Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Trung tá Từ Công Tào, bác sĩ, Đội phó Đội điều trị 486 Hải Quân. Đây là đơn vị được giao nhiệm vụ điều trị cho các thương binh của trận chiến ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Dù 35 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày cùng tham gia cứu chữa đồng đội đã anh dũng bảo vệ chủ quyền tổ quốc vẫn còn in rõ trong tâm trí của người cựu quân y này.
Chuẩn bị tất cả để chữa trị cho đồng đội
Nhớ lại những ngày tháng lịch sử, ông Tào kể: Năm 1988, ông đang là Đại úy, bác sĩ Đội phó Đội điều trị 486 Hải quân (đóng quân trong Vùng 4 Hải quân). Đội điều trị 486 được giao nhiệm vụ sẵn sàng triển khai cơ sở vật chất, con người để tiếp nhận, điều trị thương binh ở Gạc Ma đưa về.
Để sẵn sàng tiếp nhận điều trị cho các chiến sĩ bị thương, Đội điều trị 486 đã chuyển cơ sở về khu nhà ba tầng ở khu vực Vùng 4 Hải quân. Một tổ quân y từ TP.HCM cũng được điều ra hỗ trợ. Nơi đây dự kiến có thể tiếp nhận khoảng 500 thương, bệnh binh.
“Tinh thần chúng tôi lúc đó là chuẩn bị tất cả để chữa trị cho các đồng đội từ ngoài đảo chuyển vào”- ông Tào nói và cho hay toàn bộ các thương, bệnh binh được chuyển về đều giữ lại Đội điều trị 486 để chữa trị, an dưỡng.
Sáng 14-3-1988, khi quân Trung Quốc nổ súng tấn công một số đá thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có Gạc Ma. Bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu giữ đảo nhưng chênh lệnh về sức mạnh vũ khí và lực lương nên nhiều chiến sĩ của ta thương vong.
Đến khi quân địch rút, các chiến sĩ thương vong mới được chuyển sang đảo Sinh Tồn bằng những chiếc xuồng nhỏ để sơ cứu.
Đoàn cựu cán bộ Thanh niên Việt Nam dâng hương tại khu tưởng niệm Gạc Ma. Ảnh: B.T
Vị trung tá cho hay phải bảy ngày sau, 14 chiến sĩ bị thương từ Trường Sa mới được đưa về đến đất liền, chuyển vào Đội điều trị 486 chữa trị. Trong số này, sáu chiến sĩ bị thương rất nặng.
Là người trực tiếp điều trị cho các thương binh, bác sĩ Tào nói dù được sơ cứu, cắt lọc nhưng do điều kiện thuốc men thiếu thốn nên các vết thương đều sưng tấy, nhiễm trùng. “Các chiến sĩ bị thương do vết bỏng của đạn pháo gây ra, trong đó Anh hùng Nguyễn Văn Lanh có vết thương nặng do bị lưỡi lê đâm trúng...”- bác sĩ Tào kể.
Người lính Trường Sa luôn sát cánh cùng nhau
Những người lính đảo đã lập ra Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa để tưởng nhớ những ngày sát cánh chiến đấu cùng nhau bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Bên cạnh đó, cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên khi gặp hoạn nạn, khó khăn.
Ban liên lạc ở TP Cam Ranh cũng vừa quyên góp tặng xe máy ba bánh cho một thành viên gặp khó khăn. Ngoài ra, mỗi năm Ban liên lạc đều đến dâng hoa và thắp hương tưởng nhớ các đồng đội đã chiến đấu, hi sinh trong trận Gạc Ma. Viếng thăm, chia sẻ, động viên gia đình hai liệt sĩ, đồng đội ở TP Cam Ranh…
Bác sĩ, Trung tá TỪ CÔNG TÀO
Ông Tào đã cùng các y, bác sĩ Đội điều trị 486 tích cực điều trị cho các đồng đội trong điều kiện thuốc men, y cụ thiếu thốn. Những vết thương được phẫu thuật lại để loại bỏ phần nhiễm trùng. Những vết bỏng cũng được chữa trị cẩn thận. Các thương bệnh binh được chăm sóc đến khi ổn định mới chuyển vào bệnh viện Quân y 87 tiếp tục chữa trị.
Người lính quân y cả đời gắn bó với Trường Sa
Cuộc chiến Gạc Ma đã xảy ra 35 năm, những người lính, nhân chứng sống của cuộc chiến ấy có người còn, người mất.
Ở tuổi 73, ông Tào đã về hưu. Trong căn nhà nhỏ ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa của vị Trung tá quân y này trang trọng treo một bản đồ Việt Nam cùng đầy đủ hải đồ. Bộ quân phục, những huy huân chương vẫn gắn trên ngực.
Tấm bản đồ đầy đủ hải đồ Việt Nam trong nhà cựu quân y. Ảnh: H.H
Trước khi về hưu, ông đã chi phần hỗ trợ của những năm công tác để in tập thơ “Sóng Trường Sa” viết về những ngày công tác tại Trường Sa. 300 tập thơ sau đó đã được chuyển cho các đảo như một lời tâm sự mà ông gửi lại cho Trường Sa thân yêu.
“Chúng tôi cùng nhau đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái. Giáo dục con cháu tinh thần Gạc Ma sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - ông Tào khẳng định.