Sau khi tăng mạnh lên vùng giá 1.235-1.255 điểm (tương ứng vùng đỉnh giá tháng 8-9/2023) VN-Index đã có tuần giao dịch biến động mạnh với 3 phiên điều chỉnh liên tiếp biến dưới mức kháng cự 1.235 điểm.
Một tỷ cổ phiếu giao dịch mỗi phiên
Phiên cuối tuần, VN-Index bất ngờ tăng điểm mạnh từ đầu phiên dưới ảnh hưởng của các cổ phiếu ngân hàng và lên mức 1.240 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán sau đó đã tăng đột biến, khiến chỉ số lao dốc trong đợt giao dịch buổi chiều với khối lượng chuyển nhượng tăng đột biến hơn 1,3 tỷ cổ phiếu. Điều này thể hiện áp lực phân phối ngắn hạn mạnh.
Tính cả tuần, VN-Index vẫn tăng điểm nhẹ và đóng cửa mức 1.212 điểm, vượt lên vùng giá tâm lý 1.200 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index kết thúc tuần ở mức 231,08 điểm, giảm 0,84% so với tuần trước.
Tổng giá trị giao dịch trong tuần trên sàn HoSE đạt trên 118.100 tỷ đồng với khối lượng giao dịch gần 1 tỷ cổ phiếu/phiên. Đặc biệt là phiên giao dịch 23/2, khối lượng chứng khoán trao tay lên trên 1,3 tỷ cổ phiếu. Đây là mức cao nhất kể từ phiên ngày 18/8/2023. Tại sàn HNX, thanh khoản cũng tăng mạnh với 8.771 tỷ đồng được giao dịch.
Ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết diễn biến trên kết hợp với phiên giao dịch giảm điểm mạnh cuối tuần, thị trường đang thể hiện rủi ro phân phối ngắn hạn ở nhiều mã/nhóm mã chứng khoán khi VN-Index ở vùng giá 1.235-1.240 điểm.
Trên thị trường, nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng mức giao dịch. Họ bán ròng rất mạnh 1.456 tỷ đồng trên HoSE và gần tỷ đồng tại HNX.
Ông Thành cho hay tuần qua thị trường chứng khoán đón nhận nhiều thông tin về tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng Một đã giảm 0,6% so với đầu năm 2023; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện nay và duy trì ít nhất trong nửa đầu năm 2024; Theo biên bản cuộc họp tháng Một được công bố hôm 21/2, Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để cắt giảm lãi suất (hiện lãi suất đang ở mức cao nhất trong vòng 23 năm là từ 5,25% đến 5,5%).
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng tác động ảnh hưởng mạnh đến thị trường với mức độ phân hóa cao, thanh khoản đột biến và thu hút dòng tiền ngắn hạn xoay vòng. Hiện, một số mã vẫn tăng giá mạnh và vượt vùng đỉnh cũ, như BID (+7,11%), VAB (+6,25%), TCB (+4,16%)..., trong khi đa số các mã đã giảm điểm, như (-4,74%), HDB (-3,43%), OCB (-3,18%), EIB (-2,65%)...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán biến động trong biên độ hẹp và chịu áp lực bán mạnh trong phiên cuối tuần, các mã TVB (-7,44%), APG (5,78%), VND (-4,96%), AGR (-4,34%)... Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến kém tích cực nhất trên thị trường khi hầu hết giảm điểm và chịu áp lực bán mạnh, như TCH (-6,20%), DIG (-6,10%), PDR (-5,72%), ITC (-5,24%)... Ngoài ra, một số các mã giao dịch đột biến tích cực là CCL (+13,26%), VRE (+13,11%), PXL (+10,71%)...
Tín hiệu rủi ro đang tăng lên
Ông Thành phân tích về ngắn hạn, thị trường chứng khoán đã tiệm cận vùng cản mạnh 1.250 điểm và ngưỡng hỗ trợ tâm lý hiện tại là vùng 1.200 điểm.
“Dù thị trường khả năng vẫn có nhịp phục hồi nhưng các nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng ở giai đoạn hiện tại bởi VN-Index đang vận động ở vùng điểm số cao trong kênh tích lũy trung hạn và đã phát tín hiệu điều chỉnh, nên rủi ro ngắn hạn đang tăng lên,” ông Thành nhấn mạnh.
Về góc nhìn trung hạn, ông Thành cho rằng VN-Index đang dần vận động để hình thành kênh tích lũy rộng 1.150 điểm-1.250 điểm. Giai đoạn vừa qua, chỉ số đã tiệm cận vùng cản trên của kênh tích lũy (1.250 điểm) và khả năng sẽ bước vào nhịp giảm.
“Diễn biến giảm điểm nếu xảy ra cũng là phù hợp với vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại (sau giai đoạn thị trường giảm sâu năm 2022) với thời gian hình thành nền mới dự báo sẽ kéo dài,” ông Thành chia sẻ.
Theo nhận định từ nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index đã có một tuần giao dịch rung lắc khá mạnh với thanh khoản gia tăng đột biến. Xuyên suốt tuần, chỉ số chung đều ghi nhận diễn biến điều chỉnh trong phiên. Đặc biệt là ở phiên cuối tuần, mức độ rung lắc của chỉ số càng mạnh hơn. Trên thị trường, dòng tiền dần lan tỏa sang các nhóm ngành chứng khoán, sản xuất, hóa chất song chưa thực sự hiệu quả. Trong khi nhóm ngân hàng ghi nhận sự phân hóa và chỉ một vài mã cổ phiếu giữ được mạch tăng tốt.
Về kỹ thuật, báo cáo phân tích của VCBS cho rằng với khung đồ thị tuần, hai chỉ báo MACD (trung bình động hội tụ phân kỳ) và RSI (Chỉ số sức mạnh tương đối) vẫn đang cho tín hiệu hướng lên và VN-Index vẫn bám sát các đường trung bình động, điều này thể hiện thị trường vẫn đang trong nhịp tăng trung-dài hạn.
Trên cơ sở đó, nhóm phân tích của VCBS cho rằng với diễn biến thị trường hiện tại, VN-Index có xác suất sẽ tiếp tục xuất hiện rung lắc tích lũy trong biên độ trên 10 điểm trước khi tăng điểm trở lại.