Chút ký ức về những nữ doanh nhân thành đạt xưa

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một vài ký ức về nữ doanh nhân thời xưa, những bà chủ tơ lụa của Hà Nội mà theo tác giả, nếu không còn ai viết nữa thì rất có thể, đến khi những người cuối cùng trong số những người muôn năm cũ ấy ra đi, hậu sinh sẽ chẳng còn lại chút gì về họ thật sự là ai - bài viết của nhà văn Phạm Hoàng Hải gửi Bee nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Chút ký ức về những nữ doanh nhân thành đạt xưa
Phố Hàng Đào xưa chuyên buôn bán tơ lụa. Ảnh VOV

Ấy là vào những năm đầu của chiến dịch Điện Biên trên không. Hà Nội hối hả đào hầm tránh bom, đưa trẻ nhỏ sơ tán về các miền quê. Phố xá vắng dần, để lại những dãy cửa hàng đã lên cánh gỗ kín mít, những cửa sắt kéo có vòng dây xích quấn quanh.

Tôi ngồi bên bậu cửa, cạnh bà cụ ngoại, chờ người ở quê ra đưa cụ về.

Cụ vẫn cặm cụi ngồi khâu đi vá lại mấy chiếc quần áo cũ của mình. Khâu hết rồi thì lại tháo ra khâu lại. Bởi vì lũ cháu bây giờ, chẳng đứa nào chịu đưa quần áo cho cụ may vá. Mà cụ thì từ ngày còn nhỏ cho đến lúc về già, không quen ngơi chân nghỉ tay, cụ luôn phải có một việc gì đó để làm, để bận chân tay. Trừ những lúc niệm Phật, tay lần tràng hạt miệng tụng Nam mô.

Bà chủ tơ lụa ngừng tay làm là ốm

Ngày ngày cụ ngồi bậu cửa, vừa khâu vá vừa thấy ai đi qua thì nhờ xâu kim xâu chỉ. Mắt kém quá rồi, khâu lăng khâu nhăng thì được, chứ còn xâu chỉ luồn kim thì là phải nhờ. Xâu vào hộ ba bốn cái kim để sẵn bên mình, cụ còn phải khâu đến suốt cả ngày. Mẹ tôi bảo rằng, cái tính hay lam hay làm, tham công tiếc việc đã thấm vào máu vào xương cụ rồi. Ngừng tay là ốm.

Ngày trẻ cụ làm ruộng, cấy hái, sàng sẩy giỏi lắm. Mua thóc trong làng về sàng sẩy, xay giã mang ra chợ huyện, bán cho lái thương. Rồi mua tằm kén, rồi bán tơ sợi. Một tay cụ nuôi đủ cả một ông chồng giáo làng hay chữ chỉ thích vuốt râu uống rượu làm thơ và một đàn con nhỏ lít chít bảy đứa chỉ biết ăn khỏe như tằm ăn rỗi.

Thế rồi một năm thóc cao gạo kém, tơ tằm ế ẩm. Thương lũ dân làng đói rát cả mặt, cụ lên Hà Nội tìm đến các mối lái thương quen biết. Vay được ít tiền, cụ về chia cho dân làng đong gạo cứu đói, hẹn trả bằng thóc bằng tơ của mãi vụ sau.

Ai ngờ năm sau, được mùa ngút ngát, gạo với tơ lại được giá cao vì mấy người Tầu mua hết để mà xuất khẩu. Thế là cụ bỗng giàu to. Cụ lên Hà Nội mua liền mấy căn ở phố Hàng Gai, Hàng Đào, chuyên chỉ buôn bán tơ tằm từ quê lên phố.

Cửa hàng Đức Lợi vẫn tiếp tục buôn bán nghề cũ. Ảnh Trần Hải.

Biết cụ phúc hậu, cả huyện bảo nhau gánh tơ lên bán. Người Tầu quý cụ vì biết giữ tín, cất hàng đều đều, thiếu thì cho nợ, chẳng nề hà chi. Thế là chỉ ít năm trời cụ tậu được đến hơn mười ngôi nhà dọc phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào.

Con cái, cụ cho mỗi đứa một ngôi. Đến bà mẹ tôi là hàng cháu ngoại cũng được cụ cho chung hai chị em một ngôi nhà khá rộng ở phố Hàng Bông.

Thật ra thì tôi chỉ nghe lõm bõm chuyện cụ tự lọt vào tai, khi mẹ với bà và các cô dì nhắc tới. Mà chuyện này khi xưa chẳng mấy ai thích nhắc lại. Đó là thời đang có cải tạo tư sản, quy kết địa chủ. Sau đó lại đến chiến tranh bom đạn trên đầu. Người ta phải cố mà quên đi chuyện cũ, để còn lo sống cho được đến ngày hòa bình.

Góp tiền xây nghĩa trang an nghỉ cho những người chết đói 1945


Rồi có một lần, trên đường sơ tán, tình cờ tôi gặp lại một người quen. Trong đoàn nông dân xếp hàng theo chân nhau uể oải ra ruộng hợp tác, vồ đập đất vác trên vai, có một bà chạy lại phía tôi. Vứt vồ ra đất, hai tay bà nắm chặt tay tôi mà lắc lấy lắc để. Thì ra ngày trước mẹ bà vẫn thường dắt bà, đội thúng tơ tằm của nhà lên phố bán cho cụ tôi.

Nhắc lại chuyện ngày xưa, bà cứ tấm tắc nhắc đến cụ Giáo Hàng Gai, một người phúc hậu mà bố mẹ bà vẫn còn nhớ mãi trong lòng. Những năm thất bát, cụ thường cho nợ, nhiều quá thì giữ văn tự ruộng đất làm tin, còn đâu nhà bà vẫn cứ cấy hái, vẫn ăn gạo thóc ruộng ấy. Khi nào có tơ có sợi thì mang lên mà chuộc giấy về. Cụ chẳng có lấy một đồng một chữ nào cả. Thi thoảng đến ngày lễ tết, bố bà mang đôi gà béo hay mấy yến gạo ngon từ quê lên biếu, thế là cụ còn giữ lại cho ăn cơm nước tử tế, y như con cháu trong nhà.

Bà ta còn dặn, khi nào rảnh rỗi hãy ra đầu làng mà thăm nghĩa trang Hợp Thiện. Ngày còn khỏe, cụ góp nhiều tiền của lắm, cúng vào cho hội Hợp Thiện mua đất lập nên cái nghĩa trang này để mà chôn cất những người chết đói vào năm Ất Dậu 1945.

Việc này làm tôi nhớ lại hồi nhỏ, thường được theo cụ đi chùa. Các cụ tụng kinh còn tôi tìm oản tìm xôi mà chén. Nhớ nhất là được trèo lên cái núi đá con con trước cửa chùa Tầu, nay vẫn còn thấy ở đầu phố Ngô Sĩ Liên bây giờ. Phía sau hậu cung có cái quan tài gọi là cỗ hậu sự mà cụ đã gửi nhà chùa phòng lúc ra đi.

Khi tôi đủ lớn để nhớ mọi chuyện thì tôi chỉ thấy cụ tôi chăm chỉ tụng kinh niệm Phật, tay lần tràng hạt, và rất hay kể chuyện cổ tích cho lũ cháu chắt lít nhít vây quanh. Tôi đâu có biết cụ vốn đã là một nữ doanh nhân thành đạt, nói theo kiểu cách bây giờ.

Cai quản buôn bán để chồng uống rượu ngâm thơ

Mà cũng thật lạ, nếu ai đã sống ở trên phố hồi ấy thì đều thấy rằng, nhà nào cũng vậy, cửa hàng cửa họ, buôn bán tiền nong toàn là do các cụ bà đảm đương cầm chị‌ּch. Cứ như những nhà tôi nhớ thì từ cụ bà Đức Lợi nhà tôi, cụ bà Cát Long, Vĩnh Long, Vạn Hoa, Vĩnh Lợi Hàng Gai cho đến các nhà Đức Sinh, Đức Nguyên Hàng Đào, vân vân … đều là do các cụ bà cai quản hết cả. Còn các cụ ông, thường là ngồi im, chơi cây trồng hoa, sưu tập đồ cổ, uống rượu ngâm thơ và còn làm gì cho nó hết ngày thì tôi còn bé cũng không để ý.

Cũng thật là lạ, nếu ai đã sống trên phố hồi ấy thì đều thấy rằng, buôn bán giàu có là vậy, mà sao không thấy các cụ chao chát, mắng chửi, không thấy chạy ngược chạy xuôi, khinh người, khoe của ào ào như các con các cháu bây giờ.

Không biết rồi ra có ai để tâm mà viết ra giấy về một thế giới êm ả, thanh lịch và đầy nhân hậu của những người Hà Nội như các cụ các bà mà tôi còn chút ký ức lờ mờ này nữa hay không. Chính họ đã rất vô tư dồn vàng bạc tiền của ra để góp phần nuôi kháng chiến trường kỳ đến ngày thắng lợi, đã tự nguyện đốt nhà của mình cho Hà Nội cháy khói lửa ngút trời khi Vệ quốc quân rút khỏi thành phố, đã xẻ nhà xẻ cửa để đón bộ đội và cán bộ từ vùng kháng chiến trở về tiếp quản Thủ đô.

Nếu không có ai viết nữa, thì rất có thể, đến khi những người cuối cùng trong số những người muôn năm cũ ấy ra đi, hậu sinh sẽ chẳng còn lại chút gì về họ thật sự là ai.

Và rồi sau này các nhà văn trẻ sẽ phải bịa đặt, phải sáng tác về họ theo cái chủ quan ngòi bút của mình bằng cách dựa vào hình ảnh của các “doanh nhân thành đạt” thời nay. Để rồi nhiều khi vì quá vô tình và vô chứng cớ, mà sẽ đắc tội với biết bao nhiêu người đang đành ngậm cười ở nơi chín suối.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật