học cấp 2 chẳng phải lên thị trấn học sao? Chẳng phải là không có chuyện gì cả sao?”

“Lần nào mẹ cũng đều đưa đón nó…”

“Mẹ…” Mẹ tôi nhíu mày, lại một lần nữa ngắt lời bà, dường như trông bộ dạng đó, bà nội tôi giống như một con trâu kiên cường, mẹ tôi rõ ràng là đang đàn gẩy tai trâu, “Tiểu Yên theo vợ chồng con, mẹ còn có gì mà không yên tâm chứ? Lẽ nào bọn con lại hại nó? Nó là con gái của con mà!”

“Mẹ không có ý này.” Sắc mặt bà nội hơi khó coi.

Không biết mẹ không chú ý thấy bà nội không vui, hay là cố tình giả vờ không nhìn thấy, mẹ nói: “Tiểu Yên đã lớn rồi, cho dù con lần này không đón nó đi, sau này nó cũng phải lấy chồng chứ? Con không muốn sau này nó lấy chồng ở đây.”

“Lấy ở đây thì có gì không tốt chứ?”

“Mẹ à! Sao mẹ lại không hiểu chứ? Con và bố nó đều làm ăn ở ngoài, nó không thể cả đời đều ở đây được, sớm muộn gì nó cũng phải ra ngoài với chúng con, hơn nữa mẹ cũng không thể ở bên cạnh nó cả đời được, ngộ nhỡ ngày nào mẹ…” Mẹ tôi nhận ra mình đã lỡ lời, vội vàng chuyển đề tài, giọng nói dịu dàng hơn, “Mẹ à, thực ra con và bố nó cũng chỉ là muốn đón nó ra chơi một thời gian thôi, đợi nó vào học, chúng con sẽ đưa nó về.”

c‌ơ th‌ể bà nội khẽ run lên, cúi đầu, trầm mặc một lúc, lạnh lùng nói: “Thế thì để nó đi theo con đi.”

“Mẹ không đi sao?”

“Mẹ không đi, mẹ chẳng đi đâu cả.” Giọng bà bình tĩnh lạ thường khiến người nghe phát run.

Lúc chuẩn bị đi, mẹ đưa cho bà nội tiền, bà không chịu nhận, bà nói: “Các con ở ngoài đó cũng không dễ dàng gì, mẹ già rồi, lấy tiền cũng chẳng làm gì cả.” Sau đó lại nắm lấy tay tôi, nghẹn ngào, “Bà nội già rồi, không thể ở bên cháu được, cháu ra đó phải cẩn thận, đừng đi lại lung tung, phải nghe lời bố mẹ, có biết không?”

Tôi chỉ biết gật đầu, không nói được lời nào cả, lời nói của bà giống như lời trăng trối, khiến lòng tôi cảm thấy xót xa.

Bà nội muốn tiễn chúng tôi đến ga tàu, mẹ không đồng ý, nói là quá xa, bà nội cũng không kiên trì, bèn đứng ở cửa, lau nước mắt tiễn chúng tôi đi.

Ngoài trường học của tôi, đây là lần đầu tiên tôi rời khỏi nơi mình sinh ra.

Chính trong khoảnh khắc tôi theo mẹ bước chân lên tàu hoả, tôi đột nhiên có một dự cảm mãnh liệt, tôi sẽ không bao giờ quay lại nữa.

Hoặc là… tôi không thể nào quay lại được nữa!

Còn tiếp...

(Trích tiểu thuyết "Kiếp nạn trời định" của nhà văn Trung Quốc Thượng Quan Ngọ Dạ, do NXB Văn học ấn hành)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật