Vừa trải qua một năm 2022 đầy sóng gió khi chỉ đạt 34% kế hoạch lợi nhuận đề ra, tuy nhiên bất động sản vẫn là một trong những điểm sáng của Hòa Phát (HPG) với kết quả kinh doanh tích cực, các khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 100% (diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật).
Tiếp tục tạo sức hút lớn
Sau báo cáo thường niên năm 2022 vừa công bố, ông Trần Đình Long - Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát, chia sẻ việc thị trường từ sốt nóng rồi đột ngột chuyển lạnh gây ra không ít khó khăn, song mảng địa ốc vẫn đang đi đúng hướng, trong đó có “mũi chủ công” từ bất động sản công nghiệp.
Hiện, “vua thép” vận hành 3 khu công nghiệp, gồm khu công nghiệp Phố Nối A quy mô hơn 688,94 ha (Hưng Yên), khu công nghiệp Hòa Mạc 131 ha (Hà Nam), khu công nghiệp Yên Mỹ II 313,5ha (Hưng Yên). Tổng quỹ đất khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch là 1133,44 ha.
Năm 2023, Hòa Phát sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng, với diện tích quy hoạch 216ha. Kế hoạch trong 10 năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp.
Cần nói thêm, lợi thế của Hòa Phát khi lấn sân sang bất động sản là có nhiều tiền mặt. Theo thống kê tại thời điểm 31/12/2022, Hòa Phát đang có 35.000 tỷ đồng tiền mặt (bao gồm hơn 26.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng).
Trong giai đoạn thị trường khó khăn, sức mạnh từ tiền mặt sẽ mang lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp trong hoạt động M&A, hợp tác đầu tư. Vì vậy, việc “vua thép” đặt mục tiêu cao vào bất động sản công nghiệp cho thấy phân khúc này đang có sức hút rất lớn.
Không chỉ là những cá thể đơn lẻ, những diễn biến từ thực tế trong thời gian qua cũng cho thấy bất động sản công nghiệp vẫn đang là mảng “hút tiền” mạnh nhất.
Nổi bật, cuối tháng 2 vừa qua, Foxconn, đối tác hàng đầu của Apple, đã ký hợp đồng thuê khu đất có diện tích 45 ha của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang với giá 62,5 triệu USD nhằm đáp ứng nhu cầu vận hành và mở rộng năng lực sản xuất.
Bên cạnh đó, những kết quả kinh doanh cũng đang cho thấy mảng cho thuê đất khu công nghiệp nói riêng hay bất động sản công nghiệp nói chung sẽ tiếp tục là “đòn gánh”, mang lại nguồn thu chủ lực, thậm chí quyết định thành bại của không ít doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đơn cử, suốt những năm qua, cho thuê khu công nghiệp trở thành đòn bẩy trong kinh doanh của Viglacera, với lợi nhuận trước thuế toàn mảng bất động sản đạt trên nghìn tỷ đồng (trong 2 năm gần nhất). Riêng năm 2022, địa ốc chiếm khoảng 70% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Viglacera.
Nắn dòng tiền đúng hướng
Theo kế hoạch, đến hết năm 2023, Viglacera dự kiến khảo sát và phát triển nhiều khu công nghiệp mới. Đến năm 2025, công ty đặt mục tiêu nâng tổng số khu công nghiệp lên 20 với trên 10 khu công nghiệp mới có tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000 - 3.000 ha.
Mục tiêu của Viglacera khá tương đồng với tham vọng của “vua thép” Hòa Phát. Điều này cho thấy sức hút rất lớn của mảng bất động sản công nghiệp với các đại gia hàng đầu. Và, theo dự báo, phân khúc này có thể còn tăng nhiệt trong thời gian tới với xu thế “Trung Quốc + 1” (nhu cầu chuyển bớt một phần sản xuất khỏi Trung Quốc).
Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ Công nghiệp Savills, khẳng định thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.
Bất động sản công nghiệp cũng chứng kiến sự quan tâm liên tục từ các nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và năng lượng, điển hình như Apple, Quanta, Samsung, LG… với những khoản đầu tư lên tới hàng tỷ USD trong thời gian tới.
Trong khi đó, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, đánh giá bất động sản công nghiệp Việt Nam đã qua thời “ăn đong”, chuyển dần từ “may sẵn” sang “may đo”, dòng tiền được nắn vào những lĩnh vực bền vững, tăng trưởng xanh.
Một trong những minh chứng rõ ràng cho xu hướng chuyển dần từ số lượng sang chất lượng của bất động sản công nghiệp thời qua là sự hiện diện của loạt dự án tỷ USD đến từ các nền kinh tế hàng đầu, trong đó điển hình nhất là LEGO.
Dự án của “gã khổng lồ” đồ chơi đến từ Đan Mạch không chỉ gây ấn tượng mạnh bởi giá trị nhà máy hơn 1 tỷ USD, tạo việc làm cho 4.500 người trong vòng 15 năm tới, mà còn cho thấy sự khác biệt rất lớn với cam kết hàng đầu là “phát thải bằng 0”.
Có thể thấy, bất động sản công nghiệp đang trên đà tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, dù đang có sự chuyển dịch đúng hướng, nhưng không thể phủ nhận bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn đang tồn tại không ít những điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Báo cáo của VNDirect dự báo thị trường bất động sản công nghiệp sẽ khan hiếm nguồn cung mới từ nay đến cuối năm 2023 ở cả hai miền Nam - Bắc, bởi những vướng mắc về pháp lý, đẩy giá thuê đất khu công nghiệp tăng mạnh.
Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản công nghiệp cũng đang phải chịu áp lực cạnh tranh lớn trong việc thu hút vốn FDI với các nước trong khu vực ASEAN.