Được áp dụng hình thức đàm phán giá
Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi (Dự thảo) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 vừa qua. Một trong những vấn đề rất được quan tâm là gỡ khó cho đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết, liên quan đến chỉ định nhà thầu, có ý kiến đề nghị cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong trường hợp trên thị trường chỉ có một nhà sản xuất thì cần tổ chức đàm phán và công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Ngoài đấu thầu, cần nghiên cứu, bổ sung các hình thức mua sắm khác đối với việc cung cấp thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
“Ở dự thảo mới nhất, đối với việc cung cấp thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, ngoài các hình thức lựa chọn nhà thầu như thông thường, còn được áp dụng hình thức đàm phán giá, sử dụng danh sách nhà thầu nhiều lần tạo sự linh hoạt, chủ động trong mua sắm; mua sắm hóa chất, sinh phẩm kèm theo nhà thầu phải cung cấp máy móc xét nghiệm để sử dụng hóa chất, sinh phẩm đó”, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường thông tin.
Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Điều 23, Dự thảo quy định, áp dụng chỉ định thầu đối với “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”.
Điều 28 về hình thức “đàm phán giá” được quy định áp dụng riêng đối với “các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 đến 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác”.
Dự thảo cũng đã bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 57 để áp dụng cho các trường hợp mua hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng hóa chất, sinh phẩm đó, nhằm góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện hiện nay.
Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần nghiên cứu kỹ thêm một số nội dung về đấu thầu trong lĩnh vực y tế để vận hành tốt hơn khi luật có hiệu lực. “Chẳng hạn, với biệt dược thì trường hợp nào đàm phán, trường hợp nào đấu thầu là phải quy định rõ hoặc giao Chính phủ quy định, chứ không phải mọi trường hợp đều đàm phán”, ông Huệ đề nghị.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, riêng về lĩnh vực y tế, có rất nhiều vấn đề bất cập, nhưng “nói đi phải nói lại là do quá trình thực hiện không tốt; những vướng mắc chủ yếu nằm ở nghị định, thông tư là chính, mà chính là thông tư của Bộ Y tế”.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua, giải quyết những vướng mắc về đấu thầu mua sắm trong lĩnh vực y tế rất phức tạp, “nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu, ai cũng sợ”, vì thế, lần này sẽ luật hóa nhiều quy định ở lĩnh vực này. “Chúng tôi tổ chức rất nhiều cuộc họp, hội thảo với tất cả các cơ sở y tế, các hiệp hội, các doanh nghiệp, cũng vẫn phải rà tiếp một bước nữa để xem tất cả những mắc mớ, lần này phải được giải quyết hết”, Bộ trưởng phát biểu.
Sử dụng vốn nhà nước là phải đấu thầu
Một vấn đề khác cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận là đối tượng áp dụng có mở thêm phạm vi đến các gói thầu của doanh nghiệp có vốn của Nhà nước hay không. Một số ý kiến thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang kém cạnh tranh so với khối doanh nghiệp tư nhân do chịu sự ràng buộc quá nhiều quy định Pháp Luật. Do vậy, đề nghị cân nhắc để tránh làm hạn chế tính chủ động của các doanh nghiệp, trường hợp cần thiết, chỉ quy định các công ty con của các doanh nghiệp nhà nước có 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước.
Quan điểm này được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng tán thành. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vẫn phải áp dụng đối với doanh nghiệp dưới 50% vốn điều lệ và kể cả doanh nghiệp không có một đồng vốn nhà nước nào. Bởi vì nhiều công ty tư nhân hoàn toàn, nhưng được Nhà nước giao việc gì đó, như giao nhiệm vụ dự trữ xăng dầu và dùng tiền của Nhà nước, thì kiểm toán có quyền kiểm toán hoạt động này.
“Kể cả doanh nghiệp không có đồng vốn nhà nước nào mà sử dụng vốn của Nhà nước do Nhà nước giao nhiệm vụ đầu tư thì vẫn phải đấu thầu. Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dưới 50% vốn, doanh nghiệp không có vốn nhà nước mà có sử dụng vốn nhà nước thì đều phải làm việc này”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Báo cáo cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban soạn thảo đề nghị áp dụng với doanh nghiệp có 51% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ trở lên theo Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương.
“Trước đây quy định, 100% vốn nhà nước mới là doanh nghiệp nhà nước, bây giờ đã nới ra và hạ xuống đến 51%, nhưng trên thực tế, có một số gói thầu chủ yếu nằm ở loại mà Nhà nước đóng góp thấp hơn thì lại hay đấu thầu”, Bộ trưởng giải thích.
Trưởng ban soạn thảo dự án luật đề nghị vẫn giữ nguyên đối tượng áp dụng theo quy định của Điều 88, Luật Doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết - PV).
“Còn doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ, thì thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, tức là dành quyền chủ động, linh hoạt cho người được đại diện của vốn nhà nước trong các doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm vấn đề này”, Bộ trưởng giải trình.
Trưởng ban soạn thảo dự án luật cũng bày tỏ thống nhất ý kiến của Chủ tịch Quốc hội rằng, đối với một số trường hợp khác là doanh nghiệp tư nhân không có vốn nhà nước, nhưng lại sử dụng vốn nhà nước để thực hiện cung cấp các dịch vụ cũng phải đưa vào Dự thảo để có thể kiểm soát được.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trước hết, sửa Luật Đấu thầu lần này phải đảm bảo giải quyết được các ách tắc hiện nay của Luật Đấu thầu. Ngoài ra, phải đảm bảo một cách thuận lợi trong thực hiện, trong kiểm tra, trong hướng dẫn, trong giám sát; phải tránh được các thiệt hại và tham nhũng, lãng phí; phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. “Chúng tôi cũng bám sát và xuyên suốt trên tinh thần của luật này từ đầu đến giờ như vậy”, Bộ trưởng cho biết.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện Dự thảo để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023).
“Việc hoàn thiện quy định về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phải bám sát nguyên tắc nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, không tạo kẽ hở gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Đấu thầu rộng rãi là phổ biến, xuyên suốt, các hình thức lựa chọn nhà thầu khác chỉ thực hiện khi không thể đấu thầu rộng rãi và phải quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện áp dụng trong luật, chỉ giao Chính phủ quy định về trình tự và thủ tục”, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.