Mình để ý là nhiều chị em khi sinh con sẽ về nhà ngoại ở một thời gian đợi đến khi mẹ khỏe và bé cứng cáp thì mới quay về nhà nội hoặc muốn đi đâu thì đi. Bởi lẽ, khi được mẹ đẻ chăm sóc, chị em sẽ cảm thấy thoải mái hơn cũng như dễ hơn khi ở cùng mẹ chồng.
Tuy vậy, gần đây mình có đọc được chia sẻ của một nàng dâu trẻ khi về nhà mẹ chồng đợi sinh con rồi ở cữ mà cảm thấy chua chát quá. Cụ thể, nàng dâu này cho biết vợ chồng cô sinh sống, làm việc ở thành phố nên dự tính là sinh con ở đây vì có bệnh viện lớn, thuận tiện cho sinh nở. Nhưng khi nghĩ lại, vợ chồng cô thấy về quê sẽ thoải mái, rộng rãi vì có nhà, có ông bà phụ giúp chăm cháu.
“Chồng tôi nói, đây là đứa cháu đích tôn, tôi nên về quê sinh cho ông bà nội được “mát mặt” với họ hàng. Thế là tôi quyết định về quê trước ngày dự sinh 1 tuần để tiện cho việc sinh nở. Chúng tôi dự tính sẽ ở cữ nhà chồng 1 tháng. Khi con trai đầy tháng, chúng tôi sẽ chuyển về nhà ngoại”, nàng dâu chia sẻ.
(Ảnh minh họa: qq.com)
Về nhà bố mẹ chồng để ở cữ, cô gái mới nhận ra nhiều chuyện chạnh lòng và thấm thía thế nào là “cháu bà nội, tội bà ngoại”.
Cụ thể, tuy bố mẹ chồng có lương hưu lại dư dả kinh tế nhưng chồng của cô cũng hiểu chuyện nên đưa ít tiền để phụ tiền chợ trong những ngày vợ ở cữ. “Toàn bộ đồ sơ sinh chồng tôi đã mua sắm đầy đủ. Tưởng như vậy tôi sẽ được ăn uống thoải mái, đủ chất trong thời gian vượt cạn nhưng không, mẹ chồng tôi tính rất tiết kiệm, thậm chí là hà tiện.
Con dâu bụng đã lớn nên bà đảm nhiệm việc đi chợ. Bà thường xuyên mua về thịt cá bị ế, giá rẻ. Có những hôm, miếng thịt đã có mùi nhưng bà vẫn chống chế: “Có ngửi thấy gì đâu, có mùi thì tí ướp gia vị vào cũng bay hết mùi ấy mà”.
Rau, củ… bà chỉ hái trong vườn nấu chứ tuyệt nhiên không mua thêm loại gì khác. Vì vậy suốt thời gian tôi về chờ sinh chỉ ăn mỗi rau muống, canh mướp khiến tôi rất ngán ngẩm.
Sau khi tôi sinh con, tình hình không khá hơn là bao. Món cháo hầm chân giò vì tiếc tiền gas nên chưa nhừ bà đã tắt bếp. Nhìn bát cháo lổn nhổn, chưa ninh kỹ chân giò khiến tôi nuốt không nổi.
Bà còn suốt ngày ca thán chuyện con trai bà vất vả. Vợ về quê, ở ngoài thành phố, con trai bà không được ai nấu cho ăn rồi “một mình nó phải đi làm nuôi cả nhà”.
Hết chuyện con trai, bà chuyển sang nói về thực phẩm tăng giá, đắt đỏ nên chi tiêu rất tốn kém, số tiền vợ chồng chúng tôi gửi không đáng là bao. Mặc dù vậy tôi nhẩm tính, số tiền chồng tôi gửi đã gấp 3 số tiền bà đi chợ”, nàng dâu ấm ức kể lại.
Đáng nói, số tiền mà con trai phụ tiền chợ để chăm vợ ở cữ, người mẹ lại dùng để đi chợ mua đồ ăn cho cả gia đình nên khẩu phần của nàng dâu bị “cắt xén”, không đủ dinh dưỡng dành cho phụ nữ mới sinh con.
“Bà còn thỉnh thoảng mua thêm con cá, cân giò… cho chị chồng tôi ở gần đó bằng chính số tiền chồng tôi đưa.
Những chuyện trên, tôi biết hết nhưng vì không muốn mâu thuẫn, tôi vẫn im lặng. Vậy mà trước ngày tôi rời nhà chồng để sang nhà ngoại, bà vào phòng tôi thông báo, số tiền chồng tôi đưa đã hết sạch.
Bà phải trích tiền riêng của nhà để lo cho mẹ con tôi vì vậy tôi phải hoàn lại cho bà khoản đó. Bà còn nói, tháng này tôi về nhà bà ở nên tiền điện, nước tăng hơn tháng trước. Tôi phải đưa thêm bà 1 triệu đồng để bù vào”, nàng dâu tâm sự.
Trước màn đòi hỏi quá đáng của mẹ chồng, cô con dâu không khỏi bàng hoàng xen lẫn ấm ức. Vì không mang theo nhiều tiền, cô phải nhắn tin cho người quen ở gần đó để mượn tiền, đưa lại cho mẹ chồng.
Mang theo nỗi ấm ức, chua chát từ nhà mẹ chồng về nhà mẹ đẻ, nàng dâu càng thêm tủi thân và thấm thía không nơi đâu bằng nhà của bố mẹ đẻ. Về lại nhà của mình, cô được chăm sóc chu đáo, tử tế và mẹ cũng không hề tính toán, tiết kiệm với con gái vừa sinh xong.
“Ở nhà chồng đúng 1 tháng, tôi về nhà mẹ đẻ. Từ đây, cuộc sống tôi mới thoải mái hơn. Mẹ tôi thương con không tiếc tiền mua thịt bò, hải sản, hoa quả đủ loại cho con tẩm bổ. Mẹ tôi nói, tôi phải ăn đủ chất mới có sữa cho cháu bà bú. Ở nhà mẹ đẻ, tôi và con trai đều tăng cân nhanh chóng. Tôi đưa tiền nhưng bà gạt đi, không chịu lấy. Bà nói, tôi ở nhà bà có mấy tháng, không lẽ bà không nuôi được con gái và cháu bà?”, cô gái nghẹn ngào.
Câu chuyện của nàng dâu về nhà mẹ chồng ở cữ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng mạng. Nhiều bình luận đồng cảm với những ấm ức, tủi hờn mà cô gặp phải bởi lẽ không phải ai cũng may mắn gặp được mẹ chồng tâm lý, chăm con dâu ở cữ hết lòng như chăm con gái ruột.
Nếu chẳng may gặp người tính toán chi li, ưa hạch sách, đòi hỏi để “moi tiền” như mẹ chồng trong câu chuyện trên, hẳn nàng dâu sẽ khó xử bởi vừa ấm ức, vừa không biết có nên chia sẻ với chồng hay không vì sợ mâu thuẫn càng thêm căng thẳng.
Gần đây, mình có đọc được bài viết khuyên rằng con dâu không nên đối đãi với mẹ chồng như bố mẹ ruột, mà chỉ xem như bạn bè. Nghĩa là nên giữ khoảng cách nhất định, tôn trọng và không soi mói lẫn nhau. Mình nghĩ điều này có hơi cực đoan và không mấy tích cực nhưng nếu áp dụng vào trường hợp trên thì nên suy nghĩ lại.