Đối mặt nhiều khó khăn, song hàng tháng họ chỉ nhận được khoản phụ cấp ít ỏi.
Vượt khó bám trụ, “mình không làm thì ai làm”
Cô đỡ thôn, bản chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em vùng dân tộc thiểu số
Với cô đỡ Lò Thị Đường (trú tại bản Nậm Đích, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), chính câu chuyện của đời mình là lý do để cô gắn bó với công việc cô đỡ thôn, bản gian nan, vất vả suốt gần chục năm qua.
“Mẹ tôi đẻ tôi ra dọc đường nên đặt tên tôi là Đường. Khi mang thai tôi, bà còn bị u nang buồng trứng. Tôi được 3 ngày tuổi, bà cho tôi vào cái sọt gùi lên cơ sở y tế để mổ u nang. Tôi thấy sự thiệt thòi ấy rất nguy hiểm nên cố gắng hết sức mình chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai”, cô đỡ tên Đường chia sẻ.
Công việc cô đỡ ở vùng heo hút, người dân tộc thiểu số chủ yếu làm ruộng, nương, không điện, tập tục lạc hậu vô cùng khó khăn.
“Có phải lúc nào họ cũng ở nhà đâu, bà bầu vượt mặt vẫn lên nương, vào rừng, chúng tôi phải đi theo họ lên nương để vận động họ về nhà, đến cơ sở y tế khi gần đến ngày dự sinh”, chị Đường nói.
Chị kể: “Khi phát hiện trường hợp có nguy cơ cao, thuyết phục họ đến cơ sở y tế rất khó khăn. Tôi nhớ mãi 1 ca cận ngày sinh, thai ngôi ngang, dặn dò cẩn thận vợ chồng sản phụ phải đưa nhau về huyện sinh con không sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Thế rồi họ chậm trễ, sản phụ chuyển dạ tại nhà lúc 4-5h sáng. Nhận được điện, không có chỗ gửi con, tôi vác con trên vai, vừa hướng dẫn gia đình khiêng sản phụ ra đường vừa gọi tuyến huyện lấy xe cấp cứu, rồi ào ào lao tới nhà sản phụ. May mắn vẫn kịp cứu cả mẹ lẫn con”.
Không ít lần, vợ chồng đang ngủ thì chị Đường nhận điện thoại, nhờ hỗ trợ sản phụ đẻ. Trời mưa, đường trơn, không tự đi được, chị phải nhờ chồng chở đi. Mỗi lần chồng ca thán, chị Đường lại thuyết phục chồng: “Mẹ đẻ em ra đã khó khăn như thế, nên mình phải giúp người”.
Với khoản hỗ trợ nhỏ nhoi 447 nghìn đồng/tháng, chị Đường thật thà chia sẻ: “Không đủ để phục vụ cho chính công việc cô đỡ, bởi phải dành 200 nghìn đồng nạp điện thoại để tư vấn, chỉ dẫn khi cần thiết, còn 247 nghìn mua xăng đi thăm khám sản phụ sắp đẻ. Khó khăn thế nhưng ngoài làm cô đỡ, chị còn kiêm thêm công tác y tá vì bà con dân bản cần.
“Không nhớ nổi đỡ đẻ cho bao nhiêu ca nhưng họ cần lúc nào tôi cũng sẵn sàng. Kể cả 1-2h đêm, họ gọi là mình chạy đến”, chị Đường cho hay.
Tương tự, cô đỡ Vàng Thị Thiêm (dân tộc Nùng, thôn Nàn Lũng, Nàn Ma, Xín Mần, Hà Giang) cũng gắn mình với công việc này suốt 12 năm qua và đảm trách quản lý 3 thôn xa lắc của huyện Xín Mần.
“Tiếp cận sản phụ để thăm khám, tư vấn cho họ phải hiểu ngôn ngữ, tập tục, phải vượt chặng đường xa xuống huyện, lên xã rồi mới vào thôn, mất cả ngày đường…”, chị Thiêm nói.
Vất vả là vậy nhưng đôi mắt chị lấp lánh khi nhắc đến ca khó mà chị đã “may mắn vượt qua” là cứu được đứa trẻ bị đẻ rơi giữa đường, tím tái, không khóc được. Khi ấy, người nhà sản phụ từng nói “đứa trẻ chết rồi, đừng làm gì nữa”. Đến giờ thằng bé cũng gần 10 tuổi, mỗi lần gặp, mẹ bé lại nhắc “nếu không nhờ cô, thằng bé chết rồi”.
50% cô đỡ “bỏ ngang” vì khó khăn
Tuy nhiên, không phải ai cũng vượt qua khó khăn, kiên trì ngày đêm bám thôn, bản chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em cho bà con dân tộc thiểu số vùng cao như chị Đường, chị Thiêm.
Theo GS. TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ XX, đội ngũ cô đỡ thôn, bản đóng góp không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong việc giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Để trở thành cô đỡ thôn, bản, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Đến nay, toàn quốc đã có 3.077 cô đỡ thôn, bản được đào tạo.
“Mặc dù đã có nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản, song việc thực thi chính sách còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho cô đỡ hoạt động”, ông Thuấn nói.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 31/1/2023 đã có 1.528 cô đỡ thôn, bản được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số cô đỡ được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản.
Trước thực trạng này, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho hay, ủy ban đã phối hợp với Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với 10 dự án thành phần, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản (thuộc Dự án 07).