Phiên giao dịch sáng 23-2, VN-Index ghi nhận mức tăng tới hơn 10 điểm, khá mạnh từ sau Tết trở lại đây lên tới gần 1.238 điểm, trong khi chỉ số của sàn Hà Nội tăng rất nhẹ. Đầu giờ chiều, VN-Index tiếp tục phi lên 1.240 điểm khi tăng tới hơn 13 điểm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng xanh điểm, trong đó nhiều mã tăng rất mạnh như BID, TCB, ACB, CTG...
Không ít cổ phiếu xác lập đỉnh cao nhất trong 5 năm qua như giá BID leo lên 52.500 đồng/cổ phiếu, ACB 28.100 đồng/cổ phiếu; HDB 22.900 đồng/cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu khác tăng 20-30% trong vài tháng đem lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Đáng chú ý, cổ phiếu dòng ngân hàng liên tục "nổi sóng" trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngành, hàng khác chỉ tích lũy đi ngang hoặc tăng nhẹ. Đà tăng liên tục của cổ phiếu ngân hàng đóng góp vào xu hướng tăng của VN-Index từ vùng 1.100 điểm lên mốc hiện tại trên 1.230 điểm. Bất chấp nhiều cảnh báo cổ phiếu ngân hàng đang tăng "nóng" và có thể đảo chiều giảm, dòng tiền vẫn chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu này. Không ít nhà đầu tư đứng ngoài - không mua cổ phiếu ngân hàng thời gian qua bày tỏ tiếc nuối vì lỡ sóng...
Trao đổi với phóng viên Báo Báo , ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, phân tích việc giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng do các nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh mua vào. Một số tổ chức tài chính khác bắt đầu có khuynh hướng giải ngân vào thị trường chứng khoán. Thông thường, các tổ chức và quỹ đầu tư nước ngoài sẽ chọn cổ phiếu ngân hàng trong danh mục vì chiến lược ưu tiên cổ phiếu an toàn, có tính thanh khoản cao do lượng tiền giải ngân của họ rất lớn.
Cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV đang ở mức cao nhất trong 5 năm qua
"Lúc này, các nhà đầu tư lớn trong nước với "dòng tiền thông minh", có độ nhạy thông tin tốt thấy cổ phiếu ngân hàng đang được quỹ ngoại săn đón cũng mua vào để theo dấu chân của "cá mập". Ngay cả nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư ngắn hạn "lướt sóng" cũng thấy lực cầu cổ phiếu ngân hàng tăng nên tận dụng cơ hội ngắn hạn để mua vào. Những yếu tố trên khiến cầu cổ phiếu ngân hàng tăng đột biến, trong khi cung hạn chế do giá tăng cao nên nhiều nhà đầu tư chưa vội bán ra" - ông Trương Hiền Phương phân tích.
Một số công ty chứng khoán gần đây cũng khuyến nghị mua vào cổ phiếu ngân hàng với tiềm năng tăng giá cao trong vòng 1 năm tới, dựa trên cơ sở tăng trưởng tín dụng năm nay tăng cao; biên lãi ròng NIM duy trì quanh mức 3-4%. Dù môi trường lãi suất huy động thấp, nhưng lãi suất cho vay cũng sẽ giảm góp phần duy trì lợi nhuận cho các ngân hàng.
Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo vùng giá cổ phiếu ngân hàng hiện tại đã ở mức cao khi định giá P/E trung bình của ngành vào khoảng 15x. Đồng thời, khi các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư lớn đã mua đủ cổ phiếu ngân hàng trong danh mục sẽ ngừng mua vào hoặc có thông tin xấu… có thể xảy ra áp lực chốt lời và gây đảo chiều giảm cổ phiếu ngân hàng.