Nhiều đồng bào chỉ Tết đến mới có cơm ăn

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
"Năm nay được mùa, được giá nhưng chỉ một cơn lũ có gia đình mất tất cả. Nhiều đồng bào chỉ trong ngày tết, lễ mới có cơm ăn, dù xuất khẩu gạo nước ta vẫn thứ 2 thế giới", Bộ trưởng Cao Đức Phát đau xót ’phác’ ra mặt trái của nền nông nghiệp mà ông là người đứng đầu, trong phiên chất vấn sáng 17/11.
Nhiều đồng bào chỉ Tết đến mới có cơm ăn
Ông Cao Đức Phát. Ảnh: N.T.

"Với tư cách người đứng đầu ngành nông nghiệp, người nói rất hay về nông thôn mới, Bộ trưởng có thể phác họa bức tranh kinh tế nông thôn đến 2020? Khi nào chúng ta có thể thay đổi được cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau...?", đại biểu Nguyễn Ngọc Đào chất vấn đầu tiên, khi bộ trưởng Phát dừng đọc văn bản.

Không chờ bộ trưởng trả lời, đại biểu Ngô Văn Minh tiếp thêm câu hỏi "hóc": "Bao giờ mới có khi mà khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị không thu hẹp mà có xu hướng ngày càng rộng ra?".

Không tỏ ra lúng túng, Bộ trưởng Cao Đức Phát chậm rãi thừa nhận thực tế trên là có thật: "Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo mà hàng năm vẫn còn hàng trăm nghìn đồng bào chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày tết, khi bị ốm".

Ông khẳng định, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để cải thiện tình hình, giảm nhiều khoản thu cho nông dân, trong đó có thủy lợi phí... Bộ Nông nghiệp đánh giá, năm 2007 cơ bản là năm được mùa, được giá, thu nhập của nông dân tiếp tục cải thiện; nhưng thiên tai, dịch bệnh lại lấy đi khá nhiều nên thu nhập thực tế vẫn tăng chậm.

Nông nghiệp là nguồn sống chính của 73% dân số Việt Nam, nhưng tốc độ phát triển chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với công nghiệp. Nhiều hộ rơi vào cảnh đói nghèo chỉ sao một trận lũ lụt, dịch bệnh, hay gia đình có người ốm.

Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chấm dứt cảnh "con trâu đi trước, cái cày đi sau", bộ trưởng cho rằng "không thể theo sự mong muốn của chúng ta", vì liên quan đến hoạt động của nền kinh tế thị trường. Bộ Nông nghiệp đã có kế hoạch báo cáo Chính phủ về chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Bộ phấn đấu đến 30/12 ra dự thảo, lấy ý kiến đóng góp để chậm nhất đến 30/3/2008 trình Chính phủ, nhằm ra quyết sách mạnh mẽ phát triển nông nghiệp nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân.

Không bằng lòng, đại biểu Minh lần thứ 2 đứng dậy chất vấn: "Nói đang tiến hành thì không biết bao giờ mới xong?". Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào thẳng thắn: "Tôi hỏi rất cụ thể, nhưng Bộ trưởng trả lời tản mạn. Tôi hỏi để biết được tư duy phác họa bức tranh nông thôn giúp Việt Nam thoát ra khỏi nước thuần nông của Bộ trưởng? Bộ trưởng không nên né câu hỏi của tôi".

"Tôi nghĩ đó là câu hỏi lớn và rộng. Tôi đã liệt kê một số chương trình Bộ đang chỉ đạo và thực hiện, nếu đi quá chi tiết sẽ ảnh hưởng đến thời gian của Quốc hội", ông Phát đáp.

Không thỏa mãn, ông Trần Ngọc Vinh đặt vấn đề: "Hơn 70% nông dân sống ở nông thôn mà chúng ta lại chưa có số liệu về thu nhập của họ, cần phải thống kê. Bộ trưởng có suy nghĩ, và có biện pháp gì?". Tuy nhiên, bức tranh về nông thôn Việt Nam năm 2020 lại không được Bộ trưởng Phát "vẽ" ra hoàn chỉnh như yêu cầu của những người đại diện cho nhân dân.

Công tác phòng chống lũ, bão cũng được các đại biểu nêu câu hỏi, mong nhận được kế hoạch cụ thể từ Bộ Nông nghiệp để giúp người dân phòng ngừa và ổn định cuộc sống. Năm vừa qua, thiên tai dã làm chết và mất tích gần 370 người, thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng.

Ông Phát cho biết, ngày 16/11, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Nông nghiệp xây dựng đề án sống chung với lũ để đồng bào chủ động đối phó, tránh thiệt hại về người và của tại những vùng thường xuyên bị thiên tai. "Không để nửa đêm đi cứu người trên nóc nhà. Đi xuồng chạy lũ trong cảnh dưới là mồ mả, phía trên là dây điện", ông kể lại thực tế.

Bài học cảnh tỉnh về cá sấu sổng chuồng ở Khánh Hòa, hay vụ nuôi hổ ở Bình Dương được đại biểu Nguyễn Tấn Tuân nêu ra để chất vấn bộ trưởng với mong muốn "Biết quan điểm chỉ đạo thế nào về nuôi động vật hoang dã nguy cấp?". Ông Phát trả lời: "Vấn đề nuôi hổ, gấu, Việt Nam tham gia công ước Cites, và luôn tôn trọng cam kết này. Mọi việc phải được làm đúng theo quy định. Bộ đã tăng cường kiểm tra, đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra theo luật pháp hiện hành".

Trong hơn 100 phút đăng đàn đã có 15 đại biểu chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát. "Có 4 đại biểu chưa hài lòng với chất vấn của Bộ trưởng", Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chốt lại. Ông đề nghị Bộ trưởng gửi văn bản trả lời riêng tới 11 ĐB khác do hết thời gian chất vấn tại hội trường.

Ông Cao Đức Phát sinh năm 1956, làm Bộ trưởng từ năm 2004. Ông là tiến sĩ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị; từng học quản lý tại Đại học Harvard (Mỹ), từng giữ chức Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ An Giang, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hoàng Khuê

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật