1. Nắng nóng gây nhiều bệnh về mắt
Sự gia tăng nhiệt độ và các tác nhân gây dị ứng trong không khí như bụi bẩn, phấn hoa có thể khiến mắt bạn dễ bị tổn thương, gây nhiều bệnh về mắt. Khi mắc các bệnh về mắt người bệnh thường gặp các triệu chứng: Đau mắt, ngứa mắt, mắt sưng và đỏ, có rỉ mắt, nhìn mờ...
Để điều trị các tình trạng này có rất nhiều loại thuốc, nhưng phổ biến là: Dạng lỏng để nhỏ trực tiếp vào mắt, dạng đặc để bôi (tra) mắt. Các thuốc này đều có tác dụng tại chỗ. Trong trường hợp cần thiết bác sĩ nhãn khoa có thể kê đơn thuốc uống...
Tuy nhiên, để sử dụng thuốc hiệu quả, chính xác, an toàn, tránh các tác dụng phụ nguy hiểm, cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa.
Thời tiết thay đổi liên tục kèm theo nắng nóng kéo dài gây nên nhiều bệnh về mắt.
2. Các thuốc trị bệnh về mắt
Hiện tại các thuốc dùng điều trị các bệnh về mắt có nhiều dạng sử dụng: Dạng lỏng (nhỏ mắt), mỡ (tra mắt), uống (đường toàn thân). Tùy từng loại bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại nào cho phù hợp.
2.1.Thuốc kháng sinh
Các thuốc kháng sinh có tác dụng chống vi khuẩn. Các kháng sinh tra nhỏ mắt thường dùng điều trị các bệnh: viêm mi mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, viêm mí, chắp, lẹo, hoặc sau phẫu thuật mắt...
Các kháng sinh thường dùng trong nhãn khoa như: Gentamycin, tetracycline, tobramycin (dạng nước, mỡ), các cephalosporin (dạng tiêm, uống)... Ngoài ra còn có một số thuốc dạng phối hợp như neomycin polymycin B bacitracin (dạng mỡ), polymycin neomycin (dạng nước, mỡ)…
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như: Tình trạng quá mẫn ở da, có thể xuất hiện chủng kháng thuốc, gây rát nhẹ ở mắt, ngứa, kích thích...
Thuốc kháng sinh tra mắt dạng nước/mỡ được sử dụng rộng rãi để phòng nhiễm khuẩn kết giác mạc hoặc sau phẫu thuật mắt.
2.2.Các thuốc chống virus
Thuốc chống virus được dùng điều trị các bệnh mắt do virus gây ra như viêm kết mạc (đau mắt đỏ), viêm giác mạc... do virus. Virus gây bệnh thường gặp là: Adenovirus, Herpes simplex, Herpes zoster ...
Việc điều trị tổn thương do virus khá khó khăn do bệnh thường xuyên tái phát và việc dùng kháng sinh chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm vi khuẩn mà không chống được virus.
Một số thuốc thường dùng trong điều trị các bệnh về mắt do virus: Idoxuridin, vidarabin, acyclovir, trifluorothymidin. Tùy từng trường hợp nhiễm virus mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại thuốc nào cho phù hợp.
Tránh tự ý dùng thuốc, lạm dụng thuốc vì các thuốc như doxuridin, vidarabin, trifluorothymidin có thể gây độc cho phần trước của mắt nếu dùng kéo dài.
2.3.Các thuốc chống nấm
Các thuốc chống nấm dùng để điều trị các bệnh nhiễm nấm, ví dụ như viêm loét giác mạc do nấm.
viêm loét giác mạc do nấm thường liên quan đến các chấn thương giác mạc do bụi, cành cây, lá cây. Việc lạm dụng các thuốc nhỏ mắt chứa corticoid cũng gây nên các biến chứng, tạo ra môi trường cho vi khuẩn và vi nấm phát triển. Nếu không được điều trị kịp thời và tích cực, nấm sẽ lan vào sâu gây nhiễm nấm toàn nhãn, hoại tử các tổ chức nội nhãn, thậm chí gây mù vĩnh viễn.
Nấm Candida, Fusarium, Aspergillen, Peniallium… thường gây viêm loét giác mạc do nấm. Các thuốc chống nấm có thể chia ra làm 2 nhóm:
- Nhóm azoles: Itraconazole, ketoconazole, Fluconazole
- Nhóm polyenes: Nhóm này gồm Amphotericin B, Natamycin 5%.
2.4. Các thuốc chống viêm corticosteroidCác corticosteroids " style="box-sizing: border-box; background-">
Các corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh nhất và còn có tác dụng chống xuất tiết và chống dị ứng. Thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh: viêm mống mắt thể mi, viêm màng bồ đào, viêm kết mạc, giác mạc dị ứng (viêm kết mạc mùa xuân, viêm nhu mô giác mạc), viêm củng mạc, sau các phẫu thuật mắt.
Tuy nhiên, các thuốc corticosteroid có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: nhiễm nấm, nhiễm virus, chậm liền vết thương, đục thủy tinh thể, thậm chí nếu dùng kéo dài có thể gây mù lòa.
Các thuốc thường dùng: Prednisolon (dạng dung dịch, dịch treo), dexamethason (dịch treo, dung dịch, mỡ), hydrocortison (mỡ), fluoromethane... hoặc corticoid phối hợp như: Prednisolon acetat atropin sulfat (dạng dung dịch), hydrocortison cloromycetin (dạng dung dịch)…
2.5.Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Các thuốc chống viêm không steroid có thể sử dụng để điều trị các bệnh về mắt. Chúng thường được sử dụng tại chỗ, có tác dụng yếu hơn so với các thuốc steroid nhưng không gây các tác dụng phụ nặng nề, đặc biệt là khi sử dụng kéo dài.
Thuốc nhóm này thường dùng điều trị viêm sau phẫu thuật mắt, giảm ngứa trong bệnh viêm kết mạc dị ứng, viêm màng bồ đào, viêm thượng củng mạc và phòng ngừa co đồng tử trong quá trình phẫu thuật mắt.
Một số thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay như: Ketorolac, indomethacin, bromfenac, nepafenac, diclofenac...
2.6. Các thuốc thay thế nước mắt
Các thuốc nhóm này là các chất nhầy giúp duy trì lớp phim nước mắt trên bề mặt giác mạc. Thuốc thường dùng trong trường hợp bị khô mắt hoặc mắc một số bệnh lý liên quan để làm giảm tình trạng khó chịu ở mắt.
Một số thuốc thay thế nước mắt thường dùng là: Nước mắt nhân tạo (tear fresh, blueye, natural tear…), các thuốc làm tăng tái tạo tế bào biểu mô của kết giác mạc (keratyl, sanlein, hylene, hallas…).
Ngoài ra, còn nhiều nhóm thuốc khác như thuốc gây tê tại chỗ, thuốc tra mắt nhuộm giác mạc, thuốc giãn đồng tử, thuốc co đồng tử… Tuy nhiên, các thuốc này thường được sử dụng tại cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý phức tạp tại mắt.
3. Lưu ý khi sử dụng
Để sử dụng các thuốc điều trị các bệnh ở mắt an toàn, hiệu quả cần lưu ý:
- Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Trong thời gian dùng thuốc, nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế tin cậy để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.