“Bội thực” khu công nghiệp ở Đồng Nai: Lãng phí lớn từ hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Toàn tỉnh Đồng Nai có 29 khu công nghiệp (KCN) thì ba KCN với diện tích gần 500ha đất đang bị bỏ hoang hoàn toàn, sáu KCN (hơn 1.000ha) hoạt động theo kiểu ”nhỏ giọt”. Nhiều năm qua chủ đầu tư phải ”khóc ròng” vì không thể thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Điều lấy làm lạ là tỉnh Đồng Nai lại điều chỉnh, mở rộng cho năm KCN đang hoang hóa với tổng diện tích 584ha và xây dựng thêm năm KCN mới...
“Bội thực” khu công nghiệp ở Đồng Nai: Lãng phí lớn từ hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang
Phá cao su đang trong thời kỳ thu hoạch để thành lập KCN Long Khánh

MỞ KCN ĐỂ... VỖ BÉO CHO BÒ!
Vượt qua hàng chục km đường gập ghềnh, trơn trượt, chúng tôi nhìn thấy tấm bảng quy hoạch chi tiết và con đường lớn dẫn vào KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) khá hoành tráng. Đi được chừng 100m, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì trước mắt là hàng trăm ngàn mét vuông đất thuộc KCN đã được giải tỏa trắng đang là những cánh đồng cỏ bạt ngàn. Người dân xung quanh dắt bò vào thả rong để cho... cỏ bớt mọc! Ông Võ Văn Lành - hộ dân có đất bị giải tỏa - ngồi trên mỏm đất cao nhìn xuống KCN bằng ánh mắt buồn, giọng tiếc nuối: “Cả đời chúng tôi gắn liền với mảnh đất này, bỗng dưng nhà nước quy hoạch lấy đất, đốn sạch cây trồng, đến giờ vẫn bỏ hoang. Tiếc quá mà không làm sao được”. KCN Tân Phú có diện tích gần 50ha, đã đi vào hoạt động từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào thuê đất mở trụ sở. Cơ sở hạ tầng như đường xá, cống thoát nước... cũng xuống cấp theo thời gian.

Cách KCN Tân Phú không xa là KCN Định Quán (xã La Ngà, huyện Định Quán), diện tích 54ha. Theo thông báo của Ban Quản lý KCN Định Quán đã có 14 doanh nghiệp đăng ký thuê với hơn 21ha (chiếm gần 50%). Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện KCN này chỉ có sáu doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó hai doanh nghiệp sẵn có trong quy hoạch từ trước) còn lại tám doanh nghiệp đã đăng ký nhưng đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi mặc dù họ được tỉnh Đồng Nai miễn 100% thuế đất trong năm năm đầu đăng ký hoạt động. Như vậy, KCN Định Quán thực chất mới chỉ thu hút đầu tư được bốn doanh nghiệp.

Nằm dọc Quốc lộ 1A, KCN Xuân Lộc (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) có diện tích 109,43ha do Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi làm chủ đầu tư. Cũng đưa vào hoạt động từ năm năm trước nhưng đến nay, KCN Xuân Lộc vẫn là cánh đồng cỏ vì chỉ có ba doanh nghiệp vào thuê đất, trong đó duy nhất có Công ty TNHH Dona (diện tích 28ha) là hoạt động thực sự, hai doanh nghiệp kia chỉ thuê chừng vài trăm mét vuông để làm kho trung chuyển hàng hóa. Ngoài KCN này bị lãng phí, huyện Xuân Lộc còn là “chủ sở hữu” của hai cụm công nghiệp: Suối Cát và Xuân Hưng với tổng diện tích 40ha cũng đang trong tình hình “cật lực” kêu gọi đầu tư nhưng không có kết quả. Không chỉ “mướt mồ hôi” mời gọi từ các tỉnh thành lân cận, lãnh đạo địa phương còn phối hợp với chủ đầu tư động viên các doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn chuyển hẳn cơ sở sản xuất vào trong KCN nhưng đều bất lực. Bà Phí Thị Hợi - Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Xuân Lộc cho biết, trước đây cũng nhiều doanh nghiệp đến tham khảo các ưu đãi của KCN nhưng đều “một đi không trở lại”.

NÔNG DÂN THIỆT THÒI
Với khuôn mặt khắc khổ, bà Nguyễn Kim Hoa (52 tuổi, sống cạnh KCN Tân Phú) bức xúc: “KCN bắt đầu giải tỏa, áp giá đền bù từ năm 2003 là 6.500 đồng/m2 nhưng đến hai năm sau người dân mới nhận được tiền, không bố trí tái định cư. Lúc ấy, giá đất gần khu vực đó khoảng 40.000 đồng/m2 nên có vét hết của cải cũng chỉ mua được một miếng đất cất nhà. Không có đất canh tác, gia đình tôi đành phải chịu cảnh thất nghiệp”. Chị Trần Thị Yến (21 tuổi, ngụ thị trấn Gia Ray) kể: “Năm 2004, hình thành KCN Xuân Lộc, gia đình tôi bị giải tỏa gần 2ha đất đang canh tác với giá đền bù 4.000 đồng/m2. Thời điểm này giá đất gần đó tăng cao, tiền đền bù không đủ mua đất làm vườn nên cha mẹ tôi phải chuyển sang Bình Thuận thuê đất trồng củ mì kiếm tiền gởi về nuôi bốn chị em ăn học”... Khi KCN hình thành, chính quyền địa phương hứa sẽ ưu tiên cho người dân sở tại làm việc trong KCN nhưng gần năm năm trôi qua, họ vẫn phải ngày đêm sống cùng điệp khúc “chờ” vì chẳng mấy doanh nghiệp hoạt động. “Một ha đất trước đây tôi trồng nhãn, chỉ tính tiền thu hoạch mỗi năm cũng cả trăm triệu. Thế mà nhà nước thu hồi đã nhiều năm nay lại bỏ hoang hóa, uổng quá”- một hộ dân xót xa nói.

KCN hoang hóa còn là nỗi khiếp sợ của nhiều người dân xung quanh vì đất đai rộng, cây cỏ um tùm, lực lượng bảo vệ mỏng nên vô hình trung trở thành nơi tụ tập của đám thanh niên thất nghiệp, hư hỏng. Nhiều người dân phản ánh, bất kể ngày hay đêm, con nghiện khắp nơi tụ về hút chích ma túy công khai, vứt kim tiêm khắp nơi nên mọi người phải giữ trẻ con trong nhà không dám cho chạy nhảy lung tung nữa.

TỰ LÀM KHÓ MÌNH
Khi các KCN miền núi hình thành, tỉnh Đồng Nai đưa ra một số ưu đãi nhất định cho nhà đầu tư nhưng số doanh nghiệp đến tìm hiểu rồi quay lại hợp tác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lãnh đạo các địa phương nhận định, một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư “ngại” vào các KCN miền núi là do vị trí địa lý quá xa các thành phố, sân bay, cảng... Cả ba KCN Tân Phú, Định Quán và Xuân Lộc đều cách TP.Hồ Chí Minh hơn 100km, nên việc vận chuyển nguyên liệu từ nơi khác đến chỗ sản xuất hay mang sản phẩm đi tiêu thụ đều gặp nhiều khó khăn, tốn kém hơn so với các KCN khác ở Đồng Nai. Bên cạnh đó, nguồn lao động tại địa phương không thể đáp ứng hết nhu cầu nhà tuyển dụng vì trình độ dân cư không đồng đều, thiếu lực lượng lao động kỹ thuật cao cũng là nguyên nhân không thu hút được nhà đầu tư. Đặc biệt, hệ thống giao thông hiện hữu kết nối với các KCN xuống cấp nghiêm trọng, thật sự là một trở ngại lớn. Tại KCN Tân Phú, khi đến tìm hiểu, các nhà đầu tư ngần ngại trước tình trạng Quốc lộ 20 đã hẹp, xuống cấp trầm trọng, lại có thêm một trạm thu phí ở đoạn giáp ranh hai huyện Định Quán - Tân Phú. Nếu trú đóng tại KCN này, khi vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm, doanh nghiệp phải chịu thêm một khoản tiền liên tục, hàng ngày. Ông Đỗ Khắc Giáp - Chánh văn phòng UBND huyện Tân Phú - cho biết, các ban ngành địa phương đã nhiều lần kiến nghị dời trạm thu phí đến địa điểm giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín. Ngoài ra, theo lãnh đạo một doanh nghiệp, sở dĩ họ không vào KCN vì nhiều nơi chưa có hệ thống xử lý nước thải, như vậy hoạt động trong KCN hay bên ngoài cũng chẳng khác gì nhau. Hơn nữa, các KCN miền núi ra đời nhằm giải quyết nguồn nguyên, vật liệu tại địa phương mà mỗi nơi có đặc thù cây trồng riêng nên nguồn cung cũng không phong phú, dẫn đến khó thu hút đầu tư. Vì vậy, hai hoặc ba huyện chỉ cần có một KCN cũng đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Còn nhiều KCN như hiện nay là quá thừa, gây lãng phí lớn mà người chịu thiệt thòi chính là nông dân.

