Trong tuyên bố được đăng trên nhật báo Dagens Nyheter cùng ngày, bà Margot Wallstrom nói: "Hôm nay, chính phủ quyết định công nhận Nhà nước Palestine. Đó là một bước đi quan trọng khẳng định quyền tự quyết của người Palestine."
Theo bà Wallstrom, động thái này của Thụy Điển nhằm ủng hộ người dân Palestine ôn hòa và giúp họ có vị thế ngang hàng với Israel trong tiến trình đàm phán hòa bình, gieo hy vọng cho thế hệ trẻ của 2 bên.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Wallstrom cũng cam kết phối hợp cùng với các quốc gia châu Âu khác, Mỹ và các tổ chức khu vực và quốc tế ủng hộ việc nối lại tiến trình đàm phán giữa Palestine và Israel nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Tổng thống Palestine Mahmud Abbas ngày 30/10 đã hoan nghênh việc Thụy Điển công nhận Nhà nước Palesstine, coi đây là một quyết định lịch sử.
Trước đó, tại buổi lễ nhậm chức ở quốc hội diễn ra đầu tháng 10 này, tân Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven đã tuyên bố rằng nước ông sẽ trở thành quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên ở Tây Âu công nhận Nhà nước Palestine.
Ngay sau khi Thủ tướng Thụy Điển công bố kế hoạch trên, Israel đã triệu Đại sứ Thụy Điển đến để phản đối. Từ lâu nay, Tel Aviv vẫn cho rằng Palestine chỉ có thể được công nhận là nhà nước thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp chứ không thông qua các kênh ngoại giao.
Cho đến nay đã có 7 nước thành viên EU và khu vực Địa Trung Hải gồm Bulgaria, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Síp, Hungary, Malta, Ba Lan và Romania công nhận Nhà nước Palestine.
Iceland là quốc gia Tây Âu duy nhất không thuộc EU công nhận Nhà nước Palestine độc lập
Chính phủ Thụy Điển chính thức công nhận Nhà nước Palestine
Ngày 30/10, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom thông báo chính phủ trung tả của nước này đã chính thức công nhận Nhà nước Palestine.