Thuê thám tử... rình osin

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có một người, tuy không họ hàng thân thích, không máu mủ ruột rà nhưng ta có thể yên tâm giao phó mọi thứ trong gia đình. Đó là người giúp việc.
Thuê thám tử... rình osin
Ảnh minh họa
Tưởng như đã có thể giao cả cơ ngơi nhà cửa, tay hòm chìa khóa, việc bếp núc gia đình, và cả việc chăm sóc con cái thì người ta hẳn phải tin tưởng nhau đến thế nào. Ấy nhưng, những việc tưởng lạ lùng như thuê osin chăm sóc con cái, rồi sau đó lại thuê thám tử... rình lại osin xem họ chăm con mình thế nào vẫn cứ xảy ra trong cuộc sống hiện đại này.

Ông bà chủ đích thân làm... thám tử

Đột nhiên một buổi, chị Vân hàng xóm chạy sang nhà tôi thì thầm to nhỏ: “Này em ơi, em có biết cái camera nhỏ đặt trong nhà thì bao nhiêu tiền không?”. Ngớ người, tôi nói: “Chị mua mấy loại máy đó để làm gì, định theo dõi ai ở trong nhà hả?”. Chẳng ngờ chị Vân gật đầu cái rụp: “Ừ, chị định mua cái camera đó để theo dõi con Dinh (cô bé giúp việc) ý mà. Dạo này thấy nó cứ lạ lạ, chị không yên tâm khi để cu Bi ở nhà một mình với nó”.

Dinh là cô bé giúp việc mới của nhà chị Vân. Trước đây, giúp việc cho nhà chị là một cô cháu họ về phía bên nội nhà chị nhưng cách đây khoảng bốn, năm tháng, cô gái đó đã về quê lấy chồng. Hai vợ chồng chị Vân đều là viên chức nhà nước, ông bà nội ngoại lại già cả không có người giúp đỡ việc chăm sóc cậu con trai thứ hai mới hơn một tuổi nên cực chẳng đã anh chị phải đi tìm người giúp việc qua trung tâm môi giới. Cô bé Dinh về nhà chị làm việc trong hoàn cảnh như vậy.

Cô bé này mới 21 tuổi, nhanh nhẹn, thạo việc nhưng rất láu lỉnh và có vẻ đáo để. Mới ngày đầu đến nhà chị Vân thử việc, Dinh đã liệt kê ra một danh sách những công việc mình sẽ làm trong ngày bao gồm: chăm sóc em bé, lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo và nấu nướng. Nếu cô bé có thể hoàn thành tốt những việc đó thì đã quá yên tâm rồi nên chị Vân không suy nghĩ nhiều mà đồng ý ngay. Đúng là mọi việc Dinh làm rất tốt nhưng chỉ là những việc trong thỏa thuận. Nghĩa là làm từng ấy việc là từng ấy việc, nhất quyết không thêm một việc gì kể cả là chỉ nhờ cô bé đi... đổ rác hộ. Nhiều khi bực mình vì cái kiểu cứng nhắc, lúc nào cũng lôi thỏa thuận ra để chối việc của Dinh nhưng vì cô bé vẫn hoàn thành các công việc chính một cách xuất sắc nên chị Vân đành nhắm mắt cho qua.

Dạo gần đây, chị thấy cu Bi nhà mình có nhiều biểu hiện rất lạ. Đi làm về, lúc nào chị Vân cũng thấy con ngủ li bì đến tận chiều muộn mới dậy, trông người uể oải, da dẻ xanh xao, ăn uống ngày càng kém. Cu Bi nhà chị vốn rất bụ bẫm, hiếu động, háu ăn và không bao giờ có thói quen ngủ nhiều như vậy. Hỏi giúp việc, cô bé nói vẫn chăm sóc em như bình thường.

Nhân có buổi được nghỉ làm sớm đột xuất, chị Vân về nhà lúc 4h chiều. Về đến nhà đã thấy Dinh và 3 cô gái khác (cũng là giúp việc cho các gia đình trong khu tập thể) đang ngồi nói chuyện, cắn hạt dưa ầm ĩ trong nhà còn cu Bi thì nằm ngủ lăn lóc trên ghế salon. Chờ đến tận 6h chiều, Bi mới tỉnh giấc trong trạng thái lơ mơ. Tự dưng, trong chị dấy lên nghi ngờ cô bé giúp việc đã cho con mình uống thuốc ngủ nên cháu mới có thể ngủ mê mệt đến như vậy. Có thể vì không muốn chăm em, vì muốn em ngủ để có thể tự do muốn làm gì thì làm mà cô bé osin này đã nghĩ ra cách làm độc ác như vậy chăng?

Không có bằng chứng thì không thể kết tội được người khác nên hai vợ chồng chị Vân quyết định thay nhau... rình osin. Thỉnh thoảng, anh hoặc chị lại tạt về nhà bất thình lình để kiểm tra nhưng đều không hề có cơ sở nào khẳng định cô bé osin đã làm chuyện tệ hại đó. Vậy nên, chị Vân mới tính đến chuyện mua một chiếc camera để theo dõi osin.

Nhưng chưa cần mua camera theo dõi, hai anh chị đã tìm ra được nguyên nhân. Trong một lần hớ miệng, cái Dinh đã vô tình khai ra lý do khiến cu Bi ngủ li bì như vậy. Đó là suốt cả ngày, mỗi khi cu Bi buồn ngủ, Dinh đều không cho cháu ngủ mà chỉ đến tầm 3 - 4h thì cu Bi mới “được phép” ngủ để cô ta và các bạn “đồng nghiệp” tha hồ làm vương làm tướng trong nhà trước khi vợ chồng chủ đi làm về. Bị ép phải thức nhiều nên cu Bi mới lăn ra ngủ mê man như vậy và cũng vì chưa quen thói sinh hoạt lạ đời đó nên cậu bé mới mệt mỏi và xanh xao như vậy.

Chưa hết, chị Vân còn “điều tra” được thêm một thông tin là: mỗi khi cho cu Bi đi ăn rong ngoài ngõ, để đỡ tốn công, Dinh đều chỉ đút cho Bi ăn hết độ nửa bát cháo còn nửa bát còn lại thì đổ đi cho... chó ăn. Thế nên cu cậu mới mỗi ngày một xanh xao như vậy.

Thuê thám tử “xịn”... theo dõi osin

Giống như chị Vân, chị Dương (Tôn Đức Thắng, Hà Nội) cũng có nhiều mối nghi ngờ đối với người giúp việc nhà mình. Giúp việc cho gia đình chị Dương là một người phụ nữ ngoài 40 tuổi quê Hà Tây (cũ). Chị này thạo việc, khéo ăn khéo nói nên thời gian đầu rất được chị Dương quý mến và đối xử như chị em trong nhà. Mỗi lần chị giúp việc về quê, ngoài tiền công xá, chị Dương đều biếu thêm tiền và mua quà bánh để chị đem về cho người thân dưới quê.

Ấy nhưng, tất cả những tình cảm đó đều dần dần biến mất khi người giúp việc nhiều lần trở chứng: liên tục so bì tiền lương với osin nhà nọ, nhà kia trong ngõ, ngày càng chây lười, ỷ hết công việc cho chủ... Một hai lần đầu, chị Dương còn điều chỉnh lương để chị giúp việc không thiệt thòi quá nhưng sau nhiều lần như vậy thì chị cảm thấy thực sự khó chịu. Không được đáp ứng yêu cầu về chế độ lương bổng, người giúp việc ngày càng tỏ ra khó chịu, phản ứng với chủ ra mặt. Nhiều khi chị ta còn quát mắng bé Na, con gái chị Dương ngay trước mặt anh chị khiến cháu khóc nức nở.

Mọi chuyện chỉ trở nên tồi tệ khi chị Dương phát hiện từ lúc nào sợi dây chuyền vàng 5 chỉ mà khi cưới mẹ chị cho làm vốn đã không cánh mà bay. Sợi dây là kỉ vật cuối cùng của người mẹ quá cố mà chị còn giữ được nên chị rất yêu quý và đã cất kĩ trong tủ đựng nữ trang của mình.

Là người có học thức, chị Dương thừa hiểu câu nói “một mất mười ngờ” và sự tổn thương khi bị nghi oan, khi phẩm giá bị xúc phạm nên không dám nghi ngờ cho ai. Chị sợ mình có thể để quên sợi dây ở đâu đó mà trong lúc tạm thời đầu óc rối trí không nhớ ra nên đã cố tìm thật kỹ. Nhưng dù đã cố tìm, sợi dây chuyền kỉ niệm vẫn bặt vô âm tín. Bắt buộc, vợ chồng chị phải thuê thám tử bí mật điều tra.

Kết quả không hề bất ngờ, chính người giúp việc mà chị từng coi như người thân trong nhà là kẻ giấu mặt. Tệ hại hơn, khi chị nói chuyện thẳng thắn với người giúp việc thì chị ta lại gân cổ lên cãi: đó là số tiền chị ta đáng được hưởng, rằng vợ chồng chị Dương đáng lẽ phải trả thêm cho chị vì đồng lương chị làm cả năm nay ở đây quá rẻ mạt, rằng chị ta chỉ lấy phần lẽ ra là của mình.

Đã phải bỏ nhà, bỏ cửa để đi giúp việc cho nhà người khác thì chắc chắn những người phụ nữa làm nghề osin không phải là người giàu có gì. Trong hàng ngàn người phụ nữ chịu thương chịu khó, coi việc nhà chủ như việc nhà mình, coi con chủ như con cháu ruột thịt của mình thì vẫn có một số ít người lợi dụng danh nghĩa giúp việc để bòn rút thậm chí trộm cắp cả tài sản của chủ nhà. Chỉ là con sâu nhưng bỏ rầu nồi canh, những con người đó đang khiến cho cả xã hội đang nhìn về nghề osin một cách ngày càng khác đi. Và nhiều con người thật thà, chăm chỉ đôi khi bị mang tiếng oan chỉ vì những kẻ như vậy.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật