Có hiện tượng bán tháo đàn gà mắc bệnh ra thị trường

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện tượng gà chết hàng loạt không chỉ diễn ra ở Long An, Tiền Giang mà cả ngay các tỉnh miền Đông như Đồng nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô nuôi gà số lượng lớn cũng bị nhiễm bệnh chết chiếm tỉ lệ cao
Có hiện tượng bán tháo đàn gà mắc bệnh ra thị trường
Một trại gà ở Bình Chánh - TPHCM. Ảnh: H.Thúy

Tỉ lệ gà chết chiếm từ 50%- 70%

Những hộ nuôi gà bị chết cho biết là họ đều lấy giống gà từ nguồn của Công ty Chăn nuôi CP cung cấp. Kể cả thức ăn chăn nuôi, thuốc men cũng phải mua từ CP. Về kỹ thuật đều phải lệ thuộc vào CP, nếu không, họ sẽ không hỗ trợ khi gặp sự cố. Thông tin từ CP cho thấy họ cũng cho người đi xác minh, bước đầu là gà mắc bệnh Marek, đầu tiên nổ ra ở một số trại gà ở Long An từ giữa năm 2007.

Ông Phi Long, một chủ trại nuôi gà đẻ ở Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết đợt đầu nhập về 5.000 con gà từ nguồn giống CP, đợt 2 (cách đợt trước 2 ngày) nhập tiếp 5.000 con. Số gà đợt đầu nuôi cho đến hiện nay vẫn bình thường, nhưng số gà nhập nuôi đợt 2 đã chết hơn 50%. Biểu hiện của gà mắc bệnh là sau 8 tuần tuổi gà có triệu chứng ủ rũ, nằm một chỗ do chân bị liệt. Ngũ tạng như gan, thận bị sưng, nổi mụn.

Đến 12 tuần tuổi bắt đầu chết lai rai và đến 16 tuần tuổi tỉ lệ chết lên 60% - 70%. Trại nuôi gà của bà Huỳnh Thu Mai, ở Long Khánh, cũng chết gần 3.000/6.000 con gà, cho dù trại nuôi này vừa được xây dựng mới hoàn toàn. Hoặc trại nuôi gà của ông Xiêm ở Chợ Gạo, Tiền Giang nuôi 50.000 con gà, chết lai rai đến nay chỉ còn 20.000 con.

Tại Long An, ngày 24-11, nhiều hộ chăn nuôi gà đẻ ở huyện Châu Thành và thị xã Tân An cho biết, hàng loạt con gà bỏ ăn, co rút sau đó lăn đùng ra chết. Theo ông Lê Văn Mới, ấp 2, xã Bình Tâm, trên đàn gà 800 con của ông đã chết gần 400 con. Còn đàn gà của hộ ông Nguyễn Văn Thanh cũng đã có hàng trăm con chết tương tự như ở Tiền Giang. Khi phát hiện gà chết, nhiều người dân đã mổ bụng thì phát hiện phổi và gan gà bị sưng to. Các hộ này cho biết, gà giống họ đều mua ở Công ty CP.

Các trại có gà bị chết do bệnh trên đều bức xúc: Cho đến thời điểm này họ vẫn chưa được hỗ trợ gì từ phía CP. Phía CP còn đổ thừa việc nhiễm bệnh là do môi trường nuôi không tốt, lây bệnh từ đàn trước sang đàn nhập nuôi sau đó. Theo nhận định từ giới chuyên môn, nếu việc tiêm vắc-xin phòng ngừa Marek được thực hiện tốt khi gà 1 ngày tuổi sẽ không xảy ra tình trạng gà chết hàng loạt như hiện nay. Hoặc việc nhiễm bệnh này có thể do từ nguồn cung cấp giống (giống bố mẹ).

Tuồn gà bệnh ra thị trường

Các trại chăn nuôi gà cho biết họ không thể làm khó dễ gì CP được, vì còn phải lệ thuộc rất nhiều vào CP sau này nếu muốn nuôi tiếp. Cho nên nhiều trại chăn nuôi phải tự cứu lấy mình bằng cách bán tháo đàn gà mắc bệnh ra bên ngoài cho thương lái tiêu thụ nhằm kiếm được đồng nào hay đồng đó.

Nhiều địa phương đang có gà mắc bệnh chết hàng loạt vẫn chưa có biện pháp gì ngăn chặn việc bán tháo đàn gà mắc bệnh ra thị trường hoặc khoanh vùng tiêu hủy. Ông Trần Văn Quang, Chi cục phó Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết gà mắc bệnh Marek nhưng chết hàng loạt do truyền nhiễm cũng được xem là dịch.

Cho nên gà mắc bệnh trên không được phép tiêu thụ ra thị trường mà phải tiêu hủy. Chi cục sẽ tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện gà có triệu chứng mắc bệnh trên sẽ không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để tiêu thụ trên thị trường hoặc xuất hàng ra khỏi địa phương.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục phó Chi cục Thú y TPHCM, cho biết đối với gà mắc bệnh Marek chỉ lây từ gà sang gà, không lây sang người. Tuy nhiên, việc gà mắc bệnh chết hàng loạt cho dù mắc bệnh gì thì cũng rất nguy hại nên chi cục cũng đã cử cán bộ thú y hỗ trợ các địa phương đang có hiện tượng gà mắc bệnh trên để ngăn ngừa việc lây lan.

NGUYỄN HẢI - MINH SƠN

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật