Trầm cảm nặng vì bị bạn đánh
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Đỗ Thùy Dung, Phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, tại đây vẫn thường tiếp nhận trẻ có dấu hiệu trầm cảm, thậm chí đã có hành vi tự hủy hoại bản thân và có ý tưởng tּự sáּt. Nguyên nhân xuất phát từ việc trẻ bị bắt nạt tại trường.
BS. Dung kể, điển hình là trường hợp bé P.T.D (14 tuổi, trú tại Bắc Ninh) được cha mẹ đưa đến viện khám khi nhận thấy con có nhiều thay đổi so với trước đây.
Tại bệnh viện, qua nhiều cuộc trò chuyện với bác sĩ điều trị, D. chia sẻ khoảng 1 năm nay, em có căng thẳng với nhóm bạn nữ trong lớp vì các bạn hay mỉa mai chê bai về ngoại hình, nói D. kiêu chảnh, khinh người và cho rằng D. hay “nhìn đểu”.
Không chỉ vậy, nhóm bạn này thường đe dọa, xúc phạm, có lúc cầm vở tát vào mặt D. trong lớp. D. không dám kể chuyện với ai vì bị dọa, nếu mách bố mẹ và giáo viên, sẽ bị đánh nhiều hơn. Tình trạng này kéo dài khiến D. luôn trong tâm trạng lo lắng, căng thẳng và sợ hãi, dễ cáu gắt nổi nóng với người thân, học tập bị giảm sút.
Mẹ D. cho hay, em nghỉ học thường xuyên hơn, trở lên lầm lì và ít nói, ăn uống kém, đêm ngủ chập chờn. D. ít ra ngoài, mỗi khi đi học hoặc phải ra khỏi nhà thường đeo khẩu trang, đội mũ kín.
Khoảng 2 tuần trước khi vào viện, D. tự ý nghỉ hẳn học ở nhà, chỉ ở trong phòng khóc lóc, có ý nghĩ tּự sáּt và đã tự rạch tay mình. Vì thế gia đình vội vàng đưa con đi khám.
Tại bệnh viện, D. được chẩn đoán “trầm cảm nặng, có ý tưởng tּự sáּt, có hành vi tự hủy hoại” và phải nhập viện điều trị. Sau 2 tuần nội trú, các triệu chứng của D. có khá hơn nhưng vẫn lo lắng, sợ hãi khi đi học, dù thầy cô và phụ huynh đã có can thiệp.
Hệ lụy khôn lường
Cách đây ít lâu, tại khoa Sức khỏe vị thành niên, bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận bé gái T.T.T (học cấp 2, tại Hà Nội) trong tình trạng căng thẳng, lo sợ việc tiếp tục đi học sẽ bị bạn bè ở lớp đánh đập và từng có ý định tּự tּử.
Ở tại bệnh viện, suốt ngày T. chỉ nằm thu mình, cảm giác tự ti và không muốn tâm sự hay trò chuyện với bất kỳ ai.
Theo BS. Ngô Anh Vinh, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, bệnh nhân bị những sang chấn về tinh thần nặng nề. Qua tìm hiểu, trước đó T. thường xuyên bị một nhóm bạn cùng lớp đánh vì cho rằng em nói xấu các bạn.
BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, viện Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai cho biết, hành vi bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng ở trẻ trong độ tuổi đi học.
Sức khỏe thể chất có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức sau khi bị bắt nạt, tuy nhiên hệ lụy lâu dài hơn là những đứa trẻ bị bắt nạt có sức khỏe thể chất kém so với những đứa trẻ không bị bắt nạt. Khi stress trở nên kéo dài, hệ thống hormone đáp ứng stress trở nên suy giảm chức năng dẫn đến rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc, giảm chú ý, giảm hiệu quả học tập…
Những cá nhân từng bị bắt nạt cho biết, mức độ trầm cảm và ý định tּự tּử cao hơn, cũng như gia tăng cảm xúc đau khổ, thái độ thù địch bên ngoài và hành vi phạm pháp, thậm chí có hành vi tּự sáּt.
Cách nào ngăn chặn?
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mỗi năm trên toàn toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Tuy nhiên đây mới chỉ mảng nổi của tảng băng chìm, vì nhiều vụ việc xảy ra không được các nạn nhân báo cáo, chia sẻ.
Trên thực tế, bắt nạt học đường không chỉ đơn giản là hành vi ngược đãi, đánh đập, B.H, làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể mà còn thể hiện ở việc nạn nhân bị sỉ nhục, lăng mạ; bị tẩy chay, cô lập vì những lý do hết sức vô lý như “nhìn đểu”, “học giỏi nhưng không nhắc bài”…
Bị bắt nạt, không ít học sinh vì nhiều lý do không dám nói ra, tự chịu đựng. Hoặc có trường hợp nói ra nhưng bố mẹ, nhà trường không có giải pháp xử lý triệt để, khiến các em rơi vào bế tắc, dẫn đến hành động bột phát dại dột.
Theo PGS. TS. Phạm Mạnh Hà, Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện trẻ đang phải chống chọi nhiều áp lực khác nhau của cuộc sống. Sự biến động, thay đổi hàng ngày hàng giờ, dẫn đến việc một đứa trẻ gặp nhiều khó khăn để thích ứng với môi trường.
“Những đứa trẻ hiện nay có thể dinh dưỡng đầy đủ, trang bị nhiều kiến thức văn hóa, nhưng dường như vẫn chưa có chuẩn bị đủ về trí tuệ cảm xúc để có thể kiểm soát được hành vi của mình trước sự tác động bên ngoài.
Chính vì vậy, giáo dục trí tuệ cảm xúc để trẻ có đủ sức mạnh về mặt tinh thần, có thể kiểm soát hành vi của mình hoặc lên tiếng khi mình là nạn nhân của B.L học đường là rất cần thiết”, TS. Phạm Mạnh Hà chia sẻ.
BS. Hoàng Yến thì cho rằng, cha mẹ, thầy cô giáo cần phân định rõ hành vi bắt nạt (lặp đi lặp lại nhiều) hay chỉ là xung đột mâu thuẫn đơn thuần của trẻ, để có cách thức giải quyết, hỗ trợ giúp trẻ thoát khỏi việc bị bắt nạt.