Cho ba doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất, diện tích còn lại đang để... cho bò

CHẤN CHỈNH BẰNG CÁCH... MỞ RỘNG?
Trong khi hàng triệu mét vuông đất của các KCN hình thành từ năm 2005 vẫn bị bỏ hoang thì đến năm 2008, tỉnh Đồng Nai lại quy hoạch xây dựng thêm ba KCN nữa. Tháng 5-2008, KCN Long Khánh được hình thành trên nền của 264ha cao su đang trong giai đoạn thu hoạch, cao su đã bị đốn nhưng diện tích đất cho thuê vẫn là 0%. Cùng cảnh ngộ là 860ha đất trồng cao su biến thành hai KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom) và Dầu Giây (huyện Thống Nhất), hiện chưa được giải tỏa trắng vì vướng sự phản đối kịch liệt của những hộ dân thuộc diện giải tỏa. Thế là số cao su còn lại trong KCN Dầu Giây vẫn được khai thác lấy mủ cho đỡ... lãng phí! Cùng với quy hoạch mới, sáu KCN nằm trong “diện hoang hóa” lại còn mở rộng thêm hàng trăm ha.

Trao đổi với chúng tôi vào ngày 1-10-2009, ông Trần Mạnh Văn - Phó trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai - cho rằng việc phê chuẩn, mở rộng diện tích sáu KCN là hợp lý, vì theo ông: phải “gối đầu” đất trước để không rơi vào “bí” diện tích về sau. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì lý giải của ông Văn là chưa thuyết phục. Bởi lẽ, theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP, tổng diện tích đất công nghiệp của KCN đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất là 60% thì mới được điều chỉnh, mở rộng. Trong khi đó 5/6 KCN được phê duyệt điều chỉnh mở rộng (đến năm 2015) đang trong tình trạng bỏ hoang diện tích hiện hữu, thậm chí là chưa có doanh nghiệp nào thuê đất. Điển hình như KCN Xuân Lộc được đề xuất mở rộng thêm 200ha trong khi diện tích đất cho thuê chưa đạt 30%; KCN Long Đức điều chỉnh mở rộng thêm 130ha nhưng hiện nay diện tích cho thuê là... 0%!

Chưa hết, định hướng đến năm 2015, tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển mới thêm năm KCN với tổng diện tích gần 1.500ha. Trước thực trạng lãng phí đất đai như hiện nay mà lại chủ trương mở rộng diện tích KCN cũ, hình thành nhiều KCN mới, có phải đây là để “xí đất”, chủ trương đúng hay sai, có hợp lòng dân hay không, là câu hỏi lớn dư luận đang chờ các cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật