Tin liên quan
Theo đài Sputnik (Nga), động thái mới nhất của Houthi là đe dọa điều động lực lượng mặt đất tới Gaza để đối phó lại Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cùng các nhóm chiến binh ở Palestine như Hamas, Thánh chiến Hồi giáo Palestine và Lữ đoàn Tử đạo Al-Aqsa.
Các chuyên gia khu vực đã bình luận về tính khả thi của kịch bản Houthi điều quân tới Dải Gaza và sự can thiệp của Mỹ.
Mỹ đã hỗ trợ Israel, triển khai lực lượng đặc nhiệm quốc tế để phá vỡ vòng phong tỏa của Yemen ở Biển Đỏ đối với tàu thuyền Israel, trong bối cảnh xung đột ở Gaza kéo dài và có nguy cơ leo thang thành cuộc chiến khu vực.
Nhà phân tích chính trị và an ninh Hasan Selim Ozertem tại Ankara nhận định nếu Houthi điều quân đến Gaza, dù kịch bản đó khó xảy ra, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc xung đột sẽ lan rộng hơn nữa trên khắp khu vực Trung Đông. Điều này có thể làm suy yếu an ninh khu vực hơn nữa và không thể ngăn chặn xung đột trong biên giới Gaza. Cuộc xung đột sẽ lan rộng sang Syria cũng như các khu vực Biển Đỏ.
“Về việc Houthi triển khai quân tới Gaza, tôi cho rằng đó là điều không thể thực hiện khi xét đến các động lực địa chính trị. Họ cần huy động quân và gửi lực lượng qua Biển Đỏ hoặc Saudi Arabia. Đây là điều không thể xảy ra trong hoàn cảnh hiện tại”, ông Hasan nhấn mạnh.
Tàu tấn công đổ bộ USS Bataan và USS Carter Hall ở Biển Đỏ. Ảnh: Hải quân Mỹ/AP
Thay vì điều quân đến Gaza, vị chuyên gia này cho rằng Houthi có thể triển khai một số hoạt động nhằm phá hoại an ninh, như họ đã thực hiện trong vài tuần qua - tấn công 2 tàu chở dầu đến khu vực. Vì vậy, ông Hasan nói rằng các lực lượng liên minh với lực lượng Houthi ở Yemen đang can dự sâu hơn vào khu vực để kiểm soát các cuộc xung đột, cũng như đảm bảo an ninh cho luồng giao thông từ Biển Đỏ qua kênh đào Suez.
Ông Lorenzo Trombetta, học giả và nhà phân tích Trung Đông tại Beirut, cho rằng lời đe dọa điều quân tới Gaza của Houthi là chỉ lập luận khoa trương để thể hiện sức mạnh, và không phải là mối đe dọa thực sự.
“Israel tất nhiên không chuẩn bị để đối mặt với một kịch bản đó, nhưng tôi nhấn mạnh rằng kịch bản này không thực tế”, ông nói.
Ông Mehmet Rakipoglu – nhà nghiên cứu về các vấn đề quốc tế tại tổ chức nghiên cứu Dimensions for Strategic Studies, có trụ sở tại London – cho hay Israel đã gặp áp lực ở Gaza, vì vậy nếu lực lượng Houthi xuất hiện bất ngờ thì điều đó có thể mang tính quyết định.
“Nếu Houthi thực hiện kế hoạch này, tất nhiên điều đó sẽ thay đổi cục diện đối đầu ở Gaza, bởi Israel sẽ phải đối phó với cả phong trào Houthi. Vì vậy, trọng tâm sẽ không chỉ hướng vào Houthi ở Gaza, mà còn là Hamas, Thánh chiến Hồi giáo và bất kỳ phong trào kháng chiến nào khác”, ông nói và khẳng định chắc chắn rằng Israel chưa sẵn sàng cho kịch bản này.
Theo ông Rakipoglu, nếu kịch bản này xảy ra, rất có thể Israel sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa thách thức hơn. Houthi đã nhắm mục tiêu vào các tàu chở bất cứ thứ gì từ hoặc đến Israel. Vì vậy, thông điệp đã rõ ràng. Ông giải thích rằng Houthi đã can thiệp một cách cụ thể nhất vào cuộc chiến ở Gaza, đồng thời lưu ý rằng việc họ đe dọa triển khai quân tới Gaza là “một động thái nhằm thách thức câu chuyện được Mỹ hay Israel chấp nhận”.
“Rất có thể, Mỹ sẽ có hành động chống lại người Houthi, mặc dù họ không thể gửi quân đến Gaza. Tôi chắc chắn rằng Washington đang lên kế hoạch chống lại Houthi”, ông nói.
Lực lượng Houthi ở Sanaa, Yemen. Ảnh: AP
Ngoài ra, ông Ozertem lưu ý khu vực Tây Nam Á và Bắc Phi (SWANA) cũng có những bất ổn riêng không liên quan đến sự can dự của Mỹ. Điều đó sẽ khiến những bất ổn trong cuộc chiến ở Gaza tiếp tục leo thang.
“Kịch bản này có thể tránh được, bởi xung đột tiếp diễn sẽ làm suy yếu sự ổn định trong khu vực và mở đường cho sự tham gia của các chủ thể khác. Đây là điều từng diễn ra, không phải điều chưa từng nhận thấy trước đây”, ông nói.
Học giả Trombetta cho biết Mỹ hoàn toàn không phải là quốc gia phương Tây duy nhất quan tâm đến các sự kiện ở Biển Đỏ.
“Tất nhiên, Mỹ cũng sẽ chia sẻ mức trách nhiệm của mình, nhưng họ không phải là bên duy nhất chịu trách nhiệm về tình trạng này. Mỹ và Anh, cùng Israel, có ý định khôi phục nguyên trạng Biển Đỏ về trước ngày 7/10. Về vấn đề này, họ được hầu hết các cường quốc phương Tây ủng hộ nhiệt tình”, ông Trombetta nói.
Ông lưu ý Nga có mối quan tâm tương tự trong việc đảm bảo an ninh thông thoáng cho các tuyến đường biển này, Nhưng không giống Mỹ, Moskva có cách tiếp cận khác thỏa hiệp với các cường quốc liên quan, chẳng hạn Bahrain, Saudi Arabia và Iran.
Nhà nghiên cứu Rakipoglu cho rằng Mỹ nên chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang xung đột hiện nay, vì nước này là thành viên duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu phủ quyết văn kiện kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, ủng hộ Israel mà không có bất kỳ mối lo ngại nhân đạo nào.