Bồi thường án oan 25 năm ở Nam Định: Vì sao chưa xong?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi nhận được bồi thường 2 lần do án oan cách đây hơn 25 năm, ông Phạm Văn Cường (83 tuổi, trú Nam Định) tiếp tục có đơn đề nghị xem xét lại phần bồi thường và yêu cầu bồi thường bổ sung.
Bồi thường án oan 25 năm ở Nam Định: Vì sao chưa xong?
Ông Phạm Văn Cường - Ảnh gia đình cung cấp

Tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) đã nêu vụ việc của ông Phạm Văn Cường (Nam Định) đã 25 năm chưa được bồi thường oan sai xong. Thực hư việc này như thế nào?

Án oan từ thế chấp đất vay tiền ngân hàng

Trao đổi với Báo Online, ông Phạm Văn Cường (83 tuổi, trú tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định) cho biết năm 1996, vợ chồng ông đã thế chấp ngôi nhà ở đường 21A Lộc Hòa cho Ngân hàng Công thương tỉnh để vay 200 triệu đồng.

Sau khi chuyển nợ quá hạn hai khoản vay, ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu thanh toán nợ nhưng vợ chồng ông Cường vẫn không thanh toán được. Tiếp đó, ngân hàng đề nghị cơ quan công an giải quyết theo thủ tục Hình Sự.

Cơ quan công an sau đó đã khởi tố vụ án Hình Sự. Tính đến ngày khởi tố vụ án, vợ chồng ông Cường nợ ngân hàng số tiền 200 triệu đồng tiền gốc và 60,9 triệu đồng tiền lãi. Sau khi khởi tố, cơ quan điều tra đã kê biên ngôi nhà của vợ chồng ông Cường.

Đến tháng 9-1998, vợ chồng ông Cường tự nguyện bán ngôi nhà trên được 230 triệu đồng để trả cho ngân hàng tiền nợ gốc và còn nợ lại 30,9 triệu đồng tiền lãi.

Tại bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định xử phạt ông Cường 30 tháng tù về tội "lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa", 6 tháng tù về tội "lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân".

Bà Trần Thị Tỉnh, vợ ông Cường, bị phạt 18 tháng tù về tội "lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa", nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 36 tháng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ chồng ông Cường không kháng cáo mà 4 người khác được xác định là bị hại có đơn đề nghị xem xét trách nhiệm bồi thường của các bị cáo.

Tại bản án phúc thẩm năm 2000, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã giảm hình phạt đối với ông Cường.

Chỉ xử phạt ông Cường 1 năm 7 tháng 22 ngày tù về tội "lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, 4 tháng tù về tội "lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân". Tuyên trả tự do tại phiên tòa.

Giảm hình phạt đối với bà Trần Thị Tỉnh, chỉ xử phạt bà Tỉnh 6 tháng tù về tội "lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa", nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 12 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Đến năm 2002, tại quyết định giám đốc thẩm, Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên bố vợ chồng ông Cường không phạm tội "lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa".

Đến năm 2005, quyết định giám đốc thẩm tuyên ông Cường không phạm tội lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân và đình chỉ vụ án đối với ông về tội này.

Đã bồi thường 2 lần với gần 8 tỉ đồng

Đến ngày 14-4-2005, vợ chồng ông Cường đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan.

Tại quyết định năm 2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã bồi thường cho vợ chồng ông Cường tổng số tiền là hơn 2,2 tỉ đồng.

Gồm bồi thường thiệt hại về nhà, đất của vợ chồng ông Cường tại đường 21A là hơn 1,8 tỉ đồng. Quyết định không nêu cụ thể số diện tích đất được bồi thường.

Tuy nhiên, đến năm 2008, sau khi nhận tiền bồi thường, ông Cường có đơn kiến nghị cho rằng tòa đã tính nhầm, tính thiếu tiền đền bù thiệt hại của ông.

Đến năm 2012, tòa đã làm việc và sau đó đến năm 2014 có quyết định tiếp tục bồi thường cho vợ chồng ông Cường các khoản tổng số tiền hơn 5,5 tỉ đồng.

Trong đó, bồi thường phần diện tích 71,1m2 đất đã được định giá 63 triệu đồng/m2, tổng cộng là hơn 4,4 tỉ đồng.

Bồi thường thêm cho ông Cường 200m2 đất mà lần bồi thường năm 2006 còn tính thiếu, với giá 9,6 triệu đồng (theo quyết định của hội đồng định giá năm 2006), tổng cộng là hơn 1 tỉ đồng.

Tại biên bản thương lượng bồi thường giữa ông Cường và Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội năm 2013, ông Cường cam kết không yêu cầu, khiếu nại về khoản bồi thường nào khác.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền bồi thường đợt 2 (năm 2014) đến nay ông Cường lại có đơn đề nghị xem xét lại phần bồi thường và yêu cầu bồi thường bổ sung.

Theo đó, ông Cường cho rằng phải tính lại giá 63 triệu đồng/m2 với 200m2 đất tại lần bồi thường lần 2.

Bởi ông cho rằng giá 9,6 triệu mà tòa đã tính bồi thường là giá năm 2006, nên không đúng với nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phải lấy giá đất tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Cũng theo ông Cường, diện tích đất bồi thường không phải 200m2 mà là 212 m2. Bởi ông chỉ thế chấp 300m2 đất cho ngân hàng, còn lại 212m2 đất không thế chấp cho ngân hàng thì phải được hưởng 100% giá trị.

Cùng với đó, ông đề nghị tiếp tục bồi thường diện tích 36,8m2 tại số nhà 30 đường 21A mà chưa được đền bù, theo giá 63 triệu đồng/m2.

"Sau khi tôi bị án oan, ngồi tù, gia đình tan nát, các con đều bỏ học, lang thang. Hiện nay tôi đã cao tuổi, lại là thương binh, sức khỏe kém, còn vợ cũng đã mất.

Nên tôi mong chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét giải quyết dứt điểm trong năm 2023", ông Cường bày tỏ.

Bồi thường nhiều lần do diện tích đất thay đổi?

Theo hồ sơ vụ án, theo biên bản thương lượng bồi thường ngày 13-3-2006 diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Cường chỉ là 340m2 (đo năm 1995).

Tuy nhiên, đến ngày 29-3-2006 đoàn xác minh đo thực tế đất thì diện tích là 512m2.

Nhưng tại thời điểm bồi thường thực tế thì diện tích đất lại tăng lên là 619m2.

Về việc bồi thường với diện tích 36,8m2 đất, ông Cường đã làm việc với Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhưng chưa thống nhất được mức giá.

Tuổi Trẻ đã liên hệ Tòa án nhân dân tối cao thì được biết, đối với 36,8m2 đất nằm trong diện quy hoạch, khi nào Nhà nước thực hiện việc thu hồi thì sẽ bồi thường theo đúng quy định của Luật Đất đai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật