Chàng trai mang dâu tây về bãi bồi sông Lam

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nguyễn Văn Sơn không phải là người tiên phong đưa dâu tây về trồng ở vùng đất hè nắng “đổ lửa”, đông lạnh tái tê Hưng Nguyên (Nghệ An), nhưng có lẽ anh là người đầu tiên đưa loại “quả nhà giàu” ra trồng ở bãi bồi ven sông Lam. Chàng thanh niên trẻ đang hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và có giá trị cao.
Chàng trai mang dâu tây về bãi bồi sông Lam
Những quả dâu tây đẹp mắt, mọng nước bước đầu thành công trên bãi đất ven sông Lam nhờ bàn tay của chàng thanh niên trẻ.

Mang kiến thức từ Israel về quê khởi nghiệp

Bãi phù sa sông Lam ở xóm Văn Viên, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) vốn ít người đặt chân đến giờ bỗng tấp nập người vào ra. Từng tốp chị em xúng xính thuê trang phục, mua vé vào vườn dâu tây vừa chụp ảnh, vừa trải nghiệm thu hoạch những quả dâu tươi ngon. Ông chủ của vườn dâu tây ấy là Nguyễn Văn Sơn (SN 1991).

Chia sẻ về cơ duyên đưa cây dâu tây về mảnh đất đầy nắng gió, Sơn cho biết, năm 2013, khi đang là sinh viên ngành sinh học tại Trường Đại học Vinh anh đã giành được một suất thực tập ở Israel. Một năm ở đất nước có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới không chỉ cho Sơn nhiều kiến thức mới mẻ, nhiều kinh nghiệm quý mà đã cho anh ý tưởng khởi nghiệp. Bởi chàng thực tập sinh năm đó nhận ra rằng, ở Israel có điều kiện khí hậu khá tương đồng với Nghệ An. Họ trồng được nhiều nông sản có giá trị, trong đó có dâu tây. Ý tưởng đưa cây dâu tây về quê trồng bắt đầu le lói trong đầu chàng sinh viên vốn sinh ra từ làng cũng từ đó.

Sau khi về nước, Sơn từ chối công việc trái ngành với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng để đầu quân cho một tập đoàn nông nghiệp mới mức lương chỉ gần 4 triệu đồng. Anh chấp nhận đến làm việc ở nơi mức lương thấp hơn để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm ở lĩnh vực nông nghiệp. Để tính phương án đi đường xa cho mình, quá trình làm việc, Sơn học lên thạc sỹ chuyên ngành khoa học cây trồng để có thêm kinh nghiệm.

Sau 5 năm ra trường, tích lũy được một số vốn và kinh nghiệm, Sơn quyết định về vùng quê nơi mình sinh ra để khởi nghiệp. Chàng trai trẻ phải vay mượn thêm để đủ 500 triệu đồng, thuê bãi bồi rộng 2.500m2 ven sông Lam làm trang trại, xây dựng hệ thống nhà lưới. Mùa nào cây ấy, trang trại của Sơn trồng dưa lưới, ớt chuông, cà chua, súp lơ baby... và đã cho những hiệu quả ban đầu.

Xuất thân từ nhà nông, anh Sơn muốn làm nông nghiệp sạch, bền vững trên quê hương mình.

Cuối năm 2019, Sơn mới quyết định trồng dâu tây. Ban đầu, 400 cây dâu tây được trồng trong nhà lưới phát triển nhanh, lá xanh mơn mởn. Thế nhưng, vào thời kỳ ra hoa, cây bị nhiễm nấm, thối gốc, cành... Tìm hiểu kỹ, Sơn phát hiện môi trường nhà lưới có độ ẩm cao, khiến nấm dễ phát triển. Do đó, anh mạo hiểm đưa dâu tây ra bãi. Để chống ngập nước, anh đánh luống cao. Ở môi trường bên ngoài cây dâu tây tỏ ra thích ứng tốt hơn, đỡ nhiễm nấm nhưng lại nhiều sâu. Nhưng Sơn cho hay, so với nấm thì sâu dễ xử lý hơn bằng các chế phẩm sinh học, lại an toàn cho người tiêu dùng.

Dâu tây là cây trồng ưa lạnh, xuống giống vào thời điểm cuối tháng 9 dương lịch và kết thúc vụ thu hoạch vào cuối tháng 3 năm sau. Trồng ở bãi bồi khiến anh gặp nhiều rủi ro hơn vì ngập nước và sâu bệnh. Nhưng bằng kinh nghiệm, kỹ thuật của mình, anh đã dần khắc phục được những khó khăn đó.

Hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững

Nguyễn Văn Sơn xuất thân là con nhà nông, nhưng từ nhỏ luôn được bố mẹ bảo bọc, cho ăn học đầy đủ với mong rằng con mình sau này sẽ thoát cảnh chân lấm tay bùn. Thế nhưng, qua những kinh nghiệm trong học tập và làm việc, Sơn nhận ra rằng những người nông dân cần phải thay đổi quan niệm làm nông, cần phải tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất. Và anh muốn mình là người thực hiện việc đó để ngành nông nghiệp phát triển hơn, người nông dân tăng năng suất, giá trị kinh tế mang lại cao hơn.

Hướng đi là vậy nhưng khi bắt tay vào làm việc, anh mới nhận ra nhiều khó khăn. Từ việc chọn giống, làm đất cho đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ... anh phải đảm nhận hết. Chàng trai trẻ nhận ra rằng làm nông nghiệp không hề đơn giản. Nhất là với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung thì việc chăm sóc cây trồng càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Nắm rõ điều kiện khí hậu ở Nghệ An, Sơn nhận ra rằng canh tác một loại cây trên đất bãi sẽ khó khả thi. Do đó, anh trồng các loại rau theo nguyên tắc mùa nào cây nấy, xen canh, đa dạng hàng hóa phục vụ thị trường.

Nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm thu hoạch dâu tây.

Về dự định tương lai, chàng trai trẻ cũng có kế hoạch dài hơi hơn khi quyết định sẽ thử nghiệm trồng nho. Để thực hiện kế hoạch này buộc anh phải tính toán, quy hoạch hệ thống thoát nước, tưới tiêu. Anh cũng đang đề xuất với xã để được thuê thêm đất mở rộng dự án, hướng tới mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, kết hợp du lịch canh nông.

Hiện trung bình mỗi ngày, vườn dâu tây của anh Sơn đón khoảng 50 lượt khách tham quan, trải nghiệm và cho thu hoạch khoảng 10kg quả dâu, với giá bán tại vườn 30.000 đồng/100g. Khoản tiền từ bán vé vào vườn, thuê trang phục chụp ảnh và bán dâu tây đưa lại khoản thu ban đầu cho ông chủ trang trại này.

Không chỉ phát triển quy mô trang trại, hiện Nguyễn Văn Sơn đang tích cực chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong vùng. Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Phú Thịnh do anh làm giám đốc có 20 thành viên, chủ yếu là nông dân xã Hưng Thành. Thay đổi tư duy sản xuất, phương thức canh tác, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và có giá trị cao là mục đích mà anh đang hướng tới trong cách làm nông nghiệp của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật