Khi thành phố triền miên chìm trong ô nhiễm
Từ đầu tháng 11/2023 đến nay, nhiều khu vực ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thường xuyên "chìm" trong bầu không khí trắng đục mịt mù của sương, khói bụi.
Người dân Hà Nội tìm mọi cách để trốn khỏi bụi bặm khi tham gia giao thông. Ảnh: HealthyAir.
Theo ứng dụng AirVisual, ngày 29/11/2023, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội đạt ngưỡng 239, thuộc mức "tím", tức là rất có hại cho sức khỏe mọi người. Đây là mức AQI cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội, và cũng là mức AQI cao thứ hai thế giới, chỉ sau thành phố Lahore của Pakistan.
Còn theo ứng dụng IQAir, vào sáng 3/12/2023 xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới, tiếp tục đứng sau Lahore và Karachi đều của Pakistan.
Đặc biệt, trong buổi sáng ngày 2/2/2024, bầu trời Hà Nội cũng bị bao trùm bởi một lớp sương mù dày đặc, đường phố Thủ đô chìm sâu trong lớp sương trắng đục, không khí đặc quánh, khiến phần lớn người dân thủ đô ra đường đều phải mang khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.
Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí), chỉ số AQI trong sáng 2/2/2024 ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội dao động chủ yếu ở mức trên 200 đơn vị, mức rất xấu - cảnh báo nguy hiểm tới sức khỏe.
Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là do hoạt động giao thông, xây dựng và sản xuất công nghiệp. Theo thống kê, hơn 80% ô nhiễm không khí ở Hà Nội là do các phương tiện giao thông gây ra. Ô nhiễm không khí không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng đến môi trường và kinh tế xã hội.
Báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBOD) khảo sát tại Việt Nam năm 2017 cho thấy, số trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí tăng dần theo các năm, từ hơn 43.000 ca vào năm 2000 lên tới 50.000 trường hợp vào năm 2017.
Ước tính, có khoảng 1,3 triệu năm sống hoàn toàn khỏe mạnh đã bị mất do các bệnh và tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí năm 2017. Trong các nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm tại Việt Nam, ô nhiễm không khí chỉ đứng sau các nguyên nhân như cao huyết áp, đường huyết cao, hút thuốc và sử dụng rượu, bia.
Thống kê hàng năm của tổ chức y tế thế giới (WHO). Ảnh: WHO.
Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới.
Bên cạnh những tác hại về sức khỏe, ô nhiễm không khí cũng gây ra những thiệt hại đáng kể về kinh tế. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đã gây thiệt hại khoảng 6 - 7% GDP mỗi năm.
Làm gì để Hà Nội bớt ô nhiễm không khí?
Những người dân Hà Nội cũng phải đối mặt với một nỗi ám ảnh ngột ngạt, với những lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Theo ghi nhận trong những ngày đầu năm 2023, không ít người dân cho biết khi bước ra đường có cảm thấy ngột ngạt, khó thở, mắt cay xè, mũi rát và ho khan.
Với chỉ số AQI trung bình 235 đơn vị lúc 8h43 ngày 2/2, ứng dụng IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới (Ảnh: Báo ghi nhận và đăng tải ngày 2/2/2024)
Anh Hoàng Thanh Bình (sống ở đường Lê Duẩn, quận Đống Đa) chia sẻ, chuyện Hà Nội bị bao phủ trong lớp sương mù không còn hiếm, nhưng anh chưa bao giờ thấy đường phố trắng đục như ngày 2/2.
“Hôm nay thực sự ra đường quá vất vả, đường thông thoáng mà không thể nhìn xa qua 10 – 15m, đường phố Hà Nội bao trùm trong sương trắng, kể cả bịt khẩu trang kín nhưng vẫn cảm thấy khó chịu khi hít thở", anh Bình nói thêm.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, cần có sự vào cuộc của cả chính quyền và người dân. Trước hết, về phía chính quyền, cần có những giải pháp cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm giao thông, xây dựng và sản xuất công nghiệp.
Quan sát từ phía một số nhà cao tầng, bầu trời Hà Nội bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc kèm nồm ẩm.
Được biết, về khía cạnh chủ trương, chính sách, đáng chú ý nhất là Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đã đề ra nhiệm vụ cụ thể là tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị.
Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là tăng cường kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới. Trong đó, những hoạt động cụ thể cần phải thực hiện ngay bao gồm: Tiến hành định kỳ kiểm tra theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới; cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các chất hữu cơ bay hơi, nhất là hơi xăng dầu ở đô thị; khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, đi xe đạp; phát triển các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện; bảo tồn mặt nước, phát triển trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong thành phố...
Mặt khác, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trong năm 2022; Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông, nhà máy, xí nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các phương tiện giao thông công cộng, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Về phía người dân, cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trồng cây xanh, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Chỉ có sự chung tay của cả chính quyền và người dân mới có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, mang lại bầu trời trong xanh cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.