Điêu đứng vì cây chè hóa... củi

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn hai tháng nay, người trồng chè huyện Anh Sơn (Nghệ An) nhìn chè chết dần chết mòn mà quặn lòng. Với họ, không có cây chè đồng nghĩa với không có cơm ăn.
Điêu đứng vì cây chè hóa... củi
Diện tích chè của chị Nguyễn Thị Quế đã cháy khô hơn một nửa

Chị Nguyễn Thị Quế, xóm 15, xã Phúc Sơn (Anh Sơn), rầu rĩ nhìn những hàng chè non tơ đang úa vàng dần, cháy lá. “Nhà tôi làm gần 1ha chè cho thu hoạch đã gần 10 năm nay, bây giờ chết gần hết rồi. Lá chè đã cháy khô. Chưa khi nào thời tiết lại khắc nghiệt đến thế, chưa năm nào thấy mùa hạn hán khủng khiếp như năm nay...” - chị Quế nói mà như khóc.

Gia đình chị Quế có 4 người con đang tuổi ăn học. Toàn bộ tiền ăn, tiền học, tiền sinh hoạt hàng ngày của 6 người trong nhà nhờ cả vào những sào chè. Vậy mà năm nay, nguy cơ mất trắng mùa chè là 99%.

“Cả gia đình tôi sống nhờ vào 4 sào chè. Năm nay hạn hán khủng khiếp quá chè chết đằng chè, mất mùa là dĩ nhiên rồi. May mà còn cái gốc làm củi. Lần đầu tiên phải cay đắng nhìn chè chết mà bất lực. Ngoài đồng, ruộng cũng bỏ đằng ruộng. Chết đói mất thôi chú ơi!”, bà Nguyễn Thị Cới ở xóm 15, xã Phúc Sơn, than thở.

 Những sào chè chết cháy

Tại các xã Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn,... hàng trăm ha chè chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch cũng đã khô cháy. Người trồng chè ai cũng hốc hác, thất thần. Hơn hai tháng nay họ mong chờ một trận mưa.

Báo cáo từ Phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, toàn huyện có gần 2.000ha chè công nghiệp có tuổi thọ gần 10 năm, cho thu nhập thường xuyên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn huyện có hơn 100ha chè trồng mới năm 2009 đã chết; hàng trăm ha chè lâu năm chung cảnh tương tự.

Chè chết, các xí nghiệp tiêu thụ chè trên địa bàn huyện Anh Sơn cũng điêu đứng. Ông Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng phòng kế hoạch Xí nghiệp chè Bãi Phủ - cho biết: Hiện xí nghiệp đang quản lý khoảng 635ha chè của một số xã thuộc hai huyện Anh Sơn và Con Cuông. Tuy nhiên đến thời điểm này do ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn cộng với gió Lào, hơn một nửa diện tích chè đã chết. 6 tháng đầu năm 2010, xí nghiệp mới thu mua được 28% sản lượng chè theo kế hoạch (so với năm 2009 là 70%). Tháng 7 vừa rồi hoàn toàn không có chè để thu mua.

Nhiều diện tích chè đã bị chặt làm... củi

Cùng chung cảnh ngộ là Xí nghiệp chè Anh Sơn. Ông Cao Văn Hiệp - Giám đốc xí nghiệp - cho biết, so với năm 2009, năm 2010 Anh Sơn mất hàng ngàn tấn chè, theo đó chè xuất khẩu cũng giảm đi phần nửa. 

Trao đổi với PVPV, bà Võ Thị Hồng Lam - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn - cho biết: “Đúng là chưa có khi nào chè lại chết nhiều như năm nay, hạn hán nặng quá. Huyện chúng tôi là vựa chè của cả tỉnh Nghệ An nên thiệt hại về chè là thiệt hại về kinh tế, bà con cũng điêu đứng. Tôi đã giao cho Phòng Nông nghiệp huyện thống kê số diện tích chè bị chết để có phương án kịp thời hỗ trợ cho nông dân”.

Cũng theo bà Lam, đối với diện tích chè đã chết huyện sẽ hỗ trợ 100% giống mới. Huyện Anh Sơn cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và Trung ương hỗ trợ thêm cho bà con nông dân.

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật