Bão số 7 giảm cấp, đổi hướng ra phía Đông

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đối với các chuyên gia dự báo khí tượng, quỹ đạo di chuyển của bão số 7 thuộc loại phức tạp nhất từ trước tới nay, khiến việc dự báo gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả việc dự báo thời đoạn ngắn vài ba giờ cũng không hề dễ dàng

Chính vì vậy, dự báo của các trung tâm dự báo bão quốc tế phân tán chưa từng có. Trong khi dự báo của hải quân Mỹ, TRS (Anh), Bắc Kinh nhận định bão số 7 di chuyển theo hướng Tây-Tây Bắc, đổ bộ hoặc tiếp cận bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ; thì dự báo của Nhật Bản, Hồng Kông lại cho rằng bão số 7 chuyển hướng quay ra phía Đông từ ngày 23-11. Trên thực tế, cả ngày và đêm 23-11 bão số 7 di chuyển rất chậm theo hướng giữa Tây - Tây Bắc và Tây Bắc, có thời điểm gần như đứng yên một chỗ. Các chuyên gia dự báo bão của Việt Nam nhận định, xác suất 50% bão số 7 không đổ bộ trực tiếp vào đất liền Nam Trung Bộ mà chỉ tiếp cận gần bờ sau đó quay trở ra phía Đông, 50% còn lại chia đều cho 2 khả năng: hoặc đổ bộ vào nước ta hoặc quay ra phía Đông ngay từ chiều 23-11. Tuy nhiên, một điều vô cùng khó là không rõ bão di chuyển cách bờ bao nhiêu thì quay trở ra. Nếu bão cách bờ khoảng 150 km (tâm bão) rồi đổi hướng ra phía Đông thì trong đất liền hầu như không bị ảnh hưởng bởi gió mạnh; nhưng nếu bão vào cách bờ khoảng 50 km rồi mới quay ra thì cũng không khác gì bão đổ bộ trực tiếp.

Việc bão đổi hướng di chuyển từ Tây sang Đông phần lớn không phải do tác động của bão đôi, bởi khoảng cách giữa bão Hagibis và Mitag còn rất lớn (khoảng 1.700 km) và cường độ của chúng gần tương đương nhau. Nguyên nhân chính là do rãnh gió Tây trên cao hạ thấp xuống phía Nam trên vùng phía Đông vịnh Ben gan, Myanmar, Thái Lan, làm xuất hiện dòng xiết gió Tây Nam mạnh hơn hẳn đới gió Đông của áp cao cận nhiệt đới Bắc biển Đông. Trong những ngày tới, khi bão Hagibis tiến ra phía Đông, bão Mitag tiến về phía Tây, khoảng cách của chúng ngày càng gần hơn thì tác động của bão đôi sẽ ngày càng rõ rệt hơn.

Sáng sớm 24-11, sau khi đã giảm cường độ xuống cấp 10, cấp 11 và còn cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 170 km thì bão bắt đầu đổi hướng ngược phía Đông, do vậy ở các tỉnh Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận chỉ có gió mạnh cấp 5, cấp 6; giật cấp 8, cấp 9.

Đến 16 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ vĩ Bắc, 111,6 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km/giờ), giật trên cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chủ yếu theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5 – 10 km. Đến 16 giờ ngày 25-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ vĩ Bắc, 113,1 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 140 km về phía Tây.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật trên cấp 10. Biển động rất mạnh. Vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận đêm 24-11 còn có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Biển động rất mạnh. Bão đã di chuyển về phía Đông, nguy hiểm đối với đất liền không còn nhưng vùng biển từ vĩ độ 14 đến vĩ độ 9 sẽ còn nguy hiểm trong khoảng 3-4 ngày nữa.

Thông tin mới nhận cho biết, sau nhiều ngày kiên định dự báo bão số 7 đổ bộ vào Việt Nam trải dài từ Cà Mau đến Phú Yên, sáng 24-11, Khí tượng Hải quân Hoa Kỳ, TRS (Anh) và Bắc Kinh đã dự báo bão đổi hướng ra phía Đông như các trung tâm dự báo khác.

Bùi Minh Tăng

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật