Kết thúc phiên 23/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 62,42 điểm (+0,16%) lên 39.131,53 điểm, S&P 500 thêm 1,77 điểm (+0,03%) đóng cửa ở mức 5.088,8 điểm, trong khi Nasdaq Composite mất 44,80 điểm (-0,28%) xuống còn 15.996,82 điểm.
Phần lớn các lĩnh vực thuộc S&P kết thúc trong vùng tích cực. Những ngành có được hoạt động tốt nhất là tiện ích cũng như vật liệu và công nghiệp. Cả ba đều bổ sung thêm từ 0,5% đến 0,7%.
Trong tuần, S&P 500 tăng 1,7%, Dow Jones tăng 1,3% và Nasdaq tăng 1,4%.
Tiếp tục tạo động lực cho Phố Wall, cổ phiếu Nvidia nhích nhẹ 0,4% và có thời điểm vượt mức định giá thị trường trên 2 nghìn tỷ USD.
Mức tăng của Nvidia vào 22/2, phiên giao dịch sau công bố báo cáo thu nhập vượt trội, đã mang về cho nhà sản xuất chip thêm 277 tỷ USD vốn hóa, mức tăng hàng ngày lớn nhất từ trước đến nay của Phố Wall.
Và mặc dù ngày giao dịch cuối tuần chỉ ghi nhận mức tăng nhỏ nhưng diễn biến của nó vẫn thu hút sự chú ý của thị trường.
“Nvidia là một trong những cổ phiếu chủ chốt đã thúc đẩy Nasdaq và S&P 500 tăng cao hơn trong tuần”, Anthony Saglimbene, giám đốc chiến lược thị trường tại Ameriprise lưu ý. Ngoài ra, ông Saglimbene lưu ý rằng các nhà đầu tư nay đã hạ bớt kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, điều này có thể là một trở ngại cho thị trường. Nhưng hiệu quả hoạt động của Nvidia và các Big Tech khác đã phần nào xoa dịu tâm lý cho họ.
Mặc dù vậy, một số tên tuổi Big Tech đã từ bỏ mức tăng vào 23/2, với Apple, Tesla và Meta Platforms đều trượt giảm từ 0,4% đến 2,8%.
Cổ phiếu của Super Micro Computer, một công ty khác được hưởng lợi từ cơn sốt AI, cũng lao dốc 11,8% sau khi nhà sản xuất linh kiện máy chủ định giá trái phiếu chuyển đổi của mình.
Nằm trong số những cổ phiếu giảm giá trong phiên, Warner Bros Discovery mất 9,9% do báo cáo khoản lỗ hàng quý lớn hơn dự kiến, vào thời điểm tập đoàn truyền thông đang phải vật lộn với hậu quả của hai cuộc đình công kép tại Hollywood trong lĩnh vực sản xuất nội dung.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán của Mỹ là 10,64 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,6 tỷ trong 20 ngày vừa qua.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm gần 3% vào 23/2 và ghi nhận mức giảm hàng tuần sau khi một nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ cho biết việc cắt giảm lãi suất có thể bị trì hoãn ít nhất hai tháng nữa.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 2,05 USD, tương đương 2,5%, xuống mức 81,62 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 2,12 USD, tương đương 2,7%, còn 76,49 USD/thùng.
Trong tuần, dầu Brent giảm khoảng 2% và dầu WTI giảm hơn 3%. Tuy nhiên, những tín hiệu lo ngại về cung và cầu đối với sản phẩm năng lượng có thể phục hồi giá trong những ngày tới.
Thống đốc Fed Christopher Waller mới đây đã đưa ra bình luận rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nên trì hoãn việc cắt giảm lãi suất ít nhất là thêm vài tháng nữa. Nếu xảy ra, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và hạn chế nhu cầu dầu.
"Toàn bộ tổ hợp ngành năng lượng đang phản ứng với tin tức mới. Thậm chí nếu lạm phát bắt đầu quay trở lại, nó sẽ làm chậm nhu cầu về các sản phẩm năng lượng. Và đó không phải là điều mà thị trường muốn nhận thấy vào lúc này, đặc biệt là khi thị trường đang cố gắng tìm ra hướng đi”, Tim Snyder, nhà kinh tế tại Matador Economics cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại đang cho rằng nhu cầu nhìn chung vẫn ở mức tốt bất chấp tác động của lãi suất cao, kể cả ở Mỹ.