Các nguyên tắc đối với trái phiếu của ICMA
Hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu được xem là cơ hội đầu tư hợp pháp tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Xây dựng nền tảng pháp lý về nguyên tắc trái phiếu vừa giúp mở rộng việc tiếp cận đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vừa nâng cao tính minh bạch của thị trường, tạo cơ sở phát triển tài chính quốc gia bền vững.
Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) là tổ chức tài chính phi lợi nhuận hoạt động trên thị trường nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán và vốn quốc tế theo định hướng ưu tiên tài chính bền vững. Về thị trường trái phiếu, ICMA cung cấp các bộ nguyên tắc và hướng dẫn cho việc quản lý trái phiếu.
Theo ICMA, các nguyên tắc về trái phiếu ra đời với vai trò tạo dựng khung pháp lý và nâng cao tính minh bạch của thị trường nợ toàn cầu. Dựa trên tinh thần áp dụng tự nguyện các nguyên tắc và quy trình phát hành trái phiếu theo thông lệ quốc tế, các bộ nguyên tắc của ICMA quy định riêng cho từng loại trái phiếu để tài trợ những dự án hướng tới phát triển bền vững về môi trường và xã hội, bao gồm: trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững và trái phiếu liên kết bền vững.
Mỗi loại trái phiếu mang những ý nghĩa riêng. Việc phân loại trái phiếu được xem là một hoạt động cần thiết trên thị trường nhằm đánh giá ảnh hưởng và áp dụng các công cụ tài chính phù hợp. Hướng dẫn Công cụ tài chính (FIG) được ICMA khuyến nghị áp dụng cho 3 loại trái phiếu: trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững.
ICMA đưa ra 4 cấu phần chính trong thực hiện FIG: sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh, quy trình đánh giá và lựa chọn dự án, chính sách quản lý nguồn vốn thu được, chế độ báo cáo. Ngoài ra, để nâng cao tính minh bạch của các loại trái phiếu, ICMA đề xuất các doanh nghiệp tại những quốc gia thành viên xây dựng và hoàn thiện khung Pháp Luật về trái phiếu, cũng như chế độ báo cáo, đánh giá tổng quan tình hình bên ngoài.
Riêng với trái phiếu liên kết bền vững, ICMA xây dựng nguyên tắc dựa trên 5 cấu phần chính, bao gồm: lựa chọn các chỉ số hiệu suất chính (KPIs), hiệu chỉnh các mục tiêu hiệu suất bền vững (SPTs), phân tích các đặc điểm trái phiếu, chế độ báo cáo, tiến trình kiểm tra và xác minh trái phiếu.
Bên cạnh đó, ICMA cung cấp Sổ tay tài chính chuyển đổi khí hậu 2020 (CTFH) nhằm hướng dẫn các tổ chức phát hành trái phiếu cách sử dụng trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững hoặc trái phiếu liên kết bền vững để đạt được chiến lược quốc gia về huy động vốn trên thị trường nợ, cho những mục đích liên quan đến chuyển đổi khí hậu, đáp ứng mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA
Theo ICMA, trái phiếu xanh là bất kỳ loại công cụ trái phiếu nào mà trong đó nguồn vốn thu được hoặc số tiền tương đương sẽ chỉ được áp dụng để tài trợ hoặc tái cấp vốn, một phần hoặc toàn bộ, cho các dự án xanh đủ điều kiện mới và hiện có. Nguyên tắc trái phiếu xanh (GBP) cho phép huy động vốn và đầu tư cho các dự án mới và hiện có tác động đến lợi ích môi trường.
Bảo vệ môi trường được xem là mục đích của hoạt động tài trợ trái phiếu xanh, trong đó giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm là những mục tiêu chính. Thông qua việc cung cấp các danh mục dự án xanh đủ điều kiện để được công nhận, GBP hỗ trợ các tổ chức phát hành tài trợ cho các dự án bền vững và thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy nền kinh tế không phát thải ròng và bảo vệ môi trường.
Theo GBP, những hạng mục dự án xanh đủ điều kiện hiện nay bao gồm: năng lượng tái tạo (sản xuất, truyền tải, thiết bị và sản phẩm); hiệu quả năng lượng (các tòa nhà mới và tòa nhà được cải tạo, lưu trữ năng lượng, sưởi ấm khu vực, thiết bị và sản phẩm lưới điện thông minh); phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm (giảm phát thải không khí, kiểm soát khí nhà kính, cải tạo đất, ngăn ngừa chất thải, giảm thiểu chất thải, tái chế chất thải và các dự án biến rác thải năng lượng/rác thải ít phát thải thành các dạng năng lượng khác).
Ngoài ra, còn có hạng mục quản lý tài nguyên thiên nhiên sống và sử dụng đất theo hướng bền vững với môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học trên cạn và dưới nước; giao thông sạch; quản lý nước và nước thải theo hướng bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu; các sản phẩm, công nghệ và quy trình sản xuất thích ứng với hiệu quả sinh thái và/hoặc kinh tế tuần hoàn; các công trình xanh đáp ứng các tiêu chuẩn hoặc chứng chỉ được công nhận trong khu vực, quốc gia và quốc tế.
Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Một là, thiết lập các thuật ngữ về trái phiếu như: trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững và trái phiếu liên kết bền vững. Việc rõ ràng về định nghĩa các loại trái phiếu không những có giá trị về mặt phân loại, mà còn hỗ trợ dự án trong việc tiếp cận các nguyên tắc khi phát hành trái phiếu.
Hai là, Chính phủ xem xét xây dựng các nguyên tắc về trái phiếu phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc trái phiếu xanh (GBP). Trong đó, tập trung hình thành và phát triển các tiêu chí đánh giá trái phiếu xanh và dự án xanh phù hợp với tình hình thị trường và điều kiện xã hội của Việt Nam.
Ba là, tham khảo những hạng mục dự án xanh đủ điều kiện của ICMA và xây dựng, hoàn thiện danh sách dự án xanh hay danh mục phân loại xanh (theo thuật ngữ dùng trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP) tại Việt Nam. Thiết lập danh sách dự án xanh sẽ góp phần minh bạch thị trường và tạo thuận lợi cho cơ quan, ban, ngành thực hiện công tác quản lý.
Ý nghĩa của các loại trái phiếu
Trái phiếu xanh là trái phiếu sử dụng cho việc huy động vốn và đầu tư các dự án mới/hiện có với các lợi ích về môi trường.
Trái phiếu xã hội là trái phiếu sử dụng nguồn thu từ phát hành trái phiếu được để gây quỹ cho các dự án mới/hiện có với kết quả xã hội tích cực.
Trái phiếu bền vững là trái phiếu mà nguồn thu từ phát hành trái phiếu sẽ được áp dụng riêng để tài trợ hoặc tái tài trợ cho sự kết hợp của cả dự án xanh và dự án xã hội.
Trái phiếu liên kết bền vững là trái phiếu nhằm phát triển hơn nữa vai trò của thị trường nợ trong việc tài trợ và khuyến khích doanh nghiệp đóng góp cho sự bền vững chung, từ các góc độ môi trường, xã hội và quản trị (ESG).