Miền Trung lại đối mặt với cơn lũ mới

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn trung ương, từ nay đến ngày 22/11, sẽ còn 2 đợt mưa lớn nữa cách nhau chỉ một ngày ở các tỉnh miền Trung, khiến lũ lại có khả năng lên nhanh và cao.
Miền Trung lại đối mặt với cơn lũ mới
Miền Trung mênh mông biển nước. Ảnh: Hàn Phong.
Các cơn mưa này xuất hiện do ảnh hưởng của gió đông và không khí lạnh tăng cường

Dự báo từ ngày 17/11, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận có khả năng lên lại. Do có 2 đợt mưa liên tiếp nên phần lớn các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên có thể xuất hiện lũ kép. Nước trên nhiều con sông ở miền Trung có khả năng lên trên báo động 3 và có thể xuất hiện lũ đặc biệt lớn ở một số nơi.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã bay vào miền Trung tối 16/11 để chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đối phó với đợt lũ mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các lực lượng cứu hộ phải di dời dân ra khỏi vùng bị ngập sâu.

Từ tháng 10 đến ngày 15/11, miền Trung đã có 5 trận lũ lớn khiến 155 người chết, 12 mất tích, 137 người bị thương. Gần 60.000 hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Khoảng 5.000 nhà bị đổ, trôi. 18.833 ha lúa ngập, hư hại. 37.473 ha hoa màu ngập nước. 35.415 tấn lương thực bị ướt và lũ cuốn. Tổng thiệt hại về lên đến 4.434 tỷ đồng.
Nguyên nhân các trận lũ khủng khiếp ở miền Trung vừa qua được các chuyên gia khí tượng thủy văn cho là do ảnh hưởng của tàn dư bão số 6 kết hợp với gió đông hoạt động mạnh đã gây mưa lớn nhất từ đầu mùa lũ đến nay.
(Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương)

Trước mắt Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 205 tỷ đồng cho 7 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do lũ. Số tiền này được dùng để mua giống cây trồng, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trung ương cũng gửi tiếp 8.200 tấn gạo, 250 tấn mì tôm, 8 tấn thuốc Coramin để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 30.200 lít thuốc sát trùng để tiêu độc môi trường.

Miền Trung mênh mông biển nước. Ảnh: Hàn Phong.

Trong khi đó ở nhiều tỉnh miền Trung, nước lũ hôm nay gần như đã rút hết, để lại một khung cảnh hoang tàn xơ xác. Ông Nguyễn Văn Ba, ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cho biết, đi trốn nước lụt 2 ngày về lại, "không biết nhà mình ở chỗ mô vì đã bị nước cuốn trôi mất rồi". Vợ ông ôm 2 đứa con nhỏ ngồi thẫn thờ trên gốc cây đã đổ rạp trước nơi vốn là nhà của mình, chả thiết ăn uống.

Tại tỉnh này, ngày thứ 2 từ khi lũ rút, bệnh tiêu chảy, đỏ mắt, nước ăn tay chân đã xuất hiện. Đến chiều nay, theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, có 27 ca tiêu chảy, 200 trường hợp đỏ mắt, hàng nghìn trường hợp nước ăn tay chân được phát hiện.

Theo Chánh văn phòng UBND tỉnh Đinh Văn Thu, ưu tiên trước mắt của tỉnh sau khi lũ rút là vệ sinh môi trường, cung cấp lương thực, thực phẩm cho dân. Hiện nhiều gia đình mất toàn bộ tài sản, thậm chí trôi hết nhà cửa nên tỉnh phải hỗ trợ chỗ ở.

Đưa dân về nhà sau cơn lũ. Ảnh: Hàn Phong.

Quảng Ngãi: Ông Trương Ngọc Dy, Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho hay, mưa nặng hạt không ngớt suốt ngày 16/11 đã khiến lũ lên lại ở mức báo động 1. "Nếu mưa tiếp tục kéo dài từ 2-3 ngày nữa, mực nước sẽ lên trên mức báo động 3, tức khoảng 1,8 m và tràn vào nhà dân như đợt lũ vừa rồi", ông Dy lo lắng nói.

Sau cơn lũ vừa rồi, nhiều đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị hỏng, ôtô chưa thể đến 26 xã để đưa hàng cứu trợ. Có nhiều xã miền núi đã bị phong tỏa 45 ngày nay. Chính quyền địa phương phải dùng cách tập trung hàng cứu trợ tại một điểm, rồi thông báo để người dân đến lấy. Mối lo ngại nhất vẫn là tình hình dịch bệnh sau lũ. bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đang cấp cứu hơn 10 ca tiêu chảy. dịch ghẻ lở cũng đang rình rập bởi tất cả giếng nước đều bị ngập.

Ông Dy cho hay, mục tiêu của Ban phòng chống lụt bão tỉnh là trong tuần này phải tiếp cận được các xã bị phong tỏa, giúp dân dọn dẹp và tái thiết lại nhà cửa. Tỉnh trích ngân sách hỗ trợ cho gần 100 hộ bị sập nhà, với mức 6 triệu đồng mỗi hộ. Quảng Ngãi cũng đã nghĩ tới việc ngăn cơn "bão" giá bởi tất cả mặt hàng, đặc biệt là vật liệu xây dựng đã tăng giá 10-15% so với thời điểm trước lũ.

Đà Nẵng: Ông Huỳnh Vạn Thắng, Trưởng ban Phòng chống lụt bão thành phố này cho biết, ưu tiên hàng đầu hiện là nước sạch. 13 xe cứu hỏa đã được huy động chở nước sạch cho dân liên tục từ hơn 2 ngày nay.

Thành phố vẫn đang triển khai các biện pháp cấp bách để phòng dịch bệnh tiêu chảy cấp có thể lây lan, vì xe cộ ách tắc trên quốc lộ 1A với số lượng khách quá nhiều có thể mang mầm bệnh truyền nhiễm. Hôm nay, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu lực lượng y tế triển khai ra các bến xe, bến tàu trên địa bàn để phòng chống dịch bệnh phát sinh.

Ngành y tế Đà Nẵng đã được cấp 250 triệu đồng cho công tác phòng dịch, đồng thời được lệnh xuất tất cả thuốc dự trữ để phòng chống bệnh dịch.

Tổng thiệt hại sau cơn lũ lịch sử này của Đà Nẵng tính đến chiều nay là 1.500 tỷ đồng, bao gồm tổn thất hoa màu, nông nghiệp, thủy sản, môi trường, giáo dục, y tế.

Quảng Bình: Chánh văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Giai cho biết, sau khi nước rút, vệ sinh khử khùng giếng nước là công tác ưu tiên hàng đầu để chống dịch bệnh. Ước khoảng 5.000 giếng trên địa bàn bị ngập cần xử lý sạch trước khi dân sử dụng.

Nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng nặng, nhất là huyện Lệ Thủy và các xã ven biển. Hoa màu, lúa má cũng trôi theo nước. Tổng thiệt hại lên đến 1.300 tỷ đồng. Tỉnh đã khuyến cáo người dân là nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó. Các hộ có chăn nuôi gia súc, gia cầm, tập trung đề phòng bệnh dịch xảy ra. Bộ đội, công an, thanh niên xung phong được huy động để hỗ trợ giúp dân tái thiết.

Quảng Nam đã xuất 400 triệu đồng mua phèn để xử lý nước.

Thừa Thiên - Huế: Toàn tỉnh có 22 người thiệt mạng, 1 mất tích và 35 bị thương sau một tháng lũ chồng lũ. 26 ngôi nhà bị sập và 671 căn tốc mái. Hàng nghìn ha sắn và hoa màu cũng ngập trong dòng nước. Hầu hết các tuyến đường trong thành phố Huế và các tuyến giao thông nông thôn bị ngập sâu 0,5-2,2m. Tổng thiệt hại ước tính 1.150 tỷ đồng.

Kiên Cường - Ánh Hồng

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật