Chuyện ở một đơn vị trẻ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trải qua 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (15/4/1974 - 15/4/2023), lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ), tiền thân là công an nhân dân vũ trang nội địa và cảnh sát trật tự, đến nay đã có nhiều điểm mới về tổ chức lực lượng. Trong đó, Đoàn CSCĐ Kỵ binh là một trong những đơn vị non trẻ nhất.
Chuyện ở một đơn vị trẻ
Ảnh minh họa

Trải qua 3 năm triển khai xây dựng, khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn lực cán bộ, kinh nghiệm về công tác huấn luyện, sử dụng ngựa nghiệp vụ, Đoàn CSCĐ Kỵ binh cơ bản ổn định, hoạt động có hiệu quả, ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vừa qua, Đoàn vinh dự là một trong 75 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được Bộ Công an biểu dương nhân Lễ kỷ niệm 75 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động diễn tập phương án xử lý tình huống tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn.

Những chiến công đầu tiên

Đồi Bá Vân, xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, Thái Nguyên rộn rã từ sáng sớm. Khi chúng tôi đến, các tiểu đội kỵ binh chống bạo loạn và diễu binh diễu hành, tiểu đội vận động cơ bản, tiểu đội tuần tra kiểm soát và tiểu đội thồ hàng đang vào nhịp luyện tập. Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh chia sẻ với chúng tôi rằng, để ngựa nghiệp vụ giữ được các phản xạ có điều kiện, nhớ và thành thục các động tác từ dễ đến khó thì cán bộ, chiến sĩ phải luyện tập với ngựa thường xuyên, liên tục. Nếu thời gian đầu chú trọng việc thuần hóa thì hiện tại đã triển khai huấn luyện động tác.

Ngoài các động tác diễu binh, diễu hành như đi khối, chạy khối, các kĩ thuật vận động như đi bộ, nước kiệu, nước đại, thì đàn ngựa đã thuần thục nhiều động tác khó như các kĩ, chiến thuật chiến đấu, trấn áp tội phạm trên lưng ngựa như bắn điểm xạ, đứng trên bàn đạp điểu khiển ngựa vượt qua cầu dốc,... 3 năm qua, đàn ngựa đã được rèn luyện và “đi công tác” khá nhiều.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh luyện tập kĩ thuật bắn súng trên lưng ngựa.

Năm 2022 ghi dấu ấn nhiều kì cuộc quan trọng khi đàn ngựa nghiệp vụ tham gia diễu hành và biểu diễn một số kĩ thuật điều khiển ngựa tại Hội thi điều lệnh, bắn súng, võ thuật của Bộ Công an tại Lào Cai và Thừa Thiên-Huế, tham gia Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ 2022 tại Hà Nội, tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại SEA Games 31 và tại trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022.

Đặc biệt, cuối năm 2022, đàn ngựa nghiệp vụ đã có “chuyến công tác” tham gia diễn tập phương án đảm bảo an ninh, trật tự tại TP Hồ Chí Minh và diễn tập đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp với hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk). Từ khi rời đồi Bá Vân đến khi quay trở lại là hơn một tháng trời, là chuyến đi dài nhất của đàn ngựa. Ngay từ trước đợt công tác, các phương án, tình huống có thể xảy ra trên đường hành quân đều được tính trước, các điểm dừng chân phải được khảo sát và liên hệ công phu để chuẩn bị sẵn cỏ tươi cho ngựa.

Sáng sớm hôm ấy, đàn ngựa cùng hơn 90 cán bộ, chiến sĩ xuất phát từ đồi Bá Vân. Nặng và cồng kềnh nhất vẫn là “hành lý” và “quân trang” của đàn ngựa. Từ cỏ, cám, đá liếm dưỡng chất, nước uống của ngựa đến mặt nạ, ốp ngực, ốp chân, bộ thảm lưng,... Đêm đầu tiên, đoàn dừng nghỉ tại Trung đoàn CSCĐ Bắc Trung Bộ, Nghệ An. Sáng hôm sau, mới 6 giờ, đoàn đã xuất phát để đêm đó, khi đến Quảng Nam, đoàn dừng nghỉ tại Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ để thả ngựa. Khi đến Trung đoàn CSCĐ duyên hải Nam Trung Bộ ở Bình Định cũng đã vào cuối ngày thứ 3. Sau 4 ngày 3 đêm thì đoàn tới đích. Khi trở ra Bắc, đoàn cũng di chuyển từng chặng như thế để đảm bảo an toàn. Chuyến công tác kết thúc tốt đẹp, đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, phương tiện, công cụ hỗ trợ, vũ khí.

Đội hình Tiểu đội Chống bạo loạn và diễu binh, diễu hành của Đoàn Cảnh sát Cơ động kỵ binh.

Những trang giáo án đầu tiên

Thượng tá Lê Sỹ Hà - Phó trưởng Đoàn CSCĐ kỵ binh cho chúng tôi biết, có đến 70 cán bộ, chiến sĩ phụ trách tập luyện cho ngựa theo mô hình một kèm một. Và, cũng cần đến một đội ngũ cán bộ thú y tương đương như thế để chăm sóc cho các “chiến sĩ” 4 chân. Các cán bộ, chiến sĩ từ khắp nơi trong cả nước được biên chế về đoàn, đều tâm huyết với đàn ngựa. Cán bộ xuống ngủ cạnh chuồng ngựa để chăm ngựa ốm, canh ngựa đẻ đã trở thành chuyện thường ngày.

Sau hơn 2 năm trở lại đồi Bá Vân, chúng tôi gặp lại Thượng úy Nguyễn Anh Vũ - Phó Đội trưởng phụ trách Đội Chăn nuôi thú y. Vũ là một trong những cán bộ thú ý đầu tiên của đoàn, là bà đỡ mát tay cho những chú ngựa con. 2 năm trước, có 3 chú ngựa con chào đời, trong đó có chú ngựa cái non nớt thiếu sữa mẹ. Thượng úy Vũ lo lắng phải cho ngựa con đi bú nhờ ngựa mẹ khác. Vậy mà giờ đây nàng ngựa đã trở thành một bà mẹ sinh ra ngựa con, góp phần tăng dân số đàn ngựa. Còn 2 chú ngựa đực nay cao to vạm vỡ, lông bóng mượt, đã được biên chế trong đội hình huấn luyện.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 1 biểu diễn khí công trong tiết trời giá lạnh.

Gần 30 con ngựa con lần lượt ra đời khiến dân số đàn ngựa đông đúc hơn, khoảng đồi Bá Vân dường như chật chội hơn. Lúc trước, Thượng úy Vũ lên công tác tại Đoàn CSCĐ Kỵ binh, chịu cảnh xa vợ xa con. Giờ, vì tâm huyết và gắn bó với công việc, anh đã đưa cả gia đình nhỏ lên gần anh, cùng gắn bó với mảnh đất này.

Có một điều thú vị là thời gian ngựa mẹ đẻ con thường rơi vào dịp tết. Thế nên đã thành quen, tết nào Thượng úy Vũ cũng ở lại đoàn để đỡ đẻ cho ngựa. Anh hồ hởi kể với chúng tôi về chú ngựa lai đầu tiên ở đoàn. Đó là chú ngựa con có mẹ là ngựa Mông Cổ, còn bố thuộc giống ngựa đua. Nhớ ngày ngựa mẹ có thai, từ lãnh đạo chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ đều mừng, hồi hộp theo dõi ngày chào đón ngựa con. “Những ngày ngựa mẹ sắp sinh, các cán bộ thú ý trực chiến ngoài chuồng ngựa suốt đêm ngày. Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là ngựa mẹ có thể sẽ “vượt cạn” khó khăn vì thai rất to. Khoảng 1 giờ sáng ngày 30/5/2022, ngựa mẹ chuyển dạ, ca đỡ thành công. Ngựa con vừa ra khỏi bụng mẹ, chúng tôi đã ồ lên mừng rỡ khi thấy chân “bé ngựa” dài miên man”, Thượng úy Vũ dí dỏm kể lại.

Giờ thì chú ngựa lai ấy đã được 10 tháng tuổi, cao vổng lên giống bố. Cả đoàn đều hy vọng chú ngựa sẽ có tầm vóc cao to của ngựa đua và sức bền của ngựa Mông Cổ để tạo ra thế hệ ngựa mới với nhiều ưu việt của giống loài. Ở Đoàn CSCĐ Kỵ binh, những trang giáo án đầu tiên về huấn luyện, chăn nuôi ngựa đang được viết nên.

Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng - Đoàn trưởng Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh trong khu nuôi ngựa sinh sản.

Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Đội trưởng phụ trách Đội Huấn luyện cho biết đội của anh đang hoàn thiện giáo án huấn luyện một cách chi tiết, đúng phương pháp để tiết chế tối đa bản năng hoang dã, tính bầy đàn của loài vật này. Loài ngựa to khỏe vậy, nhưng có lúc lại rất “mong manh” trước những yếu tố mới. Thậm chí, ngay cả khi nhìn thấy bóng mình giữa trời nắng, ngựa cũng... giật mình. Do đó, để ngựa quen với môi trường chiến đấu thì phải huấn luyện trong điều kiện quả nổ và tiếng súng, cho tiếp xúc từ xa đến gần, thực hiện động tác từ dễ đến khó. Có giáo án rồi nhưng với tính nết của từng cá thể ngựa thì cán bộ huấn luyện phải vận dụng linh hoạt, mềm dẻo phương pháp huấn luyện. Chẳng hạn với Lắc - một trong những chú ngựa đầu tiên sinh ở đoàn, nay đã gần 3 tuổi, đang biên chế vào Tiểu đội 4, Đội Huấn luyện. Khi mới sinh, Lắc nặng chừng 20 kg. Bây giờ chú ta đã là một chàng thanh niên dũng mãnh nặng 350 kg, lông đen bóng mượt. Tuy cao to là thế nhưng tính Lắc còn trẻ con, hay phá, thích tắm mát. Vì vậy, phải “thiết quân luật” nhưng cũng phải động viên, khen thưởng kịp thời.

Thượng úy Nguyễn Anh Vũ được giao nhiệm vụ chắp bút xây dựng quy trình quản lý, nuôi dưỡng, phòng và điều trị bệnh cho ngựa nghiệp vụ. Thiến ngựa, chọc điểm huyệt,... là những thủ thuật rất riêng trong chăm sóc và điều trị ngựa mà anh lĩnh hội được từ các chuyên gia Mông Cổ. Bây giờ, các cán bộ thú y của đoàn đã có kinh nghiệm xử lý nhiều tình huống.

Chẳng hạn, khi ngựa có biểu hiện bồn chồn, cào đất, ngoái đầu, bỏ ăn thì có thể ngựa bị đau bụng do đầy hơi, chướng bụng. Nhưng, nguy hiểm hơn, khi ngựa bị đau bụng sẽ lăn qua lăn lại, dễ bị lồng, xoắn ruột dẫn đến t‌ử von‌g. Một phương pháp hiệu quả là cố định ngựa lại, giúp ngựa đẩy nhanh thức ăn ra ngoài, truyền dịch cho ngựa để cung cấp dinh dưỡng. Quá trình chăm sóc và huấn luyện ngựa cũng là quá trình không ngừng tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ chính là những cuốn giáo án sinh động và phong phú.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật