Người Hà Nội nuôi rùa tai đỏ trong đền

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dễ dàng bắt gặp rùa tai đỏ ở hầu hết các ao, hồ trên địa bàn Thủ đô, chúng còn được bày bán tràn lan ở các chợ động vật cảnh, chợ đêm…
Người Hà Nội nuôi rùa tai đỏ trong đền
Rùa tai đỏ chen chúc nhau tại giếng thần của miếu thờ Đức Thánh Cả.

Thời gian gần đây thông tin về Cty CP Nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ nhập về hơn 40 tấn rùa tai đỏ, đã thu hút được sự chú ý của không chỉ giới khoa học, những người hoạt động vì môi trường mà cả người dân.

Mối đe dọa của nó với môi trường tự nhiên là điều hiện hữu. Nhưng hiện nay trên địa bàn Hà Nội, loài rùa này đã có mặt ở rất nhiều các ao hồ, được bán khá phổ biến trên thị trường. 

Rùa tai đỏ lên… thần

Tại giếng của miếu thờ Đức Thánh Đầm (làng Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội), có đến cả trăm cá thể rùa tai đỏ đang trú ngụ. Người dân quan niệm rùa sống trong giếng là “rùa thần”, nên chúng được chăm nuôi và bảo vệ rất cẩn thận.

“Từ khi cha sinh mẹ đẻ, chúng tôi đã được các cụ kể cho nghe về sự tích nơi này, giếng này là nơi cư ngụ của con vua Thủy Tề. Miếu thờ thì rất thiêng, cầu gì được nấy. Vì thế, từ bao đời tôm cá sống trong giếng chúng tôi không bao giờ bắt ăn, cũng không ai dám đến câu trộm…” - cụ Nguyễn Khắc Sáu, tay run run xé từng mẩu bánh mỳ cho rùa và cá trong giếng ăn, vanh vách kể lại những sự tích về giếng thần và ngôi miếu thờ Đức Thánh Đầm. 

Năm nay cụ Sáu tuổi đã ngoài 80, sáng nào cụ cũng đem bánh mỳ ra giếng, rồi xé nhỏ từng miếng cho rùa ăn. Cụ Sáu cho biết thêm, rùa chỉ mới có trong giếng khoảng 5-6 năm trở lại đây. Lúc đầu cũng chỉ vài ba con, nhưng giờ có đến cả trăm con rồi. Vào mùa khô, nước giếng cạn gần hết, chúng chen chúc nhau trèo lên thềm đất nằm phơi nắng.

Tại ao Đình làng Giáp Nhất, hồ Quan Nhân, giếng chùa Quan Nhân (phường Nhân Chính, Thanh Xuân), ao mới (ngõ 110 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy), Hồ Gươm, giếng Thiên quang (Văn Miếu - Quốc Tử Giám)… nơi nào cũng có rùa tai đỏ sinh sống với số lượng lớn.

Khi chúng tôi đưa ảnh chụp rùa tại giếng của miếu thờ Đức Thánh Đầm, và nhiều ao hồ khác trên địa bàn Hà Nội cho PGS.TS Lê Xuân Cảnh, viện trưởng viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, ông đều khẳng định đó là rùa tai đỏ.

Theo những người dân sống quanh khu vực các hồ trên, rùa chỉ xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây, và ngày một nhiều. Có những ao hồ nước rất bẩn, cá chết nổi lềnh phềnh, nhưng rùa vẫn sống khỏe mạnh. Thậm chí, rùa ở đấy còn rỉa xác cá để làm thức ăn.

Giếng thần của miếu thờ Đức Thánh Cả có đến cả trăm cá thể rùa tai đỏ.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều cửa hàng bán rùa tai đỏ, phục vụ nhu cầu nuôi rùa cảnh, và phóng sinh. Như trên đường Hoàng Hoa Thám, chợ đêm Phùng Khoang, chợ đêm dịch Vọng… với giá dao động từ 20 đến 50 ngàn đồng/con, tùy kích cỡ. 

Tại chợ đêm Phùng Khoang, bày bán khá nhiều rùa tai đỏ, với đủ kích cỡ. Con nhỏ nhất dài khoảng 2cm, có giá 20 ngàn đồng/con. Những con to hơn cỡ bàn tay người lớn có giá 50 ngàn đồng/con.

Tự giải phóng mình

Mới đây nhất, tại Thái Bình, người dân đã bắt được 3 cá thể rùa tai đỏ tại một ngôi đền nằm cạnh bờ sông Hồng. Đây có thể xem là “dấu hiệu” cho thấy rùa tai đỏ đã bắt đầu thoát ra môi trường tự nhiên.

Cụ  Nguyễn Khắc Sáu (áo xanh ngoài cùng) đang xé bánh mỳ  cho rùa ăn.

Sẽ dễ lý giải hơn, khi chúng ta biết rằng, hiện nay không riêng gì Hà Nội, mà tại rất nhiều tỉnh thành khác, rùa tai đỏ cũng khá phổ biến. Rùa tai đỏ đã được người dân mua nuôi, hoặc phóng sinh xuống sông, hồ.

Đặc biệt tại Hà Nội, mỗi khi có mưa lớn gây ngập úng, mực nước các ao, hồ dâng cao ngang bằng với nước các con sông, dòng kênh, mương… Đây là cơ hội thuận lợi “một năm có vài lần”, để rùa tai đỏ thoát ra môi trường tự nhiên.

Một chú  rùa tai đỏ thư thái nằm sưởi nắng trên lá sen tại hồ Quan Nhân.

Theo PGS.TS Lê Xuân Cảnh, viện trưởng viện sinh thái và tài nguyên sinh vật: Rùa tai đỏ xuất hiện tại Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây, và ngày càng phổ biến. viện cũng đã có nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu về chúng, và đã đưa ra những cảnh báo về mức độ nguy hại của loài này.

Rùa tai đỏ nhỏ được bày bán trên phố Hoàng Hoa Thám.

Đồng thời, viện cũng nhiều lần đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước nên có hành động sớm, hạn chế, thậm chí là cấm nhập khẩu loài này. Để tránh lặp lại những sai lầm như ốc bươu vàng, bèo tây, cây mai dương...

Rùa tai đỏ (tên khoa học là Trachemys scripta elegans), xuất xứ từ thung lũng Mississippi - Bắc Mỹ. Có tuổi thọ khoảng 60 -70 năm. 

Rùa tai đỏ là một loài động vật hung dữ, và nguy hại với môi trường tự nhiên. Chúng ăn cả thực vật và động vật, với sức gây hại lớn hơn ốc bươu vàng, bởi chúng to hơn và sống lâu hơn. Ngoài ra, chúng có thể lây truyền vi khuẩn Salmonella - gây tiêu chảy và thương hàn cho người, nhất là những người sống ở vùng sông nước.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loài này đứng đầu trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế  giới. Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học - Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng liệt kê rùa tai đỏ nằm trong danh sách “bắt buộc kiểm soát”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật