Mình để ý là mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu không phải lúc nào cũng thuận hòa, đôi bên yêu thương nhau như người một nhà. Có nhiều trường hợp lúc đầu không ưa nhau, thậm chí là định kiến không tốt về đối phương nhưng sau một thời gian đã hiểu nhau hơn, mở lòng đón nhận.
Điển hình là gần đây mình có đọc được chia sẻ của một nàng dâu trẻ và cảm thấy rất nể cách xử sự của cô với mẹ chồng. Lúc đầu về làm dâu, cô chịu nhiều ấm ức vì mẹ chồng đối xử lạnh nhạt. Dần dần, nàng dâu đã khiến mẹ chồng phải đổi ý bởi cách thể hiện quá tử tế, văn minh.
“Từ ngày về làm dâu, mẹ chồng đã tỏ thái độ xa cách và không lấy gì làm niềm nở với tôi. Bà đối xử tôi xã giao hết sức, nghĩa là nhìn thấy mặt nhạu thì gật đầu, ừ hử hoặc liếc mắt một cái thay cho câu chào chứ quyết không nhiều lời, dây dưa thêm.
Lúc đầu, tôi còn tưởng mình làm gì phật lòng mẹ chồng nhưng sau mới biết được nguyên do. Hóa ra trong mắt mẹ chồng, tôi chỉ là "người ngoài", "người dưng nước lã" mà thôi. Tư tưởng đó được bà thể hiện rõ trong hành động hàng ngày. Ví dụ như tôi có đi đâu về muộn, bà chẳng bao giờ đợi cửa, mà luôn tắt điện, khóa cửa luôn.
Tôi ốm đau, bà cũng chẳng thèm hỏi han gì. Tôi đi làm về muộn, bà phần cơm canh nhưng lèo tèo, lại còn trộn lẫn như cơm thừa. Có đồ gì ngon, bà để phần cho chồng tôi, nhưng đứa con dâu ngày ngày dọn dẹp, giặt giũ, cơm nước cho bà thì 1 miếng cũng không được”, nàng dâu kể lại.
Không chỉ dừng lại ở cách hành xử, mẹ chồng còn lớn giọng tuyên bố với nhiều người thân rằng chỉ xem con dâu là “người ngoài”. Cô gái trẻ tâm sự:
“Có lần đám giỗ ông nội chồng tôi, lúc họ hàng tề tựu đông đủ, mẹ chồng tôi ngồi buôn chuyện với mọi người rồi hồn nhiên tuyên bố: "Ai nói gì thì nói, với tôi chỉ có con, có cháu mình là máu mủ ruột thịt còn tin tưởng được. Chứ con dâu là người ngoài, không biết đâu mà lần".
Tôi nghe thấy cũng tức tím mặt, nhưng rồi lại xuôi. Tôi không muốn chấp nhặt với bà làm gì”.
Với cách đối đãi vô cùng lạnh nhạt và thậm chí dễ gây tổn thương từ mẹ chồng, nàng dâu tuy buồn nhưng vẫn kiềm chế, không làm gì vượt quá giới hạn. Phải nói là mình rất nể cách cư xử này của cô, tuy còn trẻ nhưng hiểu chuyện, tôn trọng mẹ chồng dù phải chịu cảnh ngột ngạt, khó chịu.
Thay vì “ăn miếng trả miếng”, nàng dâu trẻ chọn cách sống tử tế với mẹ chồng. “Từ sau hôm đó, tôi càng sống biết điều hơn với mẹ chồng, với họ hàng nhà chồng. Tôi muốn chứng minh cho mẹ chồng thấy cách nghĩ của bà quá phiến diện!
Sau khi tôi về làm dâu 2 năm thì cô em chồng làm đám cưới. Cô ấy lấy chồng xa tận trong Nam, cả năm mới về thăm bố mẹ được đúng 1 lần. Trước còn cô em hay huyên thuyên cười nói trong nhà, từ ngày cô ấy đi thì nhà vắng lặng như tờ. Tất nhiên còn có con dâu như tôi ngày ngày lượn lờ quét dọn, đi ra đi vào quần quật trong nhà đấy. Nhưng mẹ chồng tôi đâu có thèm nói chuyện cùng.
Thế rồi đùng 1 cái, mấy tháng trước mẹ chồng tôi bị đau dạ dày dữ dội, phải nhập viện lúc nửa đêm. Bác sĩ bảo bà bị thủng dạ dày và phải làm phẫu thuật gấp. Em chồng tôi từ trong Nam nghe tin vội vã bay về nhưng cũng chỉ ở được với mẹ 3 hôm rồi lại phải vào vì còn vướng công việc rồi nhà chồng nữa.
Tất nhiên, toàn bộ việc chăm nom mẹ chồng lúc ấy giao hết cho đứa "người ngoài" là tôi. Chồng tôi đi làm về muộn nên tranh thủ vào được lúc nào hay lúc ấy. Nhiều hôm anh đòi ngủ đêm ở viện nhưng tôi không cho, vì sáng hôm sau anh phải đi làm sớm, mà nhà lại cách công ty xa nữa.
Tôi chăm mẹ chồng rất chu đáo, đến mức nhiều người còn tưởng tôi là con ruột của bà. Lúc đầu, mẹ chồng ngại tôi nên chẳng chuyện trò gì mấy. Sau có lần bà muốn đi vệ sinh nhưng ngại không dám nhờ con dâu dìu đi. Tôi biết tỏng nhưng không nói gì, mãi lúc sau bà không chịu nổi nên phải bảo: "Con dìu mẹ đi với". Đấy là câu dài nhất bà từng nói với tôi, cũng là lần đầu tiên bà xưng mẹ - con.
Sau khi ra viện, ngày nào tôi cũng mua chim bồ câu hầm cho bà ăn lại sức. Tôi cứ chăm bà như vậy vài tháng liền, đến khi bà béo tốt lên được một chút, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Hôm vừa rồi có bà bác bên nội từ quê lên thăm sức khỏe mẹ chồng tôi. Lúc 2 người nói chuyện thì tôi vừa vặn mang đồ ăn tẩm bổ lên cho mẹ chồng nên nghe được:
"May mà có con dâu chăm lo cho nhé. Đấy, cứ bảo nó người ngoài, rồi cuối cùng ốm đau đến tay nó hết. Thôi qua vụ này coi như sáng mắt ra nhé, liệu mà cư xử tốt với nó" – "Ừ, cũng may có nó chị ạ. Nghĩ trước kia mình đối xử không ra gì với nó mà ngại…". Tôi đừng bên ngoài khẽ cười. Cuối cùng mẹ chồng tôi cũng tỉnh ngộ ra rồi”, nàng dâu kể lại.
(Ảnh minh họa: VNE)
Trong câu chuyện này, nếu con dâu “đốp chát” lại mẹ chồng hay “đá thúng đụng nia” thì mâu thuẫn sẽ càng căng thẳng, thậm chí dẫn đến nhiều tình huống ngoài kiểm soát. Tuy mẹ chồng lúc đầu có quá quắt, lạnh nhạt nhưng con dâu kiềm chế rất giỏi, nhẫn nhịn đợi lúc thích hợp để thể hiện tấm lòng của mình.
Nhờ việc hết lòng chăm sóc khi mẹ chồng đau ốm, cô con dâu đã thay đổi tình thế và khiến mẹ chồng “thức tỉnh”, không còn suy nghĩ phiến diện “con dâu là người dưng”. Suy cho cùng, nếu mẹ chồng nào cũng chịu mở lòng đón nhận và con dâu biết tôn trọng, đối đãi hết lòng thì không khí gia đình dễ chịu, hòa thuận biết bao.