Gạch Ấn, gạch Trung khắp hang cùng ngõ hẻm
Một lãnh đạo của Công ty Amy Grupo, công ty chuyên về vật liệu xây, dựng kể rằng toàn ngành gạch ốp lát đang chịu sức ép lớn từ gạch Ấn Độ. Với thuế nhập khẩu giảm còn 5% vào năm ngoái theo Hiệp định ASEAN - Ấn Độ, giờ mọi cửa hàng ở mọi ngõ ngách đều bán hàng Ấn Độ. “Giá hàng Trung Quốc đã rẻ rồi nhưng giá hàng cùng sản phẩm của Ấn Độ còn rẻ hơn nữa”, vị này lo ngại.
Hệ quả với sản xuất trong nước là rõ. "Ngành xây dựng đang khó khăn từ đầu năm 2022 đến nay. Cộng với sự xâm lấn của hàng Ấn Độ, hàng Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ chạy 50% công suất", ông nói và cho rằng, ngành gạch ốp lát trong nước khó mà giữ được trị giá 4 tỷ USD như trước đây.
Hơn 15 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTAs) đã đưa hàng “made in Việt Nam” ra khắp thế giới. Song, ngược lại, hàng ngoại cũng tràn vào, thử thách sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt, của sức cạnh tranh và chất lượng của hàng Việt, như câu chuyện kể trên.
Nước nông nghiệp nhưng chỉ cả chục tỷ đô la nhập khẩu nông sản
Ngành nông nghiệp, thế mạnh lớn nhất, tiền tươi thóc thật nhất của Việt Nam lại dễ tổn thương nhất: chúng ta bỏ ra hàng tỷ USD nhập ngô, đậu tương, thịt,… mỗi năm.
Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 1,84 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 1,28 tỷ USD; trên 9,6 triệu tấn ngô, trị giá gần 3,33 tỷ USD; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trị giá 5,6 tỷ USD; rau quả 2,08 tỷ USD, tăng 40,3% so với năm 2021 mà chủ yếu từ Trung Quốc với 858 triệu USD.
Là cường quốc về hạt điều, Việt Nam chi tới 2,68 tỷ USD trong năm 2022 và 1,06 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay để nhập hạt điều, chủ yếu từ Campuchia. Giá trị nhập khẩu hạt điều nhiều hơn giá trị xuất khẩu (952,5 triệu USD). Cả điều thô và điều nhân khi nhập vào trong nước để chế biến, xuất khẩu đều được miễn thuế, nên Hiệp hội Điều đã phải kêu cứu khẩn thiết.
Thịt các loại cũng được mở toang cửa vào Việt Nam. Những phụ phẩm thịt không được ưa chuộng ở nước ngoài lại là món hàng ưa thích của người Việt, được nhập về ồ ạt với giá rẻ mạt, len lỏi vào từng suất ăn. Trong năm 2022, Việt Nam chi 1,52 tỷ USD để nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật.
Báo cáo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho thấy, trong 2 năm trở lại đây, tăng trưởng nhập khẩu thịt gia cầm lên tới gần 60%, trong khi tăng trưởng sản xuất trong nước chỉ 6,14%.
Giám đốc một doanh nghiệp nuôi gà than thở khi không cạnh tranh nổi với thịt gà nhập. Ông cho biết, doanh nghiệp nuôi gà đẻ trứng. Mỗi tháng có 100-200 tấn gà hết khả năng đẻ trứng để bán ra thị trường. Nhưng gà thải từ nước ngoài nhập về khiến bán không bán được, hoặc giá rất thấp. "Tôi rất buốt ruột và khó hiểu khi Việt Nam cho nhập những mặt hàng này về tiêu dùng", ông nói.
Khoảng trống mênh mông trong ngành công nghiệp
Còn nhìn những số liệu thống kê về nhập nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu mới thấy khoảng trống mênh mông của nền sản xuất nước nhà. Muốn có nguyên liệu làm hàng xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ còn cách nhập từ cái kim sợi chỉ ở nước ngoài.
Chẳng hạn, nhập khẩu mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 6,7 tỷ USD; vải nguyên liệu 14,7 tỷ USD; bông nguyên liệu hơn 4 tỷ USD; xơ, sợi dệt các loại 2,55 tỷ USD; thép 11,9 tỷ USD…
Thống kê được Bộ Công Thương đề cập tại tờ trình xây dựng Luật Phát triển công nghiệp dễ hình dung hơn. Việt Nam nhập khẩu 90% bông nguyên liệu, 40% xơ sợi tổng hợp, 50% sợi bông và 80% vải khổ rộng; 90% các sản phẩm trung gian và phụ kiện, sợi, dệt, vải dệt kim phục vụ gia công xuất khẩu CMT (Cut - Make - Trim) trong cơ cấu kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu hàng dệt may; ngành da giầy nhập 40-45% nguyên liệu từ nước ngoài; 75%- 80% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa phải nhập khẩu.
Nỗi lo xuất khẩu hộ, giá trị gia tăng thấp
Theo dữ liệu tính toán của UNIDO 2020, giai đoạn 2011 - 2019, tỷ trọng nhập khẩu sản phẩm trung gian của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu tăng từ 60,8% năm 2010 lên đến 69,3% năm 2019, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Đó là lý do Việt Nam chỉ gia công xuất khẩu là chính. Phần lợi nhuận thu được là rất ít ỏi vì thường chỉ chiếm giá trị nhỏ trong cơ cấu giá của sản phẩm cuối cùng.
Con số thể hiện trong báo cáo của Bộ Công Thương làm rõ nhận định trên. Theo ước tính hiện có đến 75% DN dệt may đang làm gia công, quy mô nhỏ, yếu về nguồn lực tài chính. Ngay ở công đoạn may, doanh nghiệp cũng chủ yếu tham gia ở khâu đơn giản là CMT (Cắt, may, hoàn thiện sản phẩm) chiếm khoảng 70-80%. Toàn bộ các khâu khác do đối tác nước ngoài cung cấp. Hình thức sản xuất này chỉ mang lại tỷ suất lợi nhuận vỏn vẹn 4%.
Khoảng 20% tham gia sản xuất theo phương thức FOB (mua nguyên liệu bán thành phẩm), mang lại tỷ suất sinh lợi khoảng 7%.
Hai phương thức ODM (tự thiết kế, sản xuất) và OBM (làm tất cả các khâu, từ sản phẩm, thành phẩm và phân phối) có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận tới 30-40%, nhưng chỉ có khoảng 9% doanh nghiệp áp dụng phương thức ODM và 1% doanh nghiệp tham gia phương thức cao nhất là OBM.
Với hàng dệt may, Việt Nam là quốc gia duy nhất không sử dụng nguyên phụ liệu trong nước. Ảnh: Hoàng Hà
Trong công đoạn cung cấp nguyên phụ liệu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dệt may Việt Nam chỉ đáp ứng được gần 1% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu về xơ. Vải dệt trong nước đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu sản xuất (1,5 tỷ mét/năm), còn lại phải nhập khẩu…
“Điều này dẫn tới nghịch lý là Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng dệt may lớn, nhưng là quốc gia duy nhất không sử dụng nguyên phụ liệu trong nước”, Bộ Công Thương cảnh báo.
Vậy nên Việt Nam mới bị xếp hạng 105/137 về số lượng nhà cung ứng nội địa và 116/137 về chất lượng nhà cung ứng nội địa, kém hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Cần lấy trong nước bù cho nhập khẩu
Những con số kể trên cho thấy Việt Nam đang lệ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập từ nước ngoài. Khi có cú sốc xảy đến như Covid-19, xung đột Nga – Ucraina… ngay lập tức nhiều ngành hàng trong nước bị ảnh hưởng. Có thời nhà máy không có nguyên liệu, máy móc hỏng không có thiết bị thay thế… Tính tự chủ của nền kinh tế khá mong manh.
Độc lập, tự chủ về kinh tế không có nghĩa Việt Nam phải sản xuất mọi thứ từ A-Z. Nhưng cũng không có nghĩa chúng ta phải nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu, nhập khẩu cả những sản phẩm nông sản như thịt gà, thịt lợn, đậu tương, ngô…
Những ngành có dung lượng thị trường lớn như dệt may, da giày, điện tử… hoàn toàn có thể có chính sách cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng. Nhà nước có chính sách bồi dưỡng, nuôi dưỡng để họ lớn lên. Ngành nông nghiệp còn nhỏ bé cần phải được bảo vệ trước nông sản giá rẻ bằng những hàng rào kỹ thuật trong các FTAs.
Thay thế được một phần trong số hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho hàng nhập, chúng ta sẽ thêm doanh nghiệp khai sinh, thêm việc làm cho bao con người. Chúng ta không phải chứng kiến hàng dài người xếp hàng chờ đi xuất khẩu lao động, mà họ có thể kiếm sống được ngay chính trên quê hương mình.
Quan trọng hơn, tự chủ phần nào nguồn nguyên, vật liệu cho sản xuất thì mới tận dụng được các ưu đãi trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chẳng hạn như quy tắc từ sợi trở đi trong Hiệp định CPTPP.
Cho nên, cùng với việc hăng hái với những hiệp định thương mại tự do, nhà quản lý cần tạo lập nền móng cho doanh nghiệp nội; có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Tránh tình trạng doanh nghiệp nội vốn chưa kịp lớn lên đã bị hàng nhập “đánh” cho xây xẩm mặt mày. Làm sao những đô vật có thể chiến đấu với những đối thủ không cùng hạng cân. Không có sự chuẩn bị kỹ càng, doanh nghiệp nhỏ sao đấu lại được những người khổng lồ dày dạn kinh nghiệm chinh chiến trên trường quốc tế.
Thiếu đi nền sản xuất thực sự, thị trường 100 triệu dân có nguy cơ trở thành nơi tiêu thụ của hàng nhập khẩu. Ngành nông nghiệp vốn dễ tổn thương lại càng thêm điêu đứng, ngành công nghiệp không mang lại nhiều giá trị gia tăng ngoài những con số thống kê về xuất khẩu, còn lao động tha hương tìm việc.
Xét cho cùng, thành tích thu hút vốn đầu tư nước ngoài hay số hiệp định thương mại được ký kết chỉ phát huy tác dụng khi tạo cú hích cho doanh nghiệp nội phát triển thay vì teo tóp dần.