Quý I/2024, xuất khẩu sầu riêng thu về 253 triệu USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế đến hết quý I/2024, xuất khẩu sầu riêng vẫn đạt gần 57.000 tấn với trị giá thu về 253 triệu USD, tăng 42% về lượng và tăng 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, sầu riêng tiếp tục là trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đóng góp 17% giá trị doanh thu toàn ngành rau quả.
Trong đó, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu là sầu riêng tươi và 8,5% là sầu riêng đông lạnh. Còn lại là tỷ trọng nhỏ các sản phẩm chế biến từ sầu riêng như: Sầu riêng sấy khô, nước ép sầu riêng, kem sầu riêng...
Về thị trường tiêu thụ, sầu riêng của Việt Nam vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong quý đầu năm với khối lượng đạt 51.500 tấn, trị giá hơn 228 triệu USD, tăng 57,5% về lượng và tăng 71% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường này chiếm đến 90% tổng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Đứng thứ hai là Thái Lan với 18 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7% thị phần. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao trong quý đầu năm như: Nhật Bản (tăng 83%); Hàn Quốc (tăng 61%); Bồ Đào Nha (tăng 71%); đặc biệt Hà Lan tăng tới 787,5%... Ngược lại, Hong Kong (Trung Quốc) giảm 81,9%; Mỹ giảm 62,4%...
Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch 2,1 tỷ USD, tăng tới 1,82 tỷ USD so với con số 288 triệu USD của năm trước.. Trong đó, quả sầu riêng chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 2,03 tỷ USD.
Diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ ở thời điểm đầu năm 2023 là 47.208 ha, đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng, tăng hơn 19.200 ha.
Năm 2024 và nhiều năm kế tiếp, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ chính của loại trái cây đặc sản giá trị cao của nước ta.
Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019 - 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Đây được coi là cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Chiều 10/5, tại Tp.HCM, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững với sự tham gia của Sở NN-PTNT các tỉnh, các doanh nghiệp (DN) và hiệp hội ngành hàng liên quan đến sầu riêng.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích sầu riêng của cả nước đạt hơn 150.000 ha vào năm 2023, với khoảng 76.000 ha đang cho thu hoạch.
Sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn, bình quân tăng 15%/năm nên khi toàn bộ diện tích sầu riêng trồng đi vào thu hoạch, sản lượng sẽ rất lớn. Do đó, chủ trương của Cục Trồng trọt là không mở rộng diện tích, đặc biệt tại những vùng thổ nhưỡng không phù hợp.
Theo Báo tại hội nghị đại diện các địa phương lại nói rất khó kiểm soát nông dân chuyển đổi từ cây trồng khác sang sầu riêng khi giá đang cao như hiện nay. Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, nói nông dân chuyển đổi từ mít, nhãn sang sầu riêng rất nhiều và diện tích hiện tại đã hơn 20.000 ha, vượt quy hoạch đến năm 2025 của tỉnh. "Chúng tôi cố gắng vận động nhà vườn không chuyển đổi sang trồng sầu riêng nhưng rất khó khăn vì lợi nhuận từ loại quả này rất lớn, thời điểm trái vụ giá lên đến 190.000 - 200.000 đồng/kg", ông Nam nêu thực tế.
Cũng theo ông Nam, hiện là thời điểm chính vụ, giá sầu riêng Ri 6 ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, Dona 60.000 - 70.000 đồng/kg, tuy có giảm nhưng cao hơn bình quân các năm và hiệu quả kinh tế vẫn còn rất tốt.
"Về tình trạng thu hái sầu riêng non, có nguy cơ ảnh hưởng uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, chúng tôi rất muốn xử lý nhưng hiện tại chưa có quy định nên không thể xử phạt được mà chỉ khuyến cáo. Đề nghị Bộ NN-PTNT ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ tuổi thu hoạch sầu riêng để làm cơ sở xử lý", ông Nam đề xuất.
Toàn bộ chuỗi ngành hàng sầu riêng phải tuân thủ quy định thị trường
Diện tích và sản lượng sầu riêng của nước ta tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2015, diện tích cây ăn quả này chỉ dừng ở con số 31.900ha, sản lượng 366.300 tấn; đến năm 2023 diện tích sầu riêng vọt lên 150.800ha, sản lượng gần 1,2 triệu tấn.
Hiện, sầu riêng quả tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều thị trường. Kim ngạch xuất khẩu từ gần 178 triệu USD năm 2021 tăng lên 2,24 tỷ USD năm 2023.
Với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục lịch sử, sầu riêng vượt qua thanh long để trở thành loại trái cây ăn quả đắt giá nhất của Việt Nam.
Đại diện Cục Trồng trọt nhận định, sầu riêng có nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu khi sản lượng năm nay dự kiến lên tới 1,5 triệu tấn, tăng 25% so với năm ngoái.
Theo Vietnamnet thời gian qua Việt Nam xuất khẩu nhiều sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Với thị trường này sầu riêng Việt Nam có lợi thế lớn bởi thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Chưa kể, chúng ta còn chuẩn bị ký nghị định thư xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh vào thị trường này. Song, đại diện Cục Trồng trọt cũng chỉ rõ những hạn chế của ngành hàng tỷ USD này. Đơn cử, ngành sầu riêng chưa có quy trình chuẩn cho toàn bộ chuỗi sản xuât từ giống tới sau thu hoạch; liên kết sản xuất chưa bền vững, chưa hình thành được vùng nguyên liệu gắn với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ ra tình trạng hái sầu riêng non là do "thợ gõ" và thương lái thu mua tại vườn. Do đó, cần có biện pháp quản lý đội ngũ này.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung thừa nhận sầu riêng Việt Nam đang gặp áp lực cạnh tranh lớn tại thị trường Trung Quốc khi cả 4 nguồn cung lớn gồm: Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều hướng đến thị trường này.
Đáng chú ý giải pháp mà ngành nông nghiệp đề ra bao gồm nghiên cứu bộ giống sầu riêng thích hợp với yêu cầu của các thị trường, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho sầu riêng và tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng. Đặc biệt, ông Hoàng Trung yêu cầu toàn bộ chuỗi ngành hàng sầu riêng phải tuân thủ quy định thị trường và hạn chế vi phạm.
"Với những vi phạm về dịch hại, phía bạn có thể cho thời gian khắc phục nhưng vi phạm về an toàn thực phẩm, họ có thể ngừng nhập khẩu ngay mã số đó, gây ảnh hưởng chung đến toàn ngành", ông Hoàng Trung khuyến cáo.
Hiện có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Trong đó, tỉnh Tiền Giang có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép nhiều nhất với 155 mã số; tiếp theo là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Phước có số lượng mã số được cấp phép lần lượt đạt 96, 68 và 65.
Các địa phương có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép ít nhất là Trà Vinh và Phú Yên với 1 mã số mỗi địa phương, Sóc Trăng có 3 mã số, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kon Tum mỗi địa phương có 5 mã số.
Về cơ sở đóng gói, hiện có 22 địa phương có mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, Tiền Giang là địa phương có số lượng mã số cơ sở đóng gói nhiều nhất, với 67 mã số; Cần Thơ, Tây Ninh và Hậu Giang mỗi địa phương có 1 mã số.
Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tới 24 thị trường, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc năm qua tăng cao, đã góp phần lớn vào kết quả xuất khẩu 5,6 tỷ USD toàn ngành rau quả.