Rùa tai đỏ đẩy cụ Rùa Hồ Gươm tới bờ tuyệt chủng

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện Hồ Gươm chỉ còn duy nhất 1 cá thể rùa Hồ Gươm. Tuổi thọ của cá thể rùa này được cho là đã quá già nên khả năng tìm được con cùng loài để giao phối là gần như vô vọng. Những thông tin về sự xâm lấn của rùa tai đỏ tại Hồ Gươm càng làm các chuyện gia lo ngại, cụ Rùa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Rùa tai đỏ đẩy cụ Rùa Hồ Gươm tới bờ tuyệt chủng
Thói quen phóng sinh rùa tai đỏ đang đe dọa môi trường sống của rùa Hồ Gươm.

50-70 năm nữa, rùa tai đỏ phá hỏng Hồ Gươm

PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, rùa tai đỏ có phổ thức ăn rất rộng. Chúng có thể ăn bất kể thứ gì có ở nơi chúng sinh sống, từ các loài thực vật như: tảo, bèo tấm… cho đến động vật như: nòng nọc, cá nhỏ, côn trùng, giáp xác hai chân, và các loại thân mềm…

Chỉ dăm bảy chục năm nữa, loài rùa này có thể ăn hết tảo và làm mất màu xanh của Hồ Gươm, cũng như cạnh tranh khốc liệt thức ăn với rùa Hồ Gươm trong bối cảnh mực nước hồ tiếp tục cạn và nguồn thức ăn của các loài động vật sinh sống tại đây bị thu hẹp.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Hà, cán bộ Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á cho biết, cá thể rùa Đồng Mô vẫn đang được tiếp tục theo dõi, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa tìm thêm được cá thể khác để có thể tiến hành sinh sản. Hiện, tuổi của cụ Rùa Hồ Gươm cũng chưa được xác định rõ, nên không biết đã quá tuổi sinh sản chưa. Ở các loài rùa thông thường, ở độ tuổi từ 7-8 hoặc 10-11 là chúng bắt đầu có khả năng sinh sản, và chúng hết khả năng sinh sản khi đã quá già.

Hiện, loài rùa nhiều tuổi nhất ghi nhận được trên thế giới có tuổi thọ 175 tuổi. Theo nhận định của các chuyên gia, rùa Hồ Gươm có tuổi thọ trên dưới 100 tuổi.

Theo ông Tim McCormack, rùa cần có nước sâu, nhiệt độ đủ mát và đặc biệt là có bãi cát để sinh sản. Hồ Hoàn Kiếm đang thiếu cả mấy điều kiện này. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm Hồ Hoàn Kiếm cũng đang đặt cá thể rùa Hồ Gươm trước mối đe dọa lớn. Như chúng ta đã biết, chỉ có 4 cá thể rùa Hồ Gươm được phát hiện trên toàn thế giới.

Việc nhân nuôi sinh sản rùa gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ sống sót của trứng rùa là rất nhỏ. Người ta đã từng cho ghép đôi 2 cá thể rùa ở Trung Quốc. Trong 3 năm cho ra 300 quả trứng nhưng cho đến nay vẫn chưa có quả trứng nào nở được thành con. Nguyên nhân được cho là do 2 cá thể rùa này sống trong vườn thú quá lâu, không được tiếp cận với môi trường thiên nhiên hoang dã nên chất lượng trứng bị kém.

Vẫn nỗ lực tìm bạn đời cho cụ Rùa

Dù là loài rùa mai mềm kích thước lớn, mỗi lần đẻ có thể lên tới vài trăm trứng, song việc tìm kiếm cá thể rùa Hồ Gươm khác để có thể tiến hành nhân nuôi sinh sản là rất khó. Ông Hoàng Văn Hà cho biết, các cán bộ của Chương trình bảo tồn rùa Châu Á vẫn đang ngày đêm lặn lội để đi tìm những cá thể rùa Hồ Gươm khác còn sót lại.

Về lý thuyết, loài rùa này được phân bố ở lưu vực những sông lớn của Miền Bắc Việt Nam. Bắt đầu từ Nghệ An trở ra.  Nhóm các nhà khoa học đã thực hiện tìm kiếm ở Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái và sắp tới là Thanh Hóa. Đến nay, dấu tích của rùa Hồ Gươm vẫn mù mịt.

Cụ Rùa bị dính lưỡi câu chùm. Ảnh TP

Một thông tin hé lộ trong quá trình tìm kiếm là ở đầm Minh Quân (Yên Bái), được phát hiện là đầm sâu, có nhiều ngóc ngách và người dân ở đây thỉnh thoảng có nhìn thấy rùa. Có thể ở đây có rùa, nhưng loài gì, số lượng bao nhiêu con… thì cần phải nghiên cứu tiếp.

“Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm các cá thể rùa Hoàn Kiếm khác để ghép đôi, rồi tạo bãi cát cho chúng đẻ trứng. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Dù sao chúng tôi vẫn sẽ tìm đến khi nào có bằng chứng biết rõ không còn cá thể nào nữa mới thôi”, ông Tim McCorma nói.

Ông Tim McCormack, điều phối viên chương trình bảo tồn Rùa Châu Á cho biết, rùa tai đỏ nằm trong danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Rùa tai đỏ là loài rùa sống nửa nước nửa cạn. Chúng thường lên bờ để phơi nắng và ăn thức ăn dưới nước.

Rùa tai đỏ có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thường được buôn bán với số lượng lớn dùng để làm sinh vật cảnh vì chúng có màu sắc rất đẹp và khả năng thích nghi cao. Chúng có thể sống ở mọi môi trường, thời tiết, thổ nhưỡng khác nhau. Vì thế, những vụ buôn bán loài rùa này thường lên đến vài nghìn con. Việt Nam cũng là một trong những nơi nhập khẩu và trung chuyển rùa tai đỏ với số lượng lớn.

Rùa tai đỏ sống ở những con sông, kênh rạch có bùn lầy để ăn sinh vật trong đó và sinh sản. Mức độ sinh sản của chúng rất lớn, chỉ trong vòng một vài tháng, chúng đã có thể nhân nuôi từ một vài con thành một quần thể. Vì không phải là loài rùa bản địa nhưng lại dễ dàng thích nghi với điều kiện sống ở Việt Nam cho nên chúng được phân bố không tập trung ở một vùng nào. Thói quen phóng sinh rùa tai đỏ khi chúng già hoặc không còn màu sắc đẹp nữa, đang đe dọa môi trường sống của rùa Hồ Gươm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật