Qua đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương, đặc biệt là vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sở Y tế cũng đề nghị người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua, thay vào đó nên tiêu hủy cá ủ chua nếu còn tại gia đình. Bà con cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép ủ chua. Đặc biệt, người dân cần tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến các vụ ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trường hợp có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên. Đồng thời phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và các đơn vị chức năng xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc để công khai kết quả kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, thuốc men, phối hợp hội chẩn từ xa, tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến để điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối thiểu trường hợp diễn biến nặng, tử vong xảy ra.
Các đơn vị y tế trên toàn tỉnh nhanh chóng báo cáo về Sở Y tế khi các bệnh nhân đến khám, điều trị do nghi ngờ liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm để cơ quan chức năng tổ chức điều tra. Thực hiện lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm (nếu có) gửi viện Pasteur Nha Trang hoặc các viện chuyên ngành để xác định nguyên nhân, chỉ đạo xử lý và điều trị kịp thời.
Trước đó, như Báo SGGP đưa tin, thời gian qua, bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam tiếp nhận 3 chùm ca bệnh gồm 10 người, trong đó 1 người đã tử vong. Qua điều tra, những bệnh nhân trên có đặc điểm chung là ăn món cá chép ủ chua. Đến sáng ngày 18-3, bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam kết nối hội chẩn online cùng các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy.
Trước tình huống cấp bách này, lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức gồm TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa bệnh nhiệt đới và BSCKII Trần Thanh Linh, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu, cùng một dược sĩ trực tiếp mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum còn lại (thuốc rất quý và hiếm, trị giá khoảng 6.000 USD/lọ) ra bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Phía Bắc Quảng Nam hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ngay chiều cùng ngày.