Tin liên quan
Pierre Noel, chuyên gia về an ninh khinh tế và năng lượng thuộc viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết, Ukraine đang xem vấn đề khí đốt như là “trò chơi chiến lược” của họ. Đơn giản vì, nếu Kiev bị đóng băng trong mùa đông và cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu xảy ra thì phương Tây sẽ đổ tất cả lỗi lầm cho Nga. Bằng cách này, chính quyền Kiev cũng hy vọng sẽ củng cố vị trí chiến lược của nó đối với Mỹ và EU.
Trao đổi với RIA, ông Noel nói rằng: “EU nên từ chối hành vi này, liên minh nên đặt an ninh năng lượng châu Âu lên hàng đầu và tạo điều kiện giúp Kiev mua khí đốt với mức giá được quy định trong thỏa thuận năm 2009. Đó là cơ sở duy nhất để tạo nên mối quan hệ về khí đốt ổn định giữa Nga- Ukraine”.
Trước đó, trong cuộc đàm phán khí đốt 3 bên tại Brussel, ông Noel cho rằng nếu Nga chấp nhận bán khí đốt với giá chiết khấu nhiều so với mức giá trong hợp đồng năm 2009 thì vấn đề khí đốt sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, điều này dường như rất khó xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh Hoa Kỳ và EU đang áp đặt trừng phạt kinh tế lên Moscow.
Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, vấn đề thực sự không phải nằm ở giá cả mà nằm ở sự không khoan nhượng của Ukraine. Chính quyền Kiev đã che giấu sự thực là họ không thể trả nợ và mua khí đốt của Nga ngay cả khi đã giảm giá.
Simon Pirani, nghiên cứu viên cao cấp tại viện Nghiên cứu năng lượng Oxford cho biết, thỏa thuận khí đốt giữa Moscow và Kiev có được ký kết hay không đều hoàn toàn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán chính trị giữa 3 bên Nga, Ukraine và EU.
Tuy nhiên, hiện mối quan hệ chính trị giữa Nga và Ukraine đang diễn biến “rất xấu”. Mới đây Thủ tướng chính phủ Ukraine đã dứt khoát từ chối nhập khẩu khí đốt theo hợp đồng năm 2009.
Ông Noel kết luận, trừ khi châu Âu gây áp lực với chính quyền Kiev, nếu không thì các cuộc đàm phán có thể thất bại một lần nữa.
Sau cuộc đàm phán khí đốt 3 bên kết thúc hôm 21-10, Ukraine đã đồng ý với mức giá tạm thời là 385 USD/1.000 m3 khí đốt trong mùa đông, nhưng thỏa thuận chính thức vẫn chưa được ký kết. Ngày 29-10, Nga và Ukraine lại bắt đầu một vòng đàm phán khí đốt mới, thông qua trung gian Ủy ban châu Âu, tại Brussels.