Tin liên quan
Lực lượng đối lập với chính quyền Kiev ở miền Đông Ukraine, thuộc hai nhà nước tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk đã tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 2/11 để bầu đại biểu Quốc hội và người đứng đầu chính quyền tự xưng của mình.
Phe đối lập coi cuộc bầu cử này là bước đi quan trọng nhằm đem lại tính hợp pháp cho bộ máy quyền lực tại miền Đông và trở nên độc lập hơn với chính quyền Kiev, trong khi chính quyền Ukraine thì kịch liệt phản đối và kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận cuộc bầu cử này. Điều đó khiến cho cuộc khủng hoảng Ukraine càng lúc càng phức tạp và khó giải quyết.
Cho đến giờ phút này, tức là đã qua thời điểm đóng cửa các điểm bỏ phiếu tại hai nước cộng hòa tự xưng hơn 7 tiếng đồng hồ, thông tin ban đầu cho biết, số cử tri đi bỏ phiếu rất cao: tại Cộng hòa Lugansk chiếm tới gần 69%; tại Cộng hòa Đonetsk cũng tương tự.
Kết quả sơ bộ kiểm phiếu cho thấy tỷ lệ phiếu ủng hộ hai ứng cử viên vào chức danh đứng đầu nước cộng hòa khá tập trung: đối với Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng thì đương kim Thủ tướng là ông Zakhartrenko giành được hơn 60% phiếu bầu còn đối với nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng thì ông Plotnitski, người đứng đầu chính quyền hiện nay giành được hơn 63% phiếu bầu.
Tuy nhiên, có thể nói, diễn biến những cuộc xung đột thời gian qua, bất chấp cả thỏa thuận Minsk ảnh hưởng đến quá trình bầu cử ko quan trọng bằng ảnh hưởng đến tâm lý người dân ở đây.
Xung đột và giao tranh khiến thương vong cho dân thường đã và đang ngày đẩy người dân rời xa Kiev và đến gần hơn với phe đối lập.
Điều này thể hiện bằng việc người dân tích cực tham gia bầu cử hơn. Chính những ý kiến người dân rằng, họ đi bỏ phiếu với một mong muốn lập lại hòa bình cho đất nước là minh chứng rõ nét.
Trên thực tế thì điều này đã xảy ra trước khi diễn ra các cuộc bầu cử. Nó thể hiện bằng việc Nga thì sẵn sàng công nhận còn Mỹ và phương Tây thì luôn bác bỏ và kêu gọi Nga không ủng hộ.
Mâu thuẫn giữa các bên trong Ukraine cũng như các bên ngoài Ukraine là Nga, Mỹ và Tây Âu đã khoét sâu đến độ không thể sâu hơn được nữa.
Sự kiện bầu cử này càng làm các bên khó có thể tìm kiếm cơ hội tháo gỡ để tiến tới lấp đầy hố sâu mâu thuẫn bởi nó càng khẳng định quyết tâm của vùng lãnh thổ này đối với việc giành quyền tự chủ hơn nếu không muốn nói là tách ra khỏi Ukraine.
Liên quan đến diễn biến xung quanh cuộc bầu cử có sự giám sát của khoảng 300 quan sát viên quốc tế, trong khi Bộ Ngoại giao Nga ngày 2/11 đã lên tiếng khẳng định các cuộc bầu cử ở khu vực này của Ukraine diễn ra trong trật tự và hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận Minsk, thì phương Tây, nhất là Mỹ vẫn khẳng định không công nhận các cuộc bầu cử này, lên án Nga ủng hộ và tiếp tục đe dọa sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga.
Không phải đến lúc này chính quyền Kiev mới đi tìm giải pháp đối với các vấn đề đã và đang diễn ra ở miền Đông. Thế nhưng, một chính quyền mới của Kiev chuẩn bị ra đời sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/10 sẽ được hình thành từ ít nhất là 3 đảng phái với nhiều quan điểm chính trị khác nhau và có thể đối lập nhau trong việc giải quyết các mâu thuẫn với miền Đông Nam. Trong khi đó, nền kinh tế đang đứng trước bờ vực phá sản, hoạt động kinh doanh thì trì trệ và chưa tìm ra hướng đi...
Thực trạng này của chính quyền Kiev đã phần nào phản ánh những hành động tiếp theo đối với diễn biến và kết quả của cuộc bầu cử đã diễn ra ở miền đông là rất khó tìm được sự đồng thuận. Như vậy, thái độ cứng rắn và giải quyết vấn đề miền đông bằng vũ lực của đảng thắng cử trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 26/10 là xu thế đang được chú ý nhiều nhất.
Tuy nhiên, việc chính quyền Kiev quyết định hành động như thế nào phụ thuộc vào các thế lực đang có ảnh hưởng và tác động đến Ukraine.
Vì vậy, sẽ khó có thể bỏ qua các tuyên bố của Nga cũng như không thể không nghĩ đến một kịch bản như Nga đã từng thể hiện trong vấn đề Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia.
Nếu kịch bản này xảy ra, thì việc sử dụng vũ lực của chính quyền Kiev đối với miền Đông sẽ đặt ra một thách thức rất lớn không chỉ đối với Ukraine mà là đối với cả châu Âu và thế giới.
Chính quyền Kiev sẽ phản đối, có thể có đụng độ và thúc ép Tây Âu, Mỹ gây sức ép với Nga. Tuy nhiên, do đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội nên những động thái này của Kiev cũng khó duy trì dài lâu.
Việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình là công cụ mà các bên của Ukraine cũng như các quốc gia liên quan đã sử dụng để hợp thức hóa các tham vọng, mục tiêu của mình chứ chưa bao giờ là mục tiêu theo đuổi thực sự.
Nhưng, một thực tế đang hiện hữu trên thế giới ngày nay là khi các khả năng của xung đột, đối đầu bị vô hiệu hóa hoặc khống chế thì hòa bình sẽ trở lại.
Mặt khác, hòa bình mà không đem lại lợi ích cho các bên của Ukraine cũng như các quốc gia liên quan thì mọi sự tìm kiếm luôn là vô vọng. Cuộc đối đầu và xung đột ở Ukraine đe dọa đến lợi ích không chỉ của các bên trong cuộc mà cả thế giới. Cho nên, đây sẽ là yếu tố tác động rất lớn giúp cho hòa bình có cơ hội tái lập hay không.
Hòa bình thực sự chỉ có được khi nó phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người dân. Trên thực tế, đang hình thành hòa bình cho những người dân vùng phía Tây Ukraine khi chính quyền Kiev đang ngả về phương Tây và hòa bình cũng sẽ đến cho người dân phía Đông Nam khi chính quyền đáp ứng tâm nguyện của người dân hướng về nước Nga.
Xem ra, cơ hội đàm phán để giải quyết khủng hoảng Ukraine còn rất mong manh khi mà mâu thuẫn phe phái đang bị khoét sâu thêm sau bầu cử, giao tranh thì vẫn tiếp diễn và ngay trong nội bộ chính quyền Kiev cũng tồn tại nhiều vấn đề do Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk chưa hẳn đã chia sẻ quyền lực một cách êm thấm.
Chưa hết, sự tác động từ bên ngoài đang làm cho cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên rối ren hơn. Sẽ là thảm họa đối với bất kỳ phe phái nào tại Ukraine, nếu không nhanh chóng hóa giải mâu thuẫn và đối đầu