Chưa đổ bộ, bão số 7 đã gây nhiều thiệt hại

Monkey Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù đang lưỡng lự chuyển hướng ngoài khơi, nhưng bão số 7 (Hagibis) đã gây ảnh hưởng lớn tới các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận. Nhiều tuyến đê bị vỡ, nhà bị sập, tốc mái, hàng chục nghìn dân đang phải di dời khỏi nơi ở.
Chưa đổ bộ, bão số 7 đã gây nhiều thiệt hại
Người dân đang kéo thuyền vào bờ tránh bão

Tỉnh Ninh Thuận bị mưa dai dẳng từ ngày 22/11. Biển động mạnh, gió giật trên cấp 5. Đến chiều 23/11, tuyến đê gần bờ biển Cà Ná và Sơn Hải sạt lở nhiều đoạn, nhiều nhà dân sụt lún nền móng. Tỉnh đang khẩn trương di dời 21.000 dân của 11 xã ven biển. Ban phòng chống lụt bão tỉnh đã cấp thêm 20.000 bao cát cho việc dằn chắn nhà dân và ngăn đê vì 63.000 bao cát chuyển đến hôm trước không đủ dùng.

Sóng biển cũng làm sập 15 căn nhà tại thị xã La Ghi, Bình Thuận. Huyện Tánh Linh đã bị lốc tấn công lúc 9h sáng nay, làm bị thương một em bé 45 ngày tuổi và tốc mái 6 căn nhà. Đảo Phú Quý thuộc tỉnh này đang bị triều dâng cao, sóng gần bờ trên 6 m, thời tiết âm u, bắt đầu xuất hiện gió nghịch, giật trên cấp 6. Đảo đã phát lệnh khẩn cấp chuyển gần 1.600 dân khỏi nơi nguy hiểm.

Hiện nay, bộ chỉ huy phòng chống lụt bão tiền phương đã chuyển đến Khánh Hòa - Nha Trang, nơi được dự báo sẽ là tâm điểm bão đổ bộ. Tỉnh cũng tổ chức cho 1.000 dân đi tránh bão khi thời tiết diễn biến xấu đi. Tại đây mưa to hoành hành cả ngày nay, nước biển dâng lên 2 m, gió giật trên cấp 5, toàn bộ các trường học của tỉnh đều được nghỉ để chuẩn bị chống bão.

Các hồ chứa nước lớn tại Khánh Hòa như Đà Bàng, Tà Rục, Ninh Tương..., đều phải xả nước để chống tràn gây lũ trong khu dân cư. Hồ cá sấu cũng được di chuyển với hơn 500 con vào điểm cách xa vùng bão 1 km.

Phó ban phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên, ông Võ Minh Thức cho hay, mực nước trên các sông tại đây đang xấp xỉ mức báo động 2, có nơi lên đến mức báo động 3. Tỉnh bị mưa to cả ngày, nước rút chậm và đang gấp rút phòng chống lũ.

Hiện nay, hơn 5.400 dân tại 4 huyện ven biển và các xã dọc bờ sông tỉnh Phú Yên như Tuy Hòa, Tuy An, Sông Cầu, Đông Hòa đã phải di dời để tránh bão.

Theo thống kê của trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của cơn bão số 7, mực nước các sông Trung bộ đang lên cao dần, có nơi vượt mức báo động 3, nhiều khả năng miền Trung lại phải đối mặt với một cơn lũ mới vì triều cường dâng cao, mưa kéo dài và bão đổ bộ.

Dù đang gây nhiều ảnh hưởng, nhưng hiện các dự báo đều chưa xác định chính xác hướng đi và vị trí đổ bộ của bão số 7. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, 12 giờ qua, bão hầu như ít di chuyển. 13h chiều 23/11, tâm bão vẫn cách bờ biển Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 200 km về phía Đông Đông Nam và duy trì cường độ mạnh cấp 12. Đêm 23 và ngày 24, bão di chuyển chậm với tốc độ 5 km một giờ, theo hướng tây bắc.

Tuy nhiên, Trung tâm này không đưa ra dự báo xa về khả năng đổ bộ của bão, chỉ thông báo: "Bão di chuyển chậm và có khả năng đổi hướng, cần chủ động đề phòng khả năng tâm bão đi vào vùng bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, cùng với việc phòng tránh ảnh hưởng của bão trên khu vực giữa và Nam Biển Đông".

Giải thích về việc này, một cán bộ của Trung tâm cho biết: "Chịu sự tương tác của siêu bão Mitag, đường đi của bão Hagibis rất khó dự đoán. Có hai khả năng, một là hai bão hút vào nhau, khiến Hagibis
quay ra biển. Hai là chúng đẩy nhau ra, Hagibis sẽ đi sát đất liền". Hiện siêu bão Mitag tiến gần Philippines gây gió giật cấp 13-14, đến ngày 25/11 sẽ đi vào phía bắc biển Đông.

Vẫn theo cán bộ này, hai khả năng bão đẩy và hút nhau chưa rõ ràng, mới thể hiện ở chỗ tốc độ bão Hagibis đi chậm lại, có lúc gần như đứng im. Nhưng theo quy luật thông thường, bão mạnh bao giờ cũng khống chế bão yếu hơn.

Đây cũng là lý do khiến các đài quốc tế đưa ra dự báo rất khác nhau về bão Hagibis. Đài TSR của ĐH London, đài Hải quân Mỹ đều cho rằng bão sẽ đi vào các tỉnh Khánh Hòa đến Bình Định. Trong khi đó, đài của Nhật Bản dự báo bão sẽ quay ngoặt ra biển.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật