Ngày nay, cối đá nhường chỗ cho máy móc hiện đại nên hầu như ít người còn biết đến. Nhưng dưới chân núi Sơn Đào, vẫn còn không ít người muốn giữ lửa nghề, bằng cách này hay cách khác.
Giữ lửa nghề cha ông
Gắn bó với nghề đục đá, sau nhiều năm kiên trì, ông Giang hiện có thu nhập chừng 15 triệu đồng/tháng
Nằm sâu trong một khu đất trống tại làng Lương Đường, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên là 3 cơ sở chế tác đá với hơn chục nhân công đang miệt mài đục đẽo.
Dù ngày nắng hay mưa, mùa hè oi nồng hay trời đông rét buốt, những tiếng máy cắt đá, tiếng búa đánh tay vẫn lách cách dưới chân núi Sơn Đào.
Cơ sở làm cối đá của ông Trần Văn Tuấn, xóm 6, làng Lương Đường, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên không tấp nập người mua, kẻ bán như thời cha ông còn làm cối đá xay bột trước đây, song những người thợ vẫn miệt mài lao động.
Theo người dân xóm 6, nghề này có cách đây hàng trăm năm. Lớp người trước truyền nghề cho lớp người sau, cứ thế giữ nghề từ đời này qua đời khác cho tới ngày nay.
Những chiếc cối đá bền đẹp từ chân núi Sơn Đào tỏa đi các vùng, miền của đất nước, tạo công ăn việc làm và cả niềm tự hào cho người dân nơi đây.
Cối đá được sản xuất dưới chân núi Sơn Đào
“Một chiếc cối xay bằng đá đỏ có hai phần hình trụ tách biệt được xếp chồng lên nhau và ở giữa có một trục bằng kim loại giữ cố định, phần bên trên được thợ chế tác đục lõm xuống để chứa nguyên liệu xay bột như ngô, gạo, khoai, sắn...
Phần bên dưới là bệ đỡ và được vét lòng máng để chứa nguyên liệu sau khi được xay chảy xuống dưới. Để có 1 chiếc cối đá lớn, người thợ cần thời gian 4 - 5 ngày, còn chiếc cối nhỏ cũng mất 2 - 3 ngày”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Trần Văn Giang, một thợ đá ở làng Lương Đường, để có những chiếc cối xay đảm bảo độ bền, đẹp, ưng ý, phải lựa chọn những hòn đá có độ rắn phù hợp.
Nếu đá non, dễ chế tác hơn nhưng khi đưa vào sử dụng một thời gian, cối sẽ chóng mòn và hỏng.
Nếu đá già và cứng, quá trình sử dụng sẽ giòn và vỡ, lúc đó bột hoặc nguyên liệu làm ra sẽ lẫn cả vụn đá. Và đá đỏ ở chân núi Sơn Đào là nguyên liệu rất phù hợp với việc sản xuất cối đá.
“Phải tìm những vỉa đá có phiến lớn, đường kính khoảng 1m mới có thể làm được cối xay bột. Đá được khai thác thủ công bằng những công cụ thô sơ, không thể dùng vật liệu nổ để khai thác vì đá đỏ có kết cấu, liên kết không cao như đá xanh”, ông Giang chia sẻ.
Nhiều năm trước, do không thể tìm được đầu ra cho sản phẩm là những cối xay bột, cối giã gạo, giã cua, nhiều người trong làng bỏ nghề, tìm công việc khác có thu nhập ổn định hơn.
Bản thân ông Giang đã từng bỏ nghề vài năm đi làm thợ xây nhưng cuối cùng, vì tình yêu với nghề nên lại tiếp tục trở về gắn bó.
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn làm việc thoăn thoắt. Bình quân mỗi tháng cơ sở của ông làm vài chục bộ bệ đá và các sản phẩm khác phục vụ cho việc xây dựng nhà cột Bắc bộ truyền thống.
Hiện cơ sở làm đá của ông Giang có 6 lao động chính, thu nhập trung bình của mỗi lao động khoảng 400.000 đồng/người/ngày.
Người có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm như ông Giang, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá ở vùng quê như xã Hoà Bình.
Chuyển đổi để giữ nghề
Không chỉ làm cối đá, giờ các thợ đá dưới chân núi Sơn Đào đã linh động làm ra các sản phẩm trụ hiên bằng đá đỏ, chân cột nhà, mái vòm...
Đã có một thời gian dài, các cơ sở làm nghề cối đá truyền thống không còn tiếng đục, tiếng búa đều tay vang lên trong từng con ngõ nhỏ ở làng Lương Đường.
Các máy xay, máy nghiền đã dần thay thế những chiếc cối đá, cối xay thô sơ khi vượt trội về năng suất. Những cơ sở sản xuất dần bị chìm vào quên lãng, tiếng búa tiếng đục tắt lịm.
Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, cái thì để trong kho, cái vứt lăn lóc ngoài đầu ngõ, góc vườn hay vệ đường.
Những người muốn giữ nghề cũng dần bỏ phiến đá, cái đục quen thuộc để tìm tới những công việc khác để mưu sinh.
“Tôi cũng có lúc phải tìm thêm nghề khác, nhưng chưa bao giờ bỏ nghề đục đá, bởi nó đã ngấm vào mình từ khi sinh ra rồi. Giờ tôi lại có thể sống được với nghề”, ông Tuấn trải lòng.
Tưởng như nghề đục đá sẽ chỉ còn lại trong kí ức và ngọn lửa nghề truyền thống này sẽ tắt lạnh theo thời gian.
Nhưng gần chục năm trở lại đây, những cơ sở chế tác đá đỏ ở Hòa Bình, Thủy Đường lại dần hoạt động trở lại, chế tác những hòn kê tảng, trụ hiên bằng đá, mái vòm bằng đá đỏ phục vụ công trình xây dựng nhà cột Bắc bộ truyền thống.
Cùng với đó, nhiều người vẫn tìm mua cối đá của ngày xưa để trưng bày trong không gian riêng như muốn giữ gìn nếp sống mộc mạc, dân dã chốn làng quê. Nhờ thế, cối đá, cối xay cũng tìm được đầu ra với hướng đi mới.
Đối với những người thợ làm cối đá, nỗi trăn trở hiện nay là tìm kiếm người để truyền nghề. Ông Trần Văn Giang cho biết, nhiều năm qua vẫn chưa có người nối nghề truyền thống.
“Nghề tuy có vất vả nhưng nếu có tâm huyết thì làm không hết việc, khách hàng sẽ tự tìm đến, bởi hiện rất nhiều người có nhu cầu mua đồ đá về làm kỷ niệm.
Cùng với đó, nhiều gia đình, dòng họ thường xây từ đường, nhà ở theo lối nhà cổ truyền thống, những sản phẩm như trụ hiên bằng đá đỏ, chân cột nhà, mái vòm rồi cả tường đá đỏ rất được mọi người ưa chuộng”, ông Giang tâm sự.