Chàng trai đất Cảng giúp nông dân hết cảnh “được mùa mất giá” nhờ “sổ gạo”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thấu hiểu nỗi cơ cực của người nông dân, nhiều năm qua có một chàng trai đất Cảng (Hải Phòng) đã miệt mài, sớm khuya nghiên cứu, tìm tòi ra giải pháp đưa những giống gạo chất lượng tới khách hàng, giúp nông dân thoát cảnh “được mùa mất giá“.
Chàng trai đất Cảng giúp nông dân hết cảnh “được mùa mất giá” nhờ “sổ gạo”
Anh Cường (mặc áo cam) cùng khuyến nông địa phương hướng dẫn người dân canh tác lúa. Ảnh: N.T

"Gạo ngỗng" và khát vọng giúp đỡ nông dân  

Người mà chúng tôi đang muốn nhắc tới là anh anh Bùi Ngọc Cường – sinh năm 1990 đến từ huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

Xuất phát từ gia đình với truyền thống làm nông nghiệp, anh Bùi Ngọc Cường đã lựa chọn ngành học Chăn nuôi Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam để theo học. Sau khi tốt nghiệp ngành học này, anh Bùi Ngọc Cường quyết định đi học tự túc tại Hà Lan thêm 3 năm ngành Phát triển bền vững. Ngành học này đã giúp cho Cường thay đổi rất nhiều.

"Sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mình tự túc học thêm ngành Phát triển bền vững tại Hà Lan. Nhà mình có nền tảng làm nông nghiệp với quy mô lớn nên mình muốn có một cái nhìn tổng quan để so sánh nông nghiệp Việt Nam khi tiếp cận xu hướng thế giới. Mình theo học ngành học Phát triển bền vững tại Hà Lan với mong muốn giúp người nông dân trên đất nước mình sẽ làm nông nghiệp một cách bền vững. Đặc biệt, quê hương Hải Phòng của mình có vùng sinh thái lúa Rươi. Nhờ đó, mình muốn đem những gì mình học tập để giúp đỡ cho những người nông dân quê mình", Anh Cường chia sẻ. 

Cường chia sẻ, người đầu tiên anh biết đến trồng lúa trên những cánh đồng ruộng Rươi đó chính là người bố của anh. Gạo được sản xuất từ ruộng Rươi là vô cùng an toàn, bởi Rươi cho giá trị kinh tế cao, người nông dân không bị áp lực bởi mùa vụ. 1 năm họ chỉ trồng một vụ.

Thế nhưng, khi bố anh đem chào bán vài trăm tấn gạo thì không ai mua. Gạo phải để cho ngỗng, cho vịt ăn. Cũng từ sự trăn trở ấy mà thương hiệu gạo Ngỗng của anh Cường ra đời như một lời nhắc nhở về kỉ niệm khó quên đó.

5 năm trời anh bắt đầu đi tìm giải pháp giúp những nông dân như bố của anh có được đầu ra ổn định khi canh tác an toàn. Cuối cùng Cường cũng thành công trong việc tìm giải pháp kết nối Nông dân – Khách hàng, giúp người nông dân yên tâm sản xuất mà vẫn có được đầu ra ổn định.

Sau 3 năm học tại Hà Lan, năm 2017, anh Bùi Ngọc Cường quyết định trở về Việt Nam, dành một năm xuyên Việt để tìm hiểu về người nông dân, cách thức làm nông nghiệp trong nước. Anh Cường đã trở thành nhân viên thanh tra của một tổ chức chứng nhận nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.

Những hoạt động thực tiễn đó đã giúp anh hiểu rằng niềm tin giữa khách hàng và người tiêu dùng đang bị đứt quãng. Khách hàng chỉ có thể tin tưởng sản phẩm của nông dân thông qua một tờ giấy chứng nhận. Trong khi đó, một tờ giấy chứng nhận lại không thể đánh giá hết được quy trình canh tác của nông dân.

Anh Cường chia sẻ: "Mình đã từng làm thanh tra cấp chứng nhận của một vài tổ chức nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Thời gian đó đã giúp mình hiểu rằng nếu người nông dân không có năng lực sản xuất thì việc thanh tra một năm đến một lần không giải quyết được vấn đề và bản thân những người làm thanh tra như mình không thể canh đầu bờ 24/7 được. Bản thân người nông dân phải hiểu rằng khi họ minh bạch câu chuyện sản xuất thì họ mới có khách hàng tin tưởng, đồng hành. Để tạo được niềm tin với khách hàng thì trước hết người nông dân phải minh bạch câu chuyện sản xuất, vùng nguyên liệu sản xuất, mô hình sản xuất, khách hàng đến trực tiếp bất cứ lúc nào giám sát, chứ không phải lấy cái tem hay cái chứng nhận nào ra".

Không chỉ đau đáu về niềm tin giữa nông dân – khách hàng. Câu chuyện đầu ra cho sản phẩm, vòng luẩn quẩn nông sản "được mùa, mất giá" cũng khiến anh Cường suy nghĩ rất nhiều: "Nếu đi theo cách bán hàng cũ, tức là mình là thương lái, là doanh nghiệp mình mua của nông dân vẫn qua hệ thống và chưa đến tay khách hàng thì gạo đấy không biết có bán được không? Nếu không bán được gạo mình sẽ không thể bao tiêu cho nông dân. Câu chuyện thương lái, nông dân sẽ xích mích về đầu ra như vậy. Dù thương lái rất muốn bán cho nông dân nhưng nếu không có đầu ra thì không làm gì được.  Nếu khách hàng không biết được chất lượng sản phẩm thì người ta không yên tâm về việc họ mua. Làm sao kết nối được nông dân với khách hàng? Những câu hỏi đó đã thôi thúc mình phải tìm kiếm một giải pháp".

Kết nối nông dân – khách hàng thông qua cuốn "Hợp đồng sổ gạo"

Sau một năm lăn lộn trên cánh đồng với những người nông dân trên khắp cả nước, năm 2018, anh Bùi Ngọc Cường quyết định trở về quê hương để thực hiện dự án "Cánh đồng sẻ chia". Ý tưởng "Hợp đồng Sổ gạo" đã nảy sinh từ chính những trải nghiệm thực tiễn của anh trong suốt một năm làm công việc thanh tra. Anh Cường cho biết ngay khi trở về quê hương anh triển khai dự án ngay trên cánh đồng Rươi ở quê hương.

Lấy ý tưởng từ cuốn Sổ gạo thời bao cấp, Hợp đồng sổ gạo được anh Cường thiết kế bằng bức tranh cổ động về những người lao động với dòng chữ "Mua gạo trả trước. Ích nước lợi nhà".

"Hải Phòng mình có vùng Rươi lớn, nông dân thu hoạch chính là rươi và họ có thể cấy thêm lúa để tăng thu nhập từ đó tạo cho vùng sinh thái tốt hơn. Gạo là sản phẩm phụ thôi nhưng rất sạch. Với nguồn lực nhỏ mình đã huy động nguồn lực cộng đồng của chính người nông dân và khách hàng. Sổ gạo ra đời, là giải pháp kết nối khách hàng và nông dân. Khách hàng biết được sản phẩm đó như thế nào nhờ việc người nông dân minh bạch sản xuất. Nông dân biết nhu cầu khách hàng qua việc khách hàng đặt sổ gạo. Ví dụ năm nay mình có 100 sổ tương ứng 100 khách hàng, nhu cầu của khách hàng là khoảng 7 – 8 tạ thóc thì  mình sẽ biết làm việc với bao nhiêu nông dân để họ yên tâm đầu ra", anh Cường nói.

Nhờ có ý tưởng độc đáo này mà khách hàng yên tâm, họ trở thành khách hàng đồng thời cũng là người giám sát luôn quy trình sản xuất. Khách hàng tin tưởng, nông dân cũng yên tâm sản xuất.

Hợp đồng Sổ gạo là vật tượng trưng cho sự cam kết giữa người nông dân với khách hàng. Trong cuốn Hợp đồng sổ gạo đó, người nông dân cam kết chất lượng sản phẩm, khách hàng cam kết bao tiêu đầu ra, khuyến nông địa phương hướng dẫn kỹ thuật canh tác, giám sát hợp đồng giữa người nông dân và khách hàng.

 Thay vì phải trả tiền cho các hoạt động quảng cáo, marketing cho sản phẩm thì anh Cường sử dụng số tiền này kết hợp với ngành khuyến nông tại địa phương để tập huấn, đào tạo cho người nông dân.

 Ông Nguyễn Văn Tuân, Trạm trưởng trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng cho biết: "Năm  2019 chúng tôi làm việc với lúa Ngỗng, liên kết giữa công ty với nông dân rất an toàn, chặt chẽ. Năm 2023 này, chúng tôi cũng thực hiện điểm trình diễn, đào tạo, tập huấn cho bà con canh tác lúa giảm thiểu rủi ro. Tại huyện Vĩnh Bảo, chúng tôi đang liên kết với lúa Ngỗng để sản xuất 20ha lúa Rươi. Khi canh tác lúa cũng giúp cho đất tơi xốp, nông dân có thêm thu nhập, đồng thời vào mùa Rươi, Rươi cũng về nhiều hơn".

Anh Cường kiểm tra chất lượng giống lúa từ ruộng của bà con. Ảnh: NT

Ông Hoàng Xuân Ngừng một nông dân ở xã Tân Liên (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cũng đang liên kết với lúa Ngỗng. Trước đây, gia đình ông cấy lúa nếp nên thường xuyên bị đạo ôn. Khi anh Cường cung cấp giống lúa ST25 trồng trên cánh đồng Rươi, ông Ngừng được tập huấn kỹ thuật nhờ đó việc canh tác lúa thuận lợi, đất tơi xốp.

Ông Ngừng cho biết: "Cây lúa có điểm mạnh, khi cấy đây là vùng nước lợ nó khử độ mặn, không có cây lúa che phủ thì đất nó kém. Mình cấy lúa làm tăng độ xốp đất để con Rươi về nhiều hơn, tốt hơn có thêm thu nhập. Trồng lúa ST25 này thì anh Cường thu mua giá cao 10.000 đồng/kg lúa tươi, mà sướng cái có người thu mua luôn tại ruộng không phải phơi phóng gì, giảm thiểu rủi ro, đỡ tốn chi phí nhân công vào mỗi vụ mùa. Chúng tôi có vụ Rươi là chính nên trồng lúa không có bón bất cứ loại phân bón hóa học  nào mà chỉ phân gà ủ mục".

Không chỉ chia sẻ rủi ro cho người nông dân, anh Cường cũng mong muốn khách hàng được sử dụng gạo sạch với giá tiết kiệm. Cuốn "Hợp đồng sổ gạo" của anh Cường được chia làm 3 mức 60kg, 100kg, 200kg tương đương giá trị từ 2 – 7 triệu đồng một hợp đồng sổ gạo để khách hàng lựa chọn. "Khách hàng mua sản phẩm của Ngỗng tiết kiệm 35% so với việc mua gạo ruộng rươi trên thị trường, đồng thời yên tâm chất lượng so với cách mua truyền thống. Mình hỗ trợ nông dân các hoạt động đào tạo, kết hợp chuyên gia, khuyến nông để giúp nông dân giảm thiểu rủi ro thì khách hàng cũng đồng hành".

Nhờ có những lối đi bài bản, chuyên nghiệp ấy mà đến nay gần 1000 cuốn Hợp đồng Sổ gạo đã được khách hàng tin tưởng, đồng hành cùng người nông dân.

Khi khách hàng có trong tay "Hợp đồng sổ gạo" họ có thể tự giám sát vùng nguyên liệu. Để tạo niềm tin giữa khách hàng, nông dân, anh Cường đã tổ chức "Chuyến đi của Ngỗng" để khách hàng có thể đến trực tiếp vùng nguyên liệu, tìm hiểu về phương thức canh tác của người nông dân, góp ý để người nông dân làm tốt hơn nữa công việc của mình.

Anh Cường chia sẻ: "Khách hàng nông dân giám sát chéo nhau, họ mua vì uy tín chứ không phải thương hiệu do mình tạo ra. Nếu nông dân không hiểu câu chuyện đấy thì họ bón phân, họ trộn gạo ngoài vào để vì lợi nhuận thì ở đây không. Họ phải hiểu rằng họ minh bạch sản xuất thì họ mới có khách hàng tin tưởng, đồng hành. Vừa là yếu tố người nông dân, vừa là vùng nguyên liệu sản xuất, vừa là mô hình sản xuất, khách hàng đến trực tiếp bất cứ lúc nào giám sát, chứ không phải lấy cái tem hay cái chứng nhận nào ra".

Để tránh rủi ro về mùa vụ, anh Cường tổ chức nông dân gieo cấy 3 vụ, tháng 2 vùng lúa tôm Sóc Trăng, Bạc Liêu, tháng 6 vụ chiêm vùng rươi lúa Hải Phòng, tháng 10 vụ mùa vùng rươi lúa Hải Phòng. Tất cả đều chỉ sản xuất lúa 1 vụ trong năm và nuôi trồng kết hợp để đảm bảo đa dạng sinh học. Gạo sẽ được xát mới, đóng gói và đưa đến tay khách hàng trong vòng từ 1 – 5 ngày để luôn đảm bảo chất lượng. Nhờ minh bạch trong câu chuyện sản xuất đã giúp củng cố niềm tin giữa người nông dân – khách hàng thông qua giải pháp sổ gạo. Đó là những giá trị không thể đo đếm được từ dự án "cánh đồng sẻ chia" đầy tính nhân văn mà anh Cường tạo dựng.

Chặng đường 5 năm qua được anh Cường ví như một con đường tìm đến  hạnh phúc. Bởi ở đó là sự từng trải, sẻ chia và kết nối. Trên hành trình đó, anh Cường vẫn đang ấp ủ về cộng đồng "Nông nghiệp bền vững", bảo vệ đa dạng hệ sinh thái, tạo ra giá trị cho cộng đồng.

Anh Cường trải lòng: "Cái mình nhận được không phải bán được bao nhiêu sổ gạo mà hành trình hơn 5 năm qua mình được trải nghiệm đó mới là hạnh phúc. Mình đặt thương hiệu là Ngỗng rất tình cờ bởi trong chữ ngỗng có chữ ngon – ngon của nông sản sạch, có chữ nông của người nông dân, của nông sản, có chữ ngông là vì team của mình có rất nhiều bạn trẻ muốn cống hiến để phát triển nông nghiệp bền vững, và có dấu ngã để chúng ta trưởng thành hơn. Đàn ngỗng luôn bay về cùng một hướng bởi vậy chúng mình luôn đi cùng nhau, cùng đồng hành với người nông dân, khách hàng để tạo ra giá trị nông nghiệp một cách bền vững".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật