Bộ Tư pháp: Tăng cường kết nối, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một trong những điểm sáng trong công tác cải cách hành chính của Bộ Tư pháp là đã xây dựng và vận hành có hiệu quả Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đảm bảo thống nhất với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Tư pháp: Tăng cường kết nối, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến
Ảnh minh họa

Cải cách mạnh mẽ TTHC trong lĩnh vực hộ tịch

Nhằm triển khai thi hành nhiệm vụ Luật Hộ tịch giao, ngay từ năm 2015, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, đồng thời, phù hợp với nhu cầu của các địa phương, đến nay Bộ Tư pháp đã triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung (miễn phí) tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước. Việc mở rộng triển khai phạm vi áp dụng Phần mềm bước đầu đáp ứng được yêu cầu về nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch, góp phần cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hộ tịch; tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền đăng ký hộ tịch của người dân, đặc biệt là quyền khai sinh cho trẻ em; cung cấp dữ liệu xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư, góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Cục cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ Công an (C06) thống nhất xây dựng các quy trình: Quy trình cấp định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh tại cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; Quy trình rà soát, đối chiếu dữ liệu giữa CSDLHTĐT và CSDLQGVDC, Quy trình cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh tại Cơ quan đại diện;

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 06/CP, Bộ Tư pháp đã xây dựng quy trình đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến, để thực hiện việc tích hợp trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh/Cổng dịch vụ công cấp quốc gia, kết nối, chia sẻ với hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp, CSDLQGVDC. Để tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện việc tái cấu trúc quy trình đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trực tuyến, Bộ Tư pháp ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc tái cấu trúc quy trình đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trực tuyến.

Liên thông các thủ tục hành chính: tạo thuận lợi cho người dân

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được hoàn thiện với gần 58,3 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, bao gồm: gần 36,4 dữ liệu đăng ký khai sinh; hơn 08 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; gần 6,1 triệu trường hợp đăng ký khai tử và hơn 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp tục kết nối, chia sẻ thông tin; đã hoàn thành thử nghiệm dịch vụ khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân/CCCD/Số CMND của công dân; thử nghiệm dịch vụ đồng bộ thông tin giữa 02 Cơ sở dữ liệu và dự kiến sẽ cập nhật các chức năng khai thác trên Hệ thống chính thức để kiểm thử và đưa vào khai thác trong thời gian tới.

Đối với việc số hóa sổ hộ tịch, đến nay, đã 40/63 tỉnh/thành phố triển khai thực hiện số hóa Sổ hộ tịch, 23/63 tỉnh/thành phố còn lại đều đã có Kế hoạch thực hiện việc số hóa. Theo thống kê, các địa phương đã tiến hành số hóa trên 29 triệu dữ liệu và chuyển vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc trên 22 triệu dữ liệu; hiện còn trên 62 triệu dữ liệu cần số hóa.

Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phối hợp triển khai việc kết nối, chia sẽ dữ liệu khai từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi (hoàn toàn trên môi trường điện tử) tại tất cả các địa phương trên toàn quốc. Tính đến hết ngày 12/12/2022 đã có 4.316.691 trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang các cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhìn nhận, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện mới chỉ dừng ở mức: Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cung cấp thông tin về khai sinh cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp số định danh cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Mặc dù Bộ có nhiều văn bản hướng dẫn và đôn đốc nhưng tiến độ triển khai nhiệm vụ tại một số địa phương còn chưa kịp thời; việc liên thông giữa hệ thống một cửa điện tử của địa phương với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được khai thác, sử dụng triệt để.

Do đó, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp; tiếp tục tăng cường việc kết nối, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của Bộ, kết nối thêm các dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp, trong đó ưu tiên đầu tư cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc để chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật