“Khúc mắc” thuế nhập khẩu đậu tương đang làm khó nuôi trồng thủy sản

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Khúc mắc’ lớn nhất đang nằm ở mức thuế suất 2% với đậu tương nhập khẩu - là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm 80-90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản. Một khi chưa giải được khúc mắc này thì người nuôi không có lãi, còn ngành nuôi trồng thủy sản sẽ vẫn loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh.
“Khúc mắc” thuế nhập khẩu đậu tương đang làm khó nuôi trồng thủy sản
Theo dự báo đến năm 2025 và 2030 nhu cầu nhập khẩu khô đậu tương ở Việt Nam sẽ tăng lên 6,5 - 8 triệu tấn/năm.

Theo dự báo đến năm 2025 và 2030 nhu cầu nhập khẩu (NK) khô đậu tương ở trong nước sẽ tăng lên 6,5 - 8 triệu tấn/năm. Do diện tích đất trồng trọt nói chung và đất trồng đậu tương càng ngày càng hẹp nên Việt Nam sẽ có nhu cầu NK rất lớn khô đậu tương trong những năm tới.

Người nuôi không có lãi

Còn hiện tại, giá khô đậu tương NK vẫn đang duy trì ở mức cao. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nuôi trồng thủy sản và ngành chăn nuôi trong nước khiến cho nhu cầu khô đậu tương tại Việt Nam đang không ngừng tăng lên trong những năm qua.

Theo nhận định, lượng NK đậu tương về Việt Nam trong thời gian tới dự kiến đạt từ 80- 120 nghìn tấn/tháng, với giá NK từ 670 – 700 USD/tấn. Còn theo số liệu thống kê hồi tháng 1/2023, giá NK trung bình đậu tương về Việt Nam ở mức 672 USD/tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá NK đậu tương bình quân từ thị trường Mỹ cạnh tranh nhất, đạt 663 USD/tấn, tăng 10,8% so với tháng 1/2022.

Hồi năm ngoái, NK khô đậu tương đạt khoảng 5 triệu tấn. Tuy lượng NK đứng thứ 2 sau ngô, nhưng giá trị khô đậu tương NK lại lớn nhất do giá thành NK mặt hàng này cao hơn ngô tới 70%.

Trong 3 năm trở lại đây, có giai đoạn giá khô đậu tương tăng lên đến 71%. Thế nhưng giá sản phẩm thủy sản lại không tăng theo giá thức ăn mà còn giảm ở một số thời điểm, càng làm cho ngành nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn.

Giám đốc một HTX Sản xuất và dịch vụ thủy sản ở Đồng Tháp cho biết hiện nay dù giá cá bán cao hơn trước, nhưng với giá TĂCN quá cao nên người nuôi vẫn không có lãi. Nhất là thức ăn cho cá nhiều lần tăng giá, đẩy giá thành nuôi cá tăng. Thời gian nuôi lại kéo dài 14-15 tháng, cá tra đạt trọng lượng 1,2-1,4 kg/con mới bán được. Thời gian nuôi dài khiến lượng thức ăn dùng cho cá tra cũng tăng lên từng ngày.

Hoặc ở mảng nuôi tôm, ở các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì người chăn nuôi đang lo lắng “kép” khi giá tôm lúc lên lúc xuống, còn giá thức ăn cho tôm thì luôn tăng ổn định.

Qua trao đổi với VnBusiness, một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm ở ĐBSCL cho rằng một trong những lý do khiến người nuôi tôm khó có lợi nhuận vì giá bán tôm lên xuống thất thường, còn giá thức ăn (chiếm khoảng 70% giá thành nuôi tôm) chỉ lên mà không xuống. Trong đó, giá thức ăn đội cao là một trong những nguyên nhân khiến giá thành nuôi tôm của Việt Nam đang cao nhất thế giới, nên phải có giải pháp hạ giá thành.

Đừng để mất lợi thế cạnh tranh

Đó là lý do mà trong tháng 3/2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) đã gửi công văn tới Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế NK khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%.

Điều này nhằm giúp các DN trong ngành mạnh dạn đầu tư sản xuất, tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những nước sản xuất và XK thủy sản lớn trên thế giới.

Bởi lẽ, tình trạng tăng giá TĂCN đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam với các nước như: Ecuador, Ấn độ, Thái Lan, Trung Quốc…và các kế hoạch phát triển bền vững của ngành. Cụ thể, cùng mặt bằng so sánh và size cỡ thu hoạch tôm, giá tôm nguyên liệu Việt Nam đang cao hơn từ 20 – 30% giá tôm nguyên liệu của Ấn độ và Ecuador.

Như chia sẻ của chuyên gia của Vasep, ngành nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh. Thực tế hiện nay, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm 80-90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản và TĂCN. Tuy nhiên, mặt hàng này đang có giá NK cao và không được hưởng cơ chế giảm thuế NK như lúa mì và ngô, theo như nghị định 101/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ.

Theo chuyên gia của Vasep, ngành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng, TĂCN nói chung đang đứng trước nguy cơ giảm mạnh về sản lượng, giá bán tăng cao, giảm sức cạnh tranh.

Cần nhắc lại, từ hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ NN&PTNT từng có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh thuế NK đối với TĂCN sau khi nhận được văn bản kiến nghị từ các DN sản xuất TĂCN đề xuất giảm thuế NK khô đậu tương về 0%.

Còn trước đó, vào tháng 11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 101/NĐ-CP, trong đó điều chỉnh giảm thuế NK đối với lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô giảm từ 5% xuống 2% từ ngày 31/12/2021. Tuy nhiên, thuế NK đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên 2%.

Trên thực tế, không chỉ với ngành nuôi trồng thủy sản, giá khô đậu tương ở mức cao đã tác động trực tiếp tới giá thành chăn nuôi tại Việt Nam. Trong khi đó, tại các nước có ngành TĂCN và chăn nuôi phát triển trong khu vực ASEAN nhiều năm qua đều đang duy trì thuế suất 0% đối với khô đậu tương NK để hỗ trợ ngành TĂCN và chăn nuôi trong nước.

Như ở Hàn Quốc, Chính phủ sẵn sàng trợ giá NK nguyên liệu đầu vào trong những chu kỳ giá nguyên liệu tăng cao cho một số mặt hàng nguyên liệu chính để hỗ trợ các DN chăn nuôi, nhằm ổn định giá thành chăn nuôi trong nước.

Hoặc như Malaysia hiện đang áp thuế NK 0% đối với một số nguyên liệu TĂCN nhập khẩu như ngô, khô đậu tương, bã ngô lên men (DDGS). Kết quả là Malaysia đã giảm được chi phí sản xuất giúp hạ lạm phát thực phẩm cho đất nước

Do đó, để gỡ “khúc mắc” về giá TĂCN thì việc giảm thuế suất NK khô đậu tương xuống 0% là rất cần thiết trong lúc này. Như thế sẽ giúp ngành nuôi trồng thủy tại Việt Nam hạ được giá thành, ổn định mặt bằng, giá thành sản xuất trong nước, đồng thời giữ được lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